Những câu hỏi khó liên quan đến Tổng thống Mỹ Donald Trump

Đã không ít lần Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions phải thay đổi tuyên bố để không phải trả lời những câu hỏi khó về Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Những phiên bản điều trần đầy mâu thuẫn

Mới đây nhất, ngày 14/11, Ông Jeff Sessions đã phải thừa nhận trong phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ rằng, ông biết về việc các trợ lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong quá trình vận động tranh cử hồi năm 2016 có liên lạc với “những người trung gian” của Nga.

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions trong phiên điều trần tại Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ. Ảnh: Reuters

Ông Sessions cho biết, ông đã nhớ lại một cuộc gặp hồi năm 2016 với ông Trump, khi đó, một trợ lý của ông Trump cho biết, ông ta có “nhiều mối liên hệ với Nga” và có thể “sắp xếp” giúp ông Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Giờ thì tôi nhớ ra được cuộc gặp đó, nhưng tôi vẫn không thể nhớ cụ thể trợ lý của ông Trump đã nói gì”, ông Sessions thừa nhận.

Trước đó, ông Sessions từng tuyên bố trước Quốc hội Mỹ rằng ông không hề biết về mối quan hệ của nhóm vận động tranh cử của ông Trump với Nga. Điều này đã khiến nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ cáo buộc ông Sessions “khai man”. Tất nhiên, ông Sessions bác bỏ cáo buộc này: “Tôi không chấp nhận bất kỳ lời cáo buộc nào rằng tôi đã khai man. Điều này là không chính xác”.

Dù lời thừa nhận mới nhất của ông Jeff Sessions không làm sáng tỏ nhiều về “mối quan hệ bất thường giữa nhóm của ông Trump và Nga” nhưng đây được coi là “ví dụ sinh động” về việc các quan chức tư pháp Mỹ tìm cách né tránh vấn đề này trước sự truy hỏi gắt gao của các nghị sĩ Mỹ.

Hơn thế nữa, lời thừa nhận này của ông Sessions càng khiến những tranh cãi về mối quan hệ của nhóm vận động tranh cử của ông Trump với Nga sôi sục lên, nhất là trong bối cảnh Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đang đẩy mạnh điều tra về khả năng có mối liên quan giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga.

Kể từ khi cuộc điều tra của ông Mueller được tiến hành, hàng loạt cố vấn của ông Trump đã thừa nhận có liên hệ với “những nhân vật trung gian của Nga”. Trong số này, đáng chú ý có con trai của ông Trump, Donald Trump Jr., người phụ trách chiến dịch tranh cử Paul Manafort và con rể nhưng cũng là cố vấn cao cấp của ông Trump Jared Kushner.

Những câu hỏi khó dồn dập

Không chỉ đối mặt với những câu hỏi hóc búa liên quan đến ông Trump, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ còn phải liên tục trả lời những chất vấn từ các nghị sĩ đảng Dân chủ. Thậm chí, Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries còn chỉ trích ông Sessions là “kẻ đạo đức giả” khi quyết định khởi tố một sĩ quan cảnh sát vì khai man trước tòa sau khi viên sĩ quan cảnh sát này thay đổi lời khai của mình.

“Bộ trưởng Tư pháp Mỹ không thể được hưởng một tiêu chuẩn hoàn toàn khác so với một sĩ quan cảnh sát trẻ bị chính ông ta hủy hoại cuộc đời”, ông Hakeem Jeffries tuyên bố.

Ngay lập tức, ông Sessions đáp trả: “Sẽ chẳng có ai, anh, tôi hay bất kỳ ai khác bị truy tố chỉ vì trả lời các câu hỏi chất vấn theo cách mà tôi đã làm trong phiên điều trần ngày hôm nay. Tôi luôn trả lời mọi câu hỏi chính xác và công bằng”.

Quay trở lại với những câu hỏi liên quan đến chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 của ông Donald Trump, ông Sessions cho biết, chính ông đã “gạt phăng” ý tưởng về việc cần liên hệ với phía Nga.

“Tôi nhớ rằng khi đó, tôi đã nói rõ với trợ lý của ông Trump rằng, ông ta không được phép đại diện cho toàn bộ chiến dịch tranh cử để liên lạc với Chính phủ Nga hay bất kỳ chính phủ nước ngoài nào”, ông Sessions nhấn mạnh.

Ông Sessions khẳng định, sau cuộc gặp mà ông mới nhớ ra đó, ông “không hề biết” về bất kỳ một vụ liên lạc nào giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với các quan chức Nga.

Sự “thành thực và chính trực” của ông Sessions

Đây không phải là lần đầu tiên ông Sessions quyết định thay đổi tuyên bố của mình trong các phiên điều trần liên quan đến mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với giới chức Nga.

Trước đó hồi tháng 1, ông Sessions tuyên bố không biết gì về những mối liên hệ này. Ngay cả khi báo chí đưa ra những bằng chứng về việc ông gặp Đại sứ Nga Sergei Kislyak ít nhất 2 lần trong năm 2016, ông Sessions vẫn khẳng định ông là người “thành thực và chính trực” trong mọi tuyên bố dù vẫn thừa nhận lẽ ra ông nên đề cập đến các cuộc gặp với Đại sứ Nga Sergei Kislyak.

Ngay trong phiên điều trần mới nhất, ông Sessions cũng tỏ ra mâu thuẫn khi không bác bỏ thông tin về việc ông Carter Page- người từng là cố vấn về chính sách ngoại giao trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump- cho biết, ông từng nói với ông Sessions rằng ông chuẩn bị đến Nga nhưng lại nói rằng ông chẳng nhớ gì về cuộc trao đổi đó cả./.

Trần Khánh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/nhung-cau-hoi-kho-lien-quan-den-tong-thong-my-donald-trump-695706.vov