Những câu chuyện 'thâm cung' về cuộc đời của các nhà văn nổi tiếng

'Bí mật cuộc đời các đại văn hào' là cuốn sách đem đến cho độc giả những câu chuyện 'bí ẩn' về các tác gia nổi tiếng trên khắp thế giới, ở mọi thời đại.

Cuốn sách tập hợp những câu chuyện “thâm cung” vô cùng đặc sắc của 41 tác giả văn học lớn trên thế giới. Đọc cuốn sách này, độc giả sẽ được trải nghiệm những cảm xúc bất ngờ, khi những “thần tượng” của mình, hoàn toàn không “liên quan” gì đến hình tượng trên các tác phẩm văn chương của chính họ.

Làm sao có thể không bất ngờ khi tác giả sáng tác nên thiên tình sử Romeo và Juliet, lại người cho vay nặng lãi và vô cùng keo kiệt. Hơn nữa, Shakespeare còn là người rất phóng đãng.

Cuốn sách chứa đựng nhiều "bí mật" thú vị đối với độc giả.

Cuốn sách chứa đựng nhiều "bí mật" thú vị đối với độc giả.

Trong cuốn sách, tác giả Robert Schnakenberg hóm hỉnh kể lại chuyện keo kiệt của Shakespeare, cho rằng ông chính là nguyên mẫu của nhân vật lái buôn Shylock. Không những keo kiệt, nhà viết kịch còn rất thích kiện những người vay nợ mình ra tòa để “thu lại tiền chưa trả, dù cho món nợ có cỏn con đến thế nào”.

Câu chuyện phóng đãng có phần “đáng hổ thẹn” của Shakespeare khi ông đã có lần “chơi khăm cậu bạn đồng thời cũng là đồng sự trong nghề diễn viên”, để nẫng tay trên buổi “mây mưa” với “cô nàng trẻ trung sống gần nhà hát”.

Không chỉ Shakespeare keo kiệt, mà một nhà văn nữa cũng rất nổi tiếng với thói bủn xỉn. Câu chuyện kể lại cách đối xử của Dickens với Hans Christian Andersen là một minh chứng rõ ràng.

Oscar Wilde đã từng đến nhà thổ để chứng minh sự "đứng đắn" của mình.

Hans và Dickens là bạn bè thân thiết nhưng khi Hans quay lại Anh để gặp bạn mình, ông đã phát hiện ra rằng người bạn ấy đã thay đổi. Dicken không muốn lãng phí tiền với Hans nên trốn đi London và tin rằng khi không có mặt mình, Hans sẽ tự động ra đi. Nhưng Hans khá kiên nhẫn. Sau hơn một tháng ở lại nhà bạn để đợi Dickens, cuối cùng Hans bị Dickens thẳng tay “tống cổ” ra khỏi cửa.

Đối với Oscar Wilde, độc giả sẽ biết được chuyện từ nhỏ ông đã “có tiền sử mặc quần áo của con gái”.

Sách Bí mật cuộc đời các đại văn hào kể “mẹ của Wilde, phu nhân Jane Wilde, là một thi sĩ lập dị, thích khoác lên mình những bộ cánh lạ thường”, và bà thích “giả vờ Oscar Wilde là một cô con gái, che giấu giới tính của cậu bé đằng sau những bộ váy diêm dúa thời Victoria”.

Chuyện Oscar Wilde đồng tính không phải lạ lẫm với độc giả, nhưng hẳn câu chuyện sau khi được thả khỏi nhà tù vì bị cho rằng có những hành vi đồng giới thiếu đúng đắn (lúc bấy giờ tình dục đồng tính bị cấm), Oscar Wilde vì muốn chứng minh sự đứng đắn của mình với công chúng Anh, ông cùng bạn đã đến nhà thổ. Tại đó, sau khi có những “trải nghiệm” tình dục với nữ giới, ông chia sẻ “lần đầu tiên trong mười năm nay và nó sẽ là lần cuối. Giống như thịt cừu để lạnh vậy”.

Emily Dickinson rất "sợ người".

Tình dục chính là nơi ngầm chứa nhiều bí mật nhất của các văn hào, đôi khi chính là thứ gợi nên cảm hứng sáng tạo trong văn chương.

H. G. Wells là tác giả viết truyện khoa học viễn tưởng nổi tiếng thế giới. Đương thời đồn đại ông là một “cỗ máy tình dục”, một “anh chàng phóng đãng khó tin”, với bộ sưu tập người tình của ông nhiều vô số kể, trong đó có những người rất nổi tiếng như “nữ nhà văn lừng danh người Pháp Odette Keun, cây bút nữ quyền Rebecca West, nhà đấu tranh cho việc kiểm soát sinh sản Margaret Sanger”.

Phải chăng ở Wells có một sức hấp dẫn thực sự khó cưỡng lại.

Bằng cách viết hóm hỉnh có nhiều phần giễu nhại sắc bén, Robert Schnakenberg đã đưa lại cho độc giả rất nhiều câu chuyện thú vị cũng quanh các nhà văn.

Bên cạnh Shakespeare, Wilde, Dickens, Wells còn có nhiều chuyện “hay ho”. Ví như chúng ta sẽ thấy Balzac có khả năng ăn “khủng khiếp” thế nào.

Hình ảnh Hemingway thích la cà quán rượu và nghiện ngập đã từng được thể hiện trong phim Midnight in Paris.

Gặp Jean-Paul Sartre luôn trong tình trạng “ảo giác”; Toni Morrison luôn “tin vào ma thuật”; Mark Twain là người nghiện mèo nhưng ghét cay ghét đắng trẻ con; Louisa May Alcott không thể sống thiếu thuốc phiện, và “thích viết những câu chuyện “mì ăn liền” rẻ tiền khiêu dâm”; Emily Dickinson cả đời chỉ mặc màu trắng, sợ người đến độ “khi được chẩn đoán là mắc bệnh viêm thận giai đoạn cuối, bà chỉ cho phép bác sĩ khám bệnh cho mình qua cánh cửa khép hờ”...

Cuốn sách Bí mật cuộc đời các đại văn hào đem đến nhiều tư liệu thú vị mang tính giải trí đối với người hâm mộ các nhà văn. Có nhiều những bí ẩn như là mặt tối sâu thẳm trong tâm tư phức tạp của các nhà văn. Có lẽ cũng có nhiều câu chuyện được thêu dệt bởi sự nổi tiếng của họ. Nhưng “thâm cung” kỳ bí và phức tạp ra sao, họ vẫn là những tượng đài được trân quý và ngưỡng mộ.

Cuộc đời của đại văn hào dĩ nhiên không thể nào bình thường, bởi điều đó mới tạo nên sức sáng tạo, tưởng tượng. Những câu chuyện của Robert Schnakenberg cũng thêm phần hấp dẫn bởi những bức tranh minh họa hài hước, hấp dẫn của Mario Zuccca.

Thủy Nguyệt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-cau-chuyen-tham-cung-ve-cuoc-doi-cua-cac-nha-van-noi-tieng-post882820.html