Những câu hỏi thường gặp về bảo hiểm bắt buộc xe gắn máy

Nghị định 03/2021 do Chính phủ ban hành ngày 15/1 quy định nhiều điểm mới về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, chính thức áp dụng từ ngày 1/3.

Quy định mới về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có những sửa đổi liên quan trực tiếp mỗi người dân. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp xoay quanh những thay đổi này.

Hồ sơ bồi thường được đơn giản hóa như thế nào?

Nghị định 03/2021 được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả bồi thường bảo hiểm. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ thu thập tài liệu của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách.

So với quy định cũ, nghị định cũng cắt giảm 1/5 tài liệu liên quan đến cơ quan công an. Với các vụ tai nạn khác, doanh nghiệp chỉ cần lập biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm với bên mua bảo hiểm hay người được bảo hiểm.

 Nghị định 03/2021 được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả bồi thường bảo hiểm.

Nghị định 03/2021 được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả bồi thường bảo hiểm.

Nghị định cũng cắt giảm 2/5 tài liệu liên quan đến thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Quy định mới chỉ còn 3 loại tài liệu, gồm giấy chứng nhận thương tích, hồ sơ bệnh án và trích lục khai tử hoặc giấy báo tử.

Việc cắt giảm các loại hồ sơ, giấy tờ phải thu thập theo hồ sơ bồi thường có tác động tích cực về mặt kinh tế, giảm chi phí liên quan đến việc tổ chức giải quyết bồi thường với cả bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm lẫn doanh nghiệp bảo hiểm.

Về mặt xã hội, việc cắt giảm hồ sơ cũng rút ngắn thời gian giải quyết bồi thường, phát huy tính an sinh xã hội của loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe cơ giới, góp phần hỗ trợ nạn nhân, chủ xe kịp thời khắc phục hậu quả tai nạn, nhanh chóng ổn định cuộc sống và sản xuất kinh doanh.

Nạn nhân nhận tiền bồi thường ở thời điểm nào?

Nghị định 03/2021 cũng đưa ra các quy định về tạm ứng bồi thường nhằm hỗ trợ nạn nhân nhanh chóng khắc phục hậu quả tai nạn.

Theo đó, để bảo đảm nạn nhân tiếp cận nhanh chóng tài chính, kịp thời chữa trị, chi trả chi phí y tế, nghị định 03/2021 quy định về tạm ứng bồi thường theo hướng rõ ràng, minh bạch. Cụ thể trong vòng 3 ngày làm việc từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.

Cụ thể, trường hợp đã xác định vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại tạm ứng 70% mức bồi thường bảo hiểm/người/vụ với trường hợp tử vong (tương ứng 105 triệu đồng); tạm ứng 50% mức bồi thường bảo hiểm/người/vụ với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu (tương ứng 75 triệu đồng).

Bảo hiểm xe máy hỗ trợ khách hàng và bên thứ ba khi gặp rủi ro trong quá trình tham gia giao thông.

Những sửa đổi mới có tác động tích cực với đối tượng tham gia giao thông cũng như xã hội. Cụ thể, các bên liên quan đến vụ tai nạn đều được hỗ trợ kịp thời. Trong đó, nạn nhân tai nạn giao thông được giúp khắc phục tổn thất về người và tài sản; chủ xe và lái xe nhanh chóng ổn định cuộc sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Mức bồi thường tăng bao nhiêu?

Để đảm bảo mục đích, tính chất của bảo hiểm bắt buộc, cũng như tính linh hoạt, chủ động trong việc điều chỉnh mức phí, bù đắp chi phí khi có thay đổi biến động, Nghị định 03/2021 bổ sung quy định căn cứ vào chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản. Theo đó, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra nâng từ 100 triệu đồng/người/vụ lên 150 triệu đồng/người/vụ.

Nghị định đồng thời giữ nguyên mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản là 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn đối với thiệt hại do xe môtô 2 bánh, 3 bánh, xe gắn máy và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra.

Hiệu lực của giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử?

Lần đầu tiên, các doanh nghiệp bảo hiểm được cho phép phát hành giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử cho loại hình bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới. Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế đảm bảo bao gồm đầy đủ thông tin theo quy định tại nghị định và tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và những văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo đó, doanh nghiệp phải tích hợp tính năng tra cứu giấy chứng nhận bảo hiểm trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm, cho phép cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát và bên mua bảo hiểm, người mua bảo hiểm tra cứu, xác minh thời hạn và hiệu lực bảo hiểm của Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Mức chi hỗ trợ nhân đạo được điều chỉnh ra sao?

Trên cơ sở các quy định cũ, nghị định mới cũng quy định các doanh nghiệp sẽ trích 1% tổng số phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới để đóng góp vào quỹ “Bảo hiểm xe cơ giới”. Quỹ này nhằm phát huy vai trò là cơ chế hỗ trợ cho chính sách bảo hiểm bắt buộc, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông và thực hiện mục tiêu an sinh - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Nghị định mở rộng phạm vi và tăng mức chi hỗ trợ nhân đạo cho các trường hợp thiệt hại về sức khỏe, tính mạng mà không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định. Cụ thể, mức chi là 30% mức trách nhiệm bảo hiểm cho 1 người/vụ đối với trường hợp tử vong (tương ứng 45 triệu đồng so với mức cũ là 20 triệu đồng); 10% mức trách nhiệm bảo hiểm cho 1 người/vụ (tương ứng 15 triệu đồng) đối với các trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.

Giang Ngân Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-cau-hoi-thuong-gap-ve-bao-hiem-bat-buoc-xe-gan-may-post1178738.html