Những cầu nối nghĩa tình

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ, Hội Nông dân trên địa bàn TPHCM đã có nhiều mô hình hiệu quả trong học tập Bác. Nhiều hoạt động đã được cụ thể hóa, duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng. Trong đó, mô hình Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo đã giúp hàng chục ngàn phụ nữ khó khăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Trao nghề, trao kinh tế

Nhìn lứa tôm sắp đến kỳ thu hoạch, ông Nguyễn Thanh Dũng (ngụ ấp 2, xã Long Thới, huyện Nhà Bè) phấn khởi. Trước đây, ông Dũng nuôi tôm đâu thất bại đấy, phần do thiếu vốn, phần do thiếu kinh nghiệm. Từ khi được ông Trần Trang Tấn Hồng, Chi đội trưởng Chi đội Nông dân ấp 2, xã Long Thới hỗ trợ, đầm tôm của ông Dũng mới bắt đầu cho thu hoạch, cũng đủ để trang trải cuộc sống.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi tôm, lại ham học hỏi và áp dụng các kỹ thuật tiên tiến nên ông Hồng có tiếng nuôi tôm “mát tay” ở ấp. Thấy gia đình mình sống được bằng nghề nuôi tôm, trong khi nhiều gia đình liên tục thất bại, ông Hồng nảy ra ý định hỗ trợ giống tôm và hướng dẫn kỹ thuật để mọi người vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2014 đến nay, ông Trần Trang Tấn Hồng đã tặng 500.000 giống tôm cho 10 hộ nông dân. Không chỉ giúp con giống, ông Hồng còn hỗ trợ về kỹ thuật, theo sát các hộ trong quá trình nuôi tôm. Nhờ đó, nhiều hộ đã dần ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân thăm, tặng quà phụ nữ khó khăn

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân thăm, tặng quà phụ nữ khó khăn

Cũng trăn trở làm sao giúp chị em có cái nghề để ổn định cuộc sống, chị Lê Thị Diễm Trang, chủ tiệm uốn tóc tại xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn) đã tổ chức dạy nghề miễn phí cho phụ nữ tại địa phương. Từ cuối năm 2019 đến nay, chị phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Nhị Bình tạo điều kiện để phụ nữ được học nghề miễn phí. Xem học viên như chị em trong gia đình, chị Trang tận tình chỉ dạy từ cách gội đầu sao cho sạch, làm móng sao để không gây ra thương tích cho khách, đến các tuyệt chiêu cắt, uốn tóc hợp với từng khuôn mặt. Không chỉ vậy, nhờ sự trợ giúp của hội, chị em tham gia học nghề còn được tặng bộ dụng cụ thực hành và hỗ trợ phần ăn trong ngày. Nhờ đó, sau một thời gian, nhiều phụ nữ khó khăn đã vững tay nghề, có chị mở được tiệm làm tóc, có thêm thu nhập lo cho gia đình.

Chia sẻ về mô hình ý nghĩa “Phụ nữ trao nghề, trao kinh tế”, chị Trang cho biết, bản thân chị cũng nhờ sự hỗ trợ vốn của Hội LHPN xã mà có điều kiện mở tiệm làm tóc và cơ hội trao nghề lại cho các chị em cùng cảnh ngộ. Đó là cách chị trả ơn cuộc đời đã cưu mang chị trong những thời điểm khó khăn.

Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo

Thời gian qua, các cấp Hội LHPN trên địa bàn TPHCM đã có nhiều mô hình hiệu quả trong học tập Bác. Nhiều hoạt động đã được cụ thể hóa, duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng. Đặc biệt là mô hình Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo. Theo bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TPHCM, sau 4 năm triển khai, mô hình “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” đã vận động được gần 19 tỷ đồng. Theo đó, hàng năm các cấp hội tổ chức ngày thu tiết kiệm, từ số tiền có được sẽ thực hiện nhiều hoạt động trợ giúp phụ nữ khó khăn trong buôn bán, kinh doanh để tăng thu nhập cho gia đình.

Sáng nào cũng vậy, quán bún riêu của bà V.T.Lê (phường 3, quận 4) luôn đông khách. Bà Lê luôn tay lấy bún, cho thịt, chế nước lèo vào tô cho khách với nụ cười luôn túc trực trên môi. Trước đây, quán của bà cũng không đông như vậy, nhưng từ khi Hội LHPN phường 3 giới thiệu quán cũng như hoàn cảnh của bà đến chị em hội viên thì nhiều người đã đến ủng hộ bà.

Chỉ hơn một năm trước, gia đình bà Lê còn lâm cảnh khó khăn, “xã hội đen” thường túc trực nhà bà đòi nợ do chồng bà vay nóng tín dụng đen. Không ít lần cửa nhà bà bị tạt sơn và chất bẩn, khiến bà nhiều lúc nghĩ quẩn muốn chết. Biết hoàn cảnh của bà, năm 2020 Hội LHPN phường 3 đã giới thiệu để bà vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội. Một phần bà dùng trả nợ, một phần bà gầy lại hàng bán đồ ăn sáng. Hội cũng hỗ trợ bà vật dụng, quà để bà có thêm điều kiện buôn bán. Ngoài ra, chồng và con bà Lê cũng được hội giới thiệu việc làm. Nhờ đó, đến nay gia đình bà dần ổn định, trả được nợ vay ngân hàng.

Bà Lê chỉ là một trong rất nhiều chị em trên địa bàn quận 4 được hỗ trợ để vượt qua nỗi khổ tín dụng đen. Theo bà Lê Thị Diễm Huỳnh, Chủ tịch Hội LHPN quận 4, mô hình “Chi hội không tín dụng đen” được Hội LHPN quận 4 triển khai cuối năm 2019, đến nay đã nhân rộng 51 chi hội. Bên cạnh rà soát các hộ kinh doanh buôn bán trên địa bàn, các hộ diện nghèo, cận nghèo, khó khăn chưa có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, từ đó hội đã làm cầu nối giới thiệu để họ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, từ phong trào thực hành tiết kiệm, nuôi heo đất, thu gom phế liệu và vận động vốn trong hội viện, các chi hội phụ nữ trên địa bàn quận 4 đã tạo được nguồn vốn hơn 260 triệu đồng, phát vay không lãi suất cho 50 chị em để phát triển kinh tế.

“Cái được của chương trình chính là giúp chị em vượt qua nỗi lo tín dụng đen, hình thành ý thức tiết kiệm để chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái nên người. Nhiều chị từ người được trợ giúp đã trở thành nòng cốt trong các phong trào tại địa phương, hỗ trợ lại các chị em yếu thế”, bà Diễm Huỳnh chia sẻ.

Ngoài ra, hoạt động tiết kiệm tại các chi, tổ hội phụ nữ với các loại hình: tiết kiệm xoay vòng, nuôi heo đất, thu gom phế liệu… cũng đã tiết kiệm được hơn 785 tỷ đồng. Qua đó, hỗ trợ vốn cho hơn 95.000 lượt phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế, dần ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

HỒNG HẢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhung-cau-noi-nghia-tinh-731974.html