Những câu chuyện khởi nghiệp thành công bằng đôi bàn tay khéo léo

Nếu có đôi bàn tay khéo léo, bạn không nên bỏ lỡ mà hãy biến nó trở nên có ích hơn. Dưới đây là những câu chuyện khởi nghiệp rất thành công chỉ nhờ vào đôi bàn tay khéo léo cùng với óc sáng tạo của con người.

Chuyện lập nghiệp của chàng trai thích thêu thùa, may vá

Câu chuyện khởi nghiệp của chàng trai Nguyễn Phương Nam (sinh năm 1991) đã tạo cảm hứng khởi nghiệp cho các độc giả, đặc biệt là các bạn trẻ khi được chia sẻ trên Zing.vn.

Sau hai năm thi đại học bất thành, Phương Nam chiều theo ý mẹ đăng ký học ngành viễn thông của Cao đẳng Bách khoa Hà Nội. Chính việc được "bay nhảy", tự do khi đi học đã nhen nhóm cho cậu bé nhút nhát ngày nào suy nghĩ thỏa sức đam mê, sáng tạo.

Nguyễn Phương Nam đã chứng minh cho gia đình thấy quyết định của mình là đúng đắn

Nguyễn Phương Nam đã chứng minh cho gia đình thấy quyết định của mình là đúng đắn

Ngoài giờ đi học, lúc rảnh rỗi, ngoài giờ tới trường, Nam lại ngồi tỉ mẩn cắt những miếng vải vụn từ quần áo cũ để khâu thành búp bê. Khi cậu khoe những tác phẩm trên trang cá nhân, nhiều bạn bè khen đẹp và một số người hỏi mua. Lúc ấy, mỗi con gấu, búp bê, nơ, kẹp tóc Nam làm chỉ có giá 10.000-15.000 đồng.

Khách đặt hàng đông, những buổi học trên lớp của Nam ngày càng nhạt nhòa. Khi ấy, cậu về nhà và xin phép bố mẹ cho nghỉ học nhưng bị mẹ đuổi ra khỏi nhà. Nam cho biết, thời điểm đó, nghĩ về tương lai phía trước, ngồi trên xe bố chở ra Hà Nội, cậu đã khóc.

“Khi ấy, bố dúi vào tay mình 500.000 đồng, động viên mình phải vượt qua. Để lựa chọn giữa 2 con đường gia đình và đam mê, mình đã phải suy nghĩ rất nhiều", Nam chia sẻ. Cuối cùng, cậu quyết định nghỉ học, theo đuổi đam mê, chứng minh cho mọi người thấy sự đúng đắn của con đường đã chọn.

Ngay khi lên Hà Nội, Nam dành tất cả số tiền đi mua phụ kiện về khâu, vá. Những sản phẩm của cậu ngày càng phong phú, từ con búp bê móc treo chìa khóa, đến kẹp nơ, bờm tóc, đèn lồng... Sau một thời gian nỗ lực, từ các sản phẩm giá 5.000-10.000 đồng, cậu kiếm được 3 triệu đồng/tháng.

Hè 2010, một mình Nam ở Hà Nội khâu đồ bán cho khách. Tay chai, rát vì cầm kim, chảy máu vì chỉ cứa nhưng Nam vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ. Sau này, Nam đứng lên lập nhóm làm đồ handmade trên mạng xã hội và thường xuyên tổ chức câu lạc bộ, dạy và giao lưu cho các cộng tác viên.

Nhờ mở rộng được mối quan hệ, bạn hàng cũng như học được nhiều kiến thức, ngoài khâu và làm đồ handmade, Nam còn nhận làm đồ décor cho tiệc cưới. Năm 2013, khi số lượng khách đặt đơn hàng ngày càng nhiều, Nam tự thuê xưởng rộng hơn để phục vụ công việc. Nhờ cách làm quảng cáo và tham gia nhiều câu lạc bộ cũng như thường xuyên duy trì các buổi offline cho bạn bè cùng sở thích, Nam nhận được các hợp đồng làm décor quy mô lớn như ở Sân vận động quần ngựa, Cung văn hóa thiếu nhi đến mấy chục triệu đồng.

Năm 2014, ngoài tiếp tục phát triển sản phẩm handmade, henna, Nam còn nhận các dự án thiết kế công trình. Số tiền dự án cũng theo đó tăng dần, từ 3-4 triệu đồng đến hàng trăm triệu, có khi cả tỷ đồng. Song song đó, chàng trai tuổi Mùi còn tự lập công ty thiết kế công trình với hơn 10 nhân viên và hàng trăm cộng tác viên ở Hà Nội và TPHCM. Lao động trong công ty của cậu có mức thu nhập 3-5 triệu đồng.

Dù không học qua bất kỳ một trường lớp nào về may vá, thêu thùa nhưng có đam mê và nỗ lực Nam đã thành công thực hiện ước mơ của mình. Nam tâm sự: “Trong sự nghiệp kinh doanh, không gì quan trọng bằng có đam mê và vượt lên chinh phục nó. Nhiều người nói mình không đi đường thẳng mà lại chọn đi đường vòng, nhưng mình đã chứng minh cho mọi người thấy, 'đường vòng' mình chọn chính là con đường ngắn nhất".

Biến đồ ve chai thành những vật dụng hữu ích

Vợ chồng anh Đinh Thiên Tâm và chị Nguyễn Diệu Thúy bên những chiếc chai thủy tinh

Câu chuyện về vợ chồng anh Đinh Thiên Tâm và chị Nguyễn Diệu Thúy ở Hà Nội với cách kiếm tiền không giống ai là biến đồ ve chai thành những vật dụng hữu ích, đầy tính nghệ thuật được chia sẻ trên báo Thanh niên đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả.

Anh Đinh Thiên Tâm đã cắt gọt, dùng màu nước để vẽ trang trí cho những chai thủy tinh bỏ đi trở thành chiếc lọ cắm hoa xinh xắn, nhiều người trầm trồ khen ngợi.

Từ lọ cắm hoa, dưới bàn tay Đinh Thiên Tâm, những chiếc chai thủy tinh lần lượt biến hình thành gạt tàn thuốc lá, cốc uống nước, đĩa đựng trái cây, chậu trồng hoa.

Chị Nguyễn Diệu Thúy, vợ của Đinh Thiên Tâm, vốn là dân mỹ thuật chuyên nghiệp, phụ chồng trang trí những sản phẩm tái chế này bằng màu nước. Sản phẩm ban đầu của 2 vợ chồng anh chỉ để sử dụng trong nhà và mang đi tặng bạn bè. Năm 2014, trong một hội chợ đồ handmade diễn ra tại Trường THPT Chu Văn An, vợ chồng Đinh Thiên Tâm mang sản phẩm đến hội chợ và không ngờ nhận được sự quan tâm đặc biệt của mọi người. Những đơn đặt hàng tới tấp gửi về. Hai vợ chồng trẻ nảy ra ý tưởng làm giàu từ những chiếc chai lọ bỏ đi. Cứ như vậy, thương hiệu Ve chai đã ra đời.

Khách hàng của vợ chồng anh ban đầu chủ yếu là dân văn phòng, sau đó lan tới giới kinh doanh trong các lĩnh vực nhà hàng, quán cà phê.

Từ kinh doanh những sản phẩm tái chế đơn thuần, hiện tại vợ chồng Đinh Thiên Tâm đang cùng nhau mở một quán cà phê ve chai trên phố Đặng Thai Mai. Đó là một quán cà phê vườn, rộng hơn 100 m vuông, có âm nhạc vào một số buổi tối trong tuần, vật trang trí chủ yếu trong quán là các ly, cốc tái chế từ chai thủy tinh và các loại đèn cũng từ chai thủy tinh.

Đôi tay vượt khó làm giàu từ gỗ lũa

Lê Văn Hải bên những tác phẩm gỗ lũa của mình

Mang khát vọng làm giàu, anh Hải khởi nghiệp với nghề đúc chậu, trồng hoa, cây cảnh. Anh kể: “Những năm 1990, người dân ở địa phương còn khó khăn, ít ai chơi cây cảnh, chơi hoa. Cây trồng ra nhiều mà không bán được nên cuộc sống gia đình tôi vẫn vô cùng khốn khó...”.

Nhìn vợ ngày đêm lam lũ, con cái ốm yếu do thiếu ăn, anh Hải nghĩ phải chuyển hướng làm ăn khác. Năm 1999, từ 30 triệu đồng vay ngân hàng, anh đầu tư làm gỗ lũa. Ngày ngày, anh vào rừng tìm gỗ, gốc cây cảnh ở khe suối rồi mày mò chế tác.

Để làm được nghề, anh tự mày mò, học hỏi sách vở, những người cùng làm nghề. Bằng đôi tay khéo léo và con mắt nghệ thuật, những gốc gỗ, thân gỗ vô tri vô giác được anh thổi hồn vào thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Nhờ đó, từ hai bàn tay trắng, đến nay anh đã thành chủ của một cơ sở gỗ lũa có giá trị nhiều tỷ đồng ở xã vùng cao miền Tây Gio Linh.

Sản phẩm gỗ lũa của anh Hải ngoài những tác phẩm nghệ thuật còn có những sản phẩm dùng trong nhà, như bàn, ghế, khay, dĩa… rất được khách hàng ưa chuộng. Mỗi năm anh bán hơn chục bộ bàn ghế, cùng hàng trăm sản phẩm đồ dùng gia đình, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 300 triệu đồng. 4 năm nay, anh đã đào tạo nghề và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Câu chuyện của anh Hải được nhiều bạn trẻ yêu thích và tới học hỏi kinh nghiệm sau khi được chia sẻ trên báo Dân Việt.

Thành công nhờ làm đồ handmade

Một sản phẩm từ cửa hàng của Thu Hương

Theo câu chuyện được chia sẻ trên báo VietNamNet, cô gái Thu Hương (sinh năm 1987) khởi nghiệp vào năm 2011 chỉ với 2 triệu đồng. Sau 3 năm, cô đã trở thành chủ hệ thống phân phối và một cửa hàng chuyên cung cấp nguyên liệu làm đồ handmade tại TPHCM với doanh thu hằng tháng lên tới 80 triệu đồng. Hiện nay, cô đã trở thành một trong những người vô cùng thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp bằng đồ handmade.

Sau khi tốt nghiệp khoa Văn, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn năm 2009, Hương trở thành phóng viên làm việc cho một số tờ báo và cũng từng là giáo viên dạy văn trường quốc tế APU. Việc rẽ lối sang con đường kinh doanh đồ handmade tình cờ xuất hiện khi cô có dịp được biết đến sản phẩm móc khóa làm bằng tay ngộ nghĩnh của một người bạn. Cô bắt tay vào kinh doanh trực tuyến để theo đuổi niềm yêu thích của mình.

Với kinh nghiệm thu thập được qua thực tế, cô chia sẻ: Hiện nay thị trường đồ handmade có thể được phân thành hai loại: bình dân và cao cấp. Mỗi loại lại hướng đến những nhóm đối tượng khác nhau: Nhóm bình dân được kinh doanh phổ biến nhất với mức giá từ vài nghìn đến vài trăm nghìn đồng, đối tượng chính thường là học sinh, sinh viên hoặc dân công sở… Hình thức, mẫu mã cần đa dạng, độc, dễ thương, như thiệp, túi xách, đồ trang trí, đồ lưu niệm… Nhóm cao cấp cần có những món đồ tinh xảo, có giá trị lớn, lên tới hàng ngàn USD/món, chủ yếu được làm bởi các nghệ nhân hoặc nhập khẩu từ nước ngoài.

Để làm các sản phẩm handmade, trước tiên bạn phải hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa, cách phối hợp màu sắc giữa các món quà để đưa ra những lời khuyên hữu ích dành cho khách hàng. Sau đó bạn cần nắm bắt được sản phẩm nào đang được mọi người quan tâm, trở thành xu hướng mới. Bạn cần tham khảo thông tin cũng như hướng dẫn cách làm trên mạng và một số tạp chí để thường xuyên cập nhật thông tin, xu hướng thị hiếu. Tốt nhất, trước khi mở shop kinh doanh, hãy tham gia một số câu lạc bộ làm đồ handmade như Craft, CLB handmade… hoặc tự học nhờ các video hướng dẫn trên Youtube.

Điều quan trọng nhất là giúp họ cảm thấy thư giãn, vui vẻ cũng như nhìn thấy được sự toàn tâm, toàn ý trong một tác phẩm. Chính vì vậy Hương định hướng xây dựng cửa hàng theo hướng thân thiện, cởi mở, nhiệt tình, vui vẻ với khách hàng.

Trên đây là một số câu chuyện khởi nghiệp thành công nhờ những đôi bàn tay khéo léo và sự chăm chỉ, cần mẫn. Nếu bạn cũng có năng khiếu, khéo tay thì tại sao lại không bắt đầu tạo dựng cho mình một thương hiệu riêng bằng chính đam mê của mình?

Mỹ An (T/h)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/khoi-nghiep/nhung-cau-chuyen-khoi-nghiep-thanh-cong-bang-doi-ban-tay-kheo-leo-3574.html