Những câu hỏi thường gặp khi đăng kiểm ô tô

Đăng kiểm ô tô và một số câu hỏi thường gặp mà nhiều chủ phương tiện chưa biết khi tiến hành đăng kiểm.

Đăng kiểm là hình thức do cơ quan chuyên ngành kiểm định về chất lượng xe có đảm bảo độ an toàn khi tham gia giao thông. Công việc đăng kiểm gồm kiểm tra toàn bộ máy móc trong và ngoài xe, xem có đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định hay không.

Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa qua, trên cả nước có 244.006 xe cơ giới đã quá hạn kiểm định trên 30 ngày tính tới thời điểm ngày 1-10. Để thực hiện nghiêm quy định về loại bỏ xe hết niên hạn sử dụng, Cục Đăng kiểm đã chỉ đạo cho các đơn vị đăng kiểm rà soát, kiểm tra sát sao và xử lý đối với các loại phương tiện đã quá niên hạn sử dụng. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các loại phương tiện làm thay đổi kiểu dáng, mẫu mã của nhà sản xuất bằng việc từ chối đăng kiểm.

Thông thường một số trung tâm đăng kiểm, đối với các loại xe cơ giới sẽ được nhắc nhở khi gần đến thời gian đăng kiểm tiếp theo bằng cách nhắn tin thông báo, một số phương tiện tạm thời không lưu hành hoặc đối với xe vận tải không có công trình thì họ chưa đăng kiểm, vì vậy bên các trung tâm đăng kiểm không kiểm soát được. Nếu phương tiện đó lưu thông trên đường, khi bị phát hiện, cơ quan chức năng như CSGT sẽ xử lý theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Trên cả nước, chủ phương tiện có thể đăng kiểm bất cứ trung tâm đăng kiểm nào khi thấy phù hợp. Mọi thông tin về chủ xe và loại xe đăng kiểm đều được lưu trên cổng thông tin của Cục Đăng kiểm. Tùy vào mỗi loại xe và năm sản xuất của xe mà Cục Đăng kiểm quy định thời hạn đăng kiểm cho một lần.

Nhiều chủ phương tiện giao thông thắc mắc khi chưa hết hạn đăng kiểm, chủ phương tiện có thể đăng kiểm trước thời gian bao lâu. Một cán bộ thuộc Cục Đăng kiểm phía Nam trả lời: “Chủ phương tiện có thể đăng kiểm trước thời gian bao lâu cũng được, việc đấy là không vi phạm, thời gian đăng kiểm sẽ được cộng dồn”.

Đối với các phương tiện có các sản phẩm như cản trước, cản sau là không đảm bảo điều kiện đăng kiểm. Tuy nhiên, nếu như theo nhà sản xuất có đăng ký mẫu xe có các phụ kiện kèm theo đó thì loại phương tiện mới được đăng kiểm. Đúng chủng loại, mẫu mã nhà sản xuất thì cơ quan đăng kiểm sẽ đăng kiểm theo đúng thủ tục.

Một số phụ kiện không được đăng kiểm như cản trước, cản sau, đèn LED, xe van lắp thêm ghế sau, dán decal toàn bộ xe... và một số sản phẩm khác không theo đúng nhà sản xuất đưa ra.

Mục đích của việc đăng kiểm là kiểm tra mức độ và ngưỡng an toàn cho phương tiện, nhằm giảm tránh những rủi ro trong quá trình lưu thông. Vì vậy, việc đăng kiểm được coi là nghĩa vụ của chủ phương tiện và của những người tham gia giao thông khác.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định đối với loại phương tiện không đúng mẫu mã của nhà sản xuất sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Điều 30: Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ.

9. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a. Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng kích thước của xe, thùng xe hoặc tự ý lắp thêm, tháo bớt ghế, giường nằm (đối với xe khách) không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe.

Thy Nhung

Nguồn PLO: http://plo.vn/xe-va-luat/nhung-cau-hoi-thuong-gap-khi-dang-kiem-xe-o-to-801822.html