Những câu chuyện thú vị về Võ Đại tướng trong lòng người xứ Lệ

Cách đây hơn một thế kỷ, những ngày tháng Tám mùa Thu lịch sử, làng An Xá (nay thuộc xã Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) chào đón một người con chào đời mà nay tên tuổi ấy, cốt cách ấy 'lừng lẫy khắp năm Châu'. Đó chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một trong những vị tướng tài ba trên thế giới trong lịch sử đương đại của thế kỷ XX…

Từng về thăm nhà, thăm quê Đại tướng nhiều lần, được tiếp xúc, nghe kể từ những người đã từng một thủa hàn vi, từng là học trò, từng có nhiều thời gian sống gần Đại tướng, chúng tôi càng thẩm thấu thêm con người ấy, cốt cách ấy như vầng dương soi tỏa lóng lánh bên dòng Kiến Giang thơ mộng, hiền hòa…

Người dân đến thắp hương tại nhà thờ quê hương Đại tướng

Người dân đến thắp hương tại nhà thờ quê hương Đại tướng

Võ Đại tướng qua ký ức người học trò

Từng tiếp xúc với cụ Lê Thanh Châu (đại tá quân đội về hưu, người học trò của Đại tướng), cụ nhấn mạnh: Cả trăm năm nay, “người quê miềng” (tiếng địa phương ở Lệ Thủy, gọi là “mình”) chưa thể nguôi quên và truyền tụng mãi sự “thông minh quá” của gia đình Đại tướng.

Theo cụ Châu, thân sinh của Đại tướng, cụ Võ Quang Nghiêm (cụ Nghiêm Cữu phẩm), một nhà nho, thầy giáo, thầy thuốc... sớm giác ngộ cách mạng, bị giặc Pháp bắt vào năm 1947, và hy sinh ở trong lao Thừa Phủ (Huế). Phụ mẫu của Đại tướng là bà Nguyễn Thị Kiên (quê Sơn Thủy- Lệ Thủy), một mẫu người phụ nữ công dung- ngôn hạnh- trung hậu- đảm đang. Thân sinh của bà là một trong những thủ lĩnh Cần Vương, nên anh em nhà Đại tướng cũng được thụ hưởng phần nào về cốt cách, khí tiết từ gia đình bên ngoại. Gia đình Đại tướng có 6 anh chị em, trước Đại tướng là anh đầu và 2 chị, sau có một em trai và gái. Gia đình Đại tướng có tiếng thông minh hơn người. Cụ Châu kể, người anh đầu của Đại tướng, do “thông minh quá”, cả nhà đều sợ đành phải cho uống mực để “bớt thông minh”...

Tuổi thơ Võ Nguyên Giáp ở quê nhà, suốt ngày cầm cuốn sách với niềm đam mê đọc, học. Cây khế hơn 115 năm tuổi ở sau nhà là một chứng tích mà Đại tướng thường trèo lên đó nằm đọc sách. Cụ Châu cho biết, sau khi vào Huế học, nhờ học giỏi quá, thầy giáo Nguyễn Chí Diễu kết nạp Võ Nguyên Giáp vào phong trào cách mạng. Từ đó sớm giác ngộ cách mạng, tiếp xúc tinh thần yêu nước của dân tộc từ khi còn rất trẻ, thủa chưa đến tuổi 15. Năm 1927- 1928 sau khi bị phát hiện hoạt động cách mạng, Võ Nguyên Giáp bị đuổi học về quê trong thời gian gần 2 năm.

Căn nhà quê hương Đại tướng

Một người ham học

“Nói về Đại tướng, trước hết đó là tinh thần ham học”, cụ Châu chiêm nghiệm, nhớ lại: Thời kỳ hoạt động ở trường Quốc học Huế bị lộ, bắt về cư trú ở quê gần 2 năm. Cụ không bao giờ rời quyển sách trên tay. Bà con, anh em, bạn bè khi tiếp xúc, trò chuyện cùng lắm chỉ 15 phút, sau đó cụ tìm cách lẩn tránh để đọc sách, tự học.

Có câu chuyện vui mà sau này, năm 1977, Đại tướng về thăm quê, lần đầu tiên ngủ một đêm ở quê nhà mới kể. Cụ Châu nghe và kể lại rằng: Khi bị đuổi học ở trường Quốc học Huế, gia đình không cho đi học nữa. Muốn học thì phải đi hỏi vợ. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Võ Nguyên Giáp quyết định “hỏi vợ để được đi học”. Gia đình dặm hỏi cho Võ Nguyên Giáp với bà Hiên, người trong làng. Được đi học, khi lên tàu, Đại tướng nhắn với bà Hiên và người làng rằng: “Tôi chưa muốn lấy vợ, phải học đã”. Thế là mối tình đó đành “đứt đoạn”. Trong huyện Lệ Thủy thời bấy giờ, Võ Nguyên Giáp là người đậu cữ nhân Á chỉ (sau ông huyện Hiền- Tiên chỉ- người đứng đầu làng), được cấp gần 2 mẫu ruộng công vào loại tốt thứ nhì, nhưng năm 1940, biết cụ Giáp qua hoạt động cách mạng nên họ đã cắt ruộng.

Cụ Châu nhấn mạnh: “Ưu việt của Đại tướng ngoài thông minh, ham học, giác ngộ sớm thì được tiếp xúc sớm, gần gũi với Bác Hồ nên khó ai có được trí tuệ uyên thâm như Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Bác Châu ngẫm nghiệm: Tất cả hồi ký của Đại tướng, dường như tất cả thâu tóm lại hai vấn đề, hai câu nói mà Bác Hồ trao lại như hai chiếc “đũa thần”. Bác Hồ từng khuyên Đại tướng trong Hang Pắc Pó: “Làm cách mạng phải “Dĩ công vi thượng”“Có dân có tất cả”.

Tác giả cùng ông Võ Đại Hàm (bìa phải)

Cốt cách mẫu mực của Võ Đại tướng

“Nhiều người nhìn nhận, trong con người Đại tướng ít thấy khuyết điểm, ít thấy cái tôi, người của tinh thần tập thể... đó là những phẩm chất cao quý. Đặc biệt chữ “Nhẫn” luôn xuyên suốt cuộc đời Đại tướng”, ông Võ Đại Hàm, cháu của Đại tướng, người đã từng ở nhà Đại tướng tại Hà Nội nhiều năm, nay về trông coi nhà Đại tướng ở làng An Xá đúc rút lại. Ông Võ Đại Hàm khẳng định: “Nhờ chữ “Nhẫn” mà uy tính, hình ảnh của Đại tướng ngày một nâng cao, xứng tầm với lịch sử, với thế giới”.

Bên cạnh chữ “Nhẫn”, sự liêm khiết, giản dị, chí công vô tư... là những đức tính trong con người Đại tướng. Theo ông Hàm, chuyện con cái, cháu chắt học xong, chưa bao giờ cụ có gợi ý xin việc. Phân công ở đâu làm đó. Đại tướng từng nói: “Nếu ai cũng như thế thì không còn ai tu dưỡng, học hành, phấn đấu, liệu vào làm việc có được không?”.

Nhiều đại gia đình muốn lưu dấu trong căn nhà ở quê Đại tướng

Năm 1983, sau khi đưa mộ cha của Đại tướng từ Huế về nghĩa trang Lệ Thủy. Có một khu đất ở phía trên dành cho các Anh hùng. Mọi người định “đặt” cụ ở trong khu vực này. Xin ý kiến, Đại tướng khuyên can: “Bố tôi chỉ là liệt sĩ, phải đặt đúng chỗ”. Còn năm 1993, khi đưa mộ mẹ của Đại tướng về quê, cơ quan chức năng có ý đưa cụ bà vào nghĩa trang, để được gần cụ ông. Đại tướng nhất quyết: “Không được, mẹ tôi không phải là liệt sĩ nên không được “nằm” trong nghĩa trang, chuyện đưa về có gia đình chúng tôi lo là được rồi”. Sau đó an táng mộ bà ở cạnh Nghĩa trang Lệ Thủy, vẫn được “gần ông”. Mọi người muốn mở cánh cửa phía gần cạnh mộ cụ bà để mọi người thắp hương cho tiện, Đại tướng nhất quyết: “Chỉ có gia đình chúng tôi đi, xin đừng bận tâm”. Thế là mỗi lần Đại tướng về thăm quê, vào thắp hương cho cha mẹ lại phải bắc gạch... để bước qua.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất bình dị (Ảnh: Trần Hồng)

Hay chuyện tỉnh Quảng Bình và người trong họ muốn xây nhà thờ họ Võ trong khu vườn của nhà thân sinh Đại tướng bằng... gỗ lim. Nhưng khi xin ý kiến Đại tướng can ngăn: “Đừng làm như thế rồi trở thành tiền lệ, ai làm nhà thờ cũng khai thác, rồi lợi dụng việc khai thác để tư lợi. Tốt nhất là làm gỗ vườn”. Và, nhà thờ của họ Võ được làm bằng gỗ mít, vừa giản dị nhưng cũng thật uy nghiêm.

Ông Hàm nhớ lại: Mỗi lần về quê, điều đầu tiên là Đại tướng vào thắp hương cho cha mẹ, rồi cụ xuống bến sông quê bên dòng Kiến Giang vốc nước phả vào mặt, ngắm sông quê cho “đã thèm”. Có một điều đặc biệt, mỗi lần Đại tướng về quê, không bao giờ đi xe tới trước cổng nhà mà dừng ở ngoài xa, đi bộ nắm tay, thăm hỏi, ôm hôn bà con, xóm làng sau nhiều năm xa cách để thỏa nhớ mong.

Thăm quê, cụ thường căn dặn nhiều điều: Không nên thuần nông, khó giàu. Phải khôi phục các làng nghề, con cháu phải học hành, có kiến thức mới làm giàu được; phải “phở hoang” (mở đất) lên miền Tây...

Đông đảo người dân đến viếng mộ Đại tướng tại Vũng Chùa- Đảo Yến (xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp như ánh dương, vầng sáng soi lối cho muôn người, mọi thế hệ noi theo, như nhà thơ Lê Cảnh Tuân từng viết: “Ánh dương văn- võ ngàn năm tỏa/ Phẩm giá thanh cao rạng núi sông”!.

Xuân Hoài

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/nhung-cau-chuyen-thu-vi-ve-vo-dai-tuong-trong-long-nguoi-xu-le-107884.html