Những câu chuyện chép ở Viện dưỡng lão

Người đời vẫn thường nghĩ rằng viện dưỡng lão thật buồn tẻ và chỉ những đứa con 'bất hiếu' mới đưa bố mẹ vào đây. Ấy thế nhưng lại không phải vậy...

Vào một buổi chiều cuối tháng 3, phóng viên chúng tôi đã đến thăm viện dưỡng lão Diên Hồng (Yên Nghĩa, Hà Nội). Điều ấn tượng với chúng tôi đầu tiên: Viện dưỡng lão là một ngôi nhà nhiều tầng, được bố trí ngăn nắp và sạch sẽ, hoàn toàn không có cảm giác xa lạ mà giống như một gia đình đông người

Cũng thật tình cờ khi chúng tôi ghé thăm các ông, các bà vào khoảng thời gian mọi người vừa dùng xong bữa cơm chiều và đang là giờ nghỉ ngơi. Chúng tôi, những người trẻ, lần đầu đến với nơi đây, đã may mắn được nghe một vài câu chuyện vừa thú vị mà cũng thật đáng suy ngẫm.

“Mấy đứa con đóng tiền cho tôi vào đây cũng là cách hiếu thảo với tôi rồi”

Khi gặp khách đến chơi, bà Huỳnh Thị Cầm vui vẻ cười và mời ngồi. Người phụ nữ 82 tuổi ấy nếu không nói thì có lẽ sẽ không ai nghĩ bà đã tới độ tuổi này. Vì nhìn bà vẫn còn khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, đặc biệt bà luôn cười trong quá trình trò chuyện “Tôi vào viện dưỡng lão được 2 năm rồi. Mọi thứ trong này đều rất tốt và tôi cảm thấy vui khi sống ở đây

Trong phòng bà có treo một chiếc ảnh gia đình đen trắng, ấy là hồi bà còn trẻ, chụp cùng chồng và ba người con của bà. Khi được hỏi vui rằng: “Bà có nhớ chồng bà không?”. Bà trả lời: “Không nhớ vì ông ấy cũng hay vào thăm tôi lắm. Thỉnh thoảng còn ở lại chơi với tôi nữa. Chiếc giường đối diện là giường của ông ấy đấy”, vừa nói bà vừa chỉ vào chiếc giường bên cạnh giường bà đang nằm. Rồi bà kể thêm “Do tôi yếu hơn ông nhà tôi nên tôi vào đây cho con cái đỡ khổ, còn ông ấy thì vẫn có thể tự chăm sóc bản thân được

Tấm ảnh đen trắng của gia đình bà Cầm được bà treo ngay ngắn phía trên cao trong phòng (Ảnh: Hà Linh)

Tôi không có trách gì con của tôi cả. Giờ ở ngoài đó thì ai chăm mình. Mấy đứa con đóng phí cho tôi vào đây cũng là hiếu thảo với tôi rồi. Chúng nó cũng thường xuyên vào thăm tôi nữa”.

Bà Kim có hoàn cảnh khác bà Cầm vì người con gái duy nhất của bà đang đi làm bên nước ngoài. Bà lại không có ai chăm sóc, cũng không muốn làm phiền họ hàng nên được người cháu đưa vào đây. Nhưng cũng giống như bà Cầm, bà Kim rất vui khi sống trong viện dưỡng lão. Bà chia sẻ:“Mỗi ngày đều có các bạn điều dưỡng chăm sóc. Còn có cả các ông bà khác tâm sự, nói chuyện cùng nên tôi không thấy buồn”

Mỗi người vào viện dưỡng lão đều ở độ tuổi khác nhau, có hoàn cảnh khác nhau, lý do để vào đây cũng khác nhau. Thế nhưng, họ đều cảm thấy vui, thấy hài lòng với cuộc sống trong viện dưỡng lão, đều vì không muốn làm phiền con cháu và không trách cứ điều gì “Mấy đứa con đóng tiền cho tôi vào đây cũng là cách hiếu thảo với tôi rồi”.

Tuy nhiên, dù vậy thì vẫn có người mang những nỗi buồn, nỗi nhớ con, nhớ cháu mà chỉ dám giấu trong lòng, cố gắng vui vẻ mà sống, chỉ đến khi có người hỏi đến mới như được “cởi tấm lòng”…

“Mỗi khi nhớ bà lại đọc báo…cho quên đi”

Bà Huỳnh Thị Tín – 85 tuổi đón tiếp những vị khách lạ bằng giọng nói nhẹ nhàng, đậm chất miền Nam. Dù ở độ tuổi này nhưng bà vẫn rất minh mẫn. Bà bắt đầu cuộc trò chuyện bằng câu chuyện bà ra ngoài Bắc. Bà kể rằng năm 1998 bà tập kết ra Bắc, cho các con lớn lên và học ngoài này nên từ đó tới giờ bà cũng không trở lại quê hương. Bà còn thật thà chia sẻ: “Trước bà học Dược, không có học Báo chí nên nếu muốn hỏi về cái đó bà sẽ không biết”.

Bà vào đây được hai năm rồi. Từ ngày bà bị gãy xương bà không đi lại được. Một cô thì học nước ngoài, một cô thì ở Việt Nam nhưng còn phải lo cho hai đứa nhỏ mà sức khỏe của cô cũng yếu nên bà bảo cô cho bà vào đây để đỡ vất vả” rồi bà nói tiếp “Trong này bà không phải làm gì cả. Mỗi ngày đều có các cô điều dưỡng lo cho bà

Khi được hỏi: “Bà sống trong này có vui không?” Bà chia sẻ: “Bà không vui lắm. Bà nhớ con nhớ cháu lắm. Nhưng vì giờ cũng không còn khỏe nên ra ngoài sẽ khiến con phải lo thêm cho cả mình. Mỗi khi nhớ là bà lại đọc báo, xem vô tuyến cho quên đi

"Mỗi khi nhớ là bà lại đọc báo, xem vô tuyến cho quên đi" (Ảnh: Hà Linh)

Có lẽ, với người phụ nữ 85 tuổi này, bà đã rất kiên cường, mạnh mẽ trong suốt 2 năm qua để con có thể yên tâm về mẹ. “Bà không trách các con. Nó còn con của nó và chồng nó nữa. Mình là mẹ giúp được gì cho con thì giúp. Mình cứ gắng chịu đựng vì con vì cháu. Người làm cha làm mẹ thường hay tha thứ cho con cái, có bao giờ trách cứ”.

Trong giọng nói của bà lúc bấy giờ, có lẽ bất kì ai cũng có thể cảm nhận được bà đã cố gắng như thế nào để nén lại sự xúc động khi nhắc đến con, đến cháu, đến nỗi nhớ mà bà đã giấu kín trong lòng dù bà cũng giống như bà Cầm, bà Kim, cũng đều không bao giờ trách con cái mà (gắng) vui với cuộc sống trong viện dưỡng lão.

"Mình cứ gắng chịu đựng vì con vì cháu. Người làm cha làm mẹ thường hay tha thứ cho con cái, có bao giờ trách cứ" (Ảnh: Hà Linh)

Đúng là giờ đây khi nhắc đến viện dưỡng lão, chúng ta đã không còn nghĩ nơi đây buồn tẻ hay quan niệm chỉ mấy người con “bất hiếu” mới đưa bố mẹ của mình như trước đây. Vì xã hội đã phát triển, tư tưởng con người cũng tân tiến hơn, các dịch vụ chăm sóc cũng dần được cải thiện. Và nhất là khi người làm cha làm mẹ không bao giờ trách con vì đã đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão bởi họ hiểu đây là cách con “hiếu thảo” với mình, còn mình sẽ giúp con yên tâm để xoay sở với cuộc sống bộn bề ngoài kia.

Thế nhưng, xét cho đến cùng, đến độ tuổi này, làm gì có ai muốn xa con, xa cháu, muốn sống ở một nơi dù có đầy đủ, ấm áp tình người đến đâu cũng không thể bằng gia đình của mình. “Giờ bà chỉ có ước muốn là bà ở đây và con cháu ở xung quanh bà. Đến bữa cơm thì cả nhà cùng nhau đoàn tụ ăn với nhau…”

Mỗi người sẽ có lý do riêng, có hoàn cảnh khác nhau để bắt buộc phải đưa ba mẹ vào viện dưỡng lão. Họ không đáng để bị trách, bị lên án vì chính những người sinh ra còn không bao giờ trách cứ họ. Chỉ mong rằng, nếu có thể, xin hãy sống cùng ba mẹ, xin hãy đón người cha người mẹ về sống chung với mình để chăm sóc, phụ dưỡng như cách ba mẹ đã sinh thành và nuôi nấng chúng ta vậy.

Hà Linh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nhung-cau-chuyen-chep-o-vien-duong-lao-post258058.info