Những câu chuyện cảm động trong mưa lũ

Trong những lúc thiên tai, hoạn nạn, các cán bộ, chiến sĩ Công an chính quy đóng ở cơ sở đã phát huy tinh thần xung kích, nỗ lực ứng cứu, giúp đỡ người dân.

Mưa lũ trong những ngày qua gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản đối với các tỉnh ở miền Trung, trong đó có tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tại các địa phương thấp trũng, nước lũ dâng cao gây ngập lụt diện rộng khiến người dân không kịp trở tay. Và trong những lúc thiên tai, hoạn nạn như thế, các cán bộ, chiến sĩ Công an chính quy đóng ở cơ sở đã phát huy tinh thần xung kích, nỗ lực ứng cứu, giúp đỡ người dân.

Huyện Quảng Điền là vùng thấp trũng của tỉnh Thừa Thiên-Huế nằm ở hạ lưu sông Bồ với dân số khoảng 108.186 người. Mưa lớn kéo dài cùng vơíviệc xả lũ của hồ thủy điện Hương Điền khiến địa bàn huyện Quảng Điền bị ngập lụt nặng.

Từ trụ sở Công an huyện đến Công an các xã đều bị lũ lụt chia cắt, nước ngập sâu từ 0,7 đến 2m. Tuyến đường QL49B và các tuyến tỉnh lộ 4, 11A, 19 đều ngập sâu từ 1 đến 1,5m, có nơi nước lên đến 2m…

Sáng 22/10, chúng tôi về xã Quảng Thành - vùng bị ngập lụt sâu nhất của huyện Quảng Điền. Tuyến đường tỉnh lộ 4B dẫn vào xã vẫn còn ngập sâu nhiều điểm từ 0,3 đến 0,5m. Lúc chúng tôi đến, Trung tá Vương Hưng Long, Trưởng Công an xã Quảng Thành đang cùng các CBCS đơn vị triển khai các phương án giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Anh cho biết, toàn xã có 3.078 hộ dân, với 12.987 khẩu thì 100% số nhà dân đều bị ngập lụt từ 1-1,5m, thậm chí có nơi đến 2m.

Cháu bé Lê Phúc Đạt, con của chị Hồ Thị Huệ được các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Quảng Điền vượt lũ đưa đến bệnh viện điều trị.

Cháu bé Lê Phúc Đạt, con của chị Hồ Thị Huệ được các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Quảng Điền vượt lũ đưa đến bệnh viện điều trị.

Do nước dâng cao nên 138 hộ dân ở thôn Quán Hòa nằm sát phá Tam Giang bị cô lập. Mưa lũ quá lớn nên nhà cửa của CBCS đơn vị đều bị ngập lụt nặng. Nhiều CBCS có nhà ở TP Huế cũng bị ngập lụt nhưng vì địa bàn xã thấp trũng, ngập sâu, người dân cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của lực lượng Công an xã nên các CBCS điện thoại về nhờ người thân giúp di dời người và tài sản, còn mình ở lại đơn vị để túc trực ứng cứ, di dời dân.

“Có thời điểm phòng làm việc của CBCS tại trụ sở UBND xã bị nước ngập đến 1,4m, nhưng với phương châm “4 tại chỗ”, anh em chúng tôi đã bám địa bàn, cùng với lực lượng địa phương giúp đỡ, di dời các hộ dân ở vùng ngập sâu đến nơi an toàn. Nhiều hộ dân tránh lũ ở trên gác xép không có bếp nấu ăn, không có lương thực dự trữ cũng được các CBCS sử dụng phương tiện đường thủy đến tiếp tế”, Trung tá Vương Hưng Long nói.

Với sự tận tâm, tận tình trong công tác cứu nạn, cứu hộ, giúp dân trong thời điểm mưa lũ, các CBCS Công an xã Quảng An (huyện Quảng Điền) cũng đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người dân địa phương.

Thượng úy Hoàng Đình Tài, cán bộ Công an xã Quảng An kể lại, tối 13/10, trong lúc nước lũ đang dâng nhanh, Công an xã nhận được tin báo về việc cháu Lê Phúc Đạt (3 tháng tuổi, ở thôn Phước Thanh) sốt cao, có dấu hiệu trở bệnh nặng. Do các tuyến đường ở địa bàn xã nước ngập sâu hơn 2m, nên Thượng úy Tài cùng với Thượng úy Nguyễn Đình Hiếu đã dùng đò máy đi vào thôn Phước Thanh ngay trong đêm tối để đưa cháu Đạt cùng chị Hồ Thị Huệ (mẹ cháu Đạt) đến Trạm y tế xã. Tiếp đó, 2 mẹ con chị Huệ được các CBCS Công an xã Quảng An và Công an huyện Quảng Điền sử dụng ca nô đưa đến Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền để cấp cứu, điều trị bệnh kịp thời.

“Nhờ có các đồng chí Công an xã và Công an huyện mà con tôi được chuyển đến Bệnh viện để điều trị kịp thời. Giờ cháu đã khỏi bệnh, đã xuất viện về nhà nên gia đình chúng tôi rất biết ơn các anh”, chị Huệ xúc động nói.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Nam, Trưởng Công an xã Quảng An, ngoài trường hợp nói trên, trong thời gian mưa lũ vừa qua, các CBCS đơn vị còn ứng cứu khẩn cấp nhiều trường hợp bị thương để đưa đến bệnh viện cấp cứu. Điển hình như ngày 18/10, khi hay tin ông Nguyễn Định (50 tuổi, ở thôn Phước Thanh) lúc chằng mái nhà bị tôn cắt sâu vào tay, chảy rất nhiều máu nên Công An xã Quảng An liền cử 3 đồng chí Công an chính quy sử dụng đò máy vượt lũ đến nhà ông Định để đưa nạn nhân đến Trung tâm Y tế huyện băng bó vết thương.

Hay khi biết cụ bà Lê Thị Nghiêm (SN 1940, ở thôn Đông Xuyên) ở trong căn nhà bị nước ngập sâu đến 1,5m nhưng không chịu di dời, các CBCS Công an xã vượt mưa lũ đến vận động, khuyên nhủ để đưa cụ Nghiêm sang tá túc ở ngôi nhà cao tầng của hàng xóm…

Trò chuyện cùng chúng tôi, Thượng tá Lê Xuân Hoàng, Phó trưởng Công an huyện Quảng Điền, cho hay, đơn vị đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả), qua đó đã phối hợp với chính quyền địa phương di dời, sơ tán 1.133 hộ, với 2.752 khẩu đến nơi an toàn.

Đến nay, 10 xã ở địa bàn huyện, mỗi xã đều đã được bố trí đủ 5 CBCS Công an chính quy. Các CBCS Công an chính quy về cơ sở đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ Công an và đạt hiệu quả cao, góp phần đảm bảo ANTT địa bàn, giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính cho người dân.

Thai phụ được CBCS Công an phường Phú Hội, TP Huế hỗ trợ đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế sinh con an toàn.

Đặc biệt, trong thiên tai, bão lũ, CBCS Công an chính quy ở cơ sở đã phát huy vai trò nòng cốt, sẵn sàng ứng trực, giúp dân ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ; đã ứng cứu kịp thời 34 người dân, trong đó có 4 sản phụ, 3 bệnh nhân cấp cứu, 11 người bị lật thuyền…

Lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trước hành động dũng cảm, nhiệt tình của lực lượng Công an toàn tỉnh trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân qua đợt mưa lũ, đã có nhiều người dân viết thư cảm ơn với những trải lòng rất chân thật. Đơn cử như lá thư cảm ơn của anh Lê Như Việt Hưng (SN 1988, trú tại 210 Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ, TP Huế) gửi đến Công an phường Phú Hội, TP Huế.

Trong thư, anh Hưng viết: “Vợ của tôi tên Huỳnh Thị Cẩm Linh (SN 1991) chuyển dạ, sắp sinh con. Tôi và mẹ vợ chở vợ tôi lên Bệnh viện Trung ương Huế nhưng khi đến đường Trần Cao Vân thì gặp mưa bão, cây xanh ngã đổ làm tôi, mẹ vợ và vợ ngã xuống đường. Thấy vậy, Công an phường Phú Hội đã tới giúp đỡ và dùng xe ôtô chở chúng tôi lên Bệnh viện Trung ương Huế”.

Ngoài ra, nhiều hình ảnh đẹp của lực lượng Công an tận tình giúp đỡ người dân trong mưa lũ như CBCS Công an chèo ghe, đưa xe đến tận nhà dân để đưa các thai phụ đi sinh nở, đưa người bị thương đi cấp cứu, giúp dân kê dọn tài sản, nhà cửa… đã góp phần tô thắm hình ảnh người chiến sĩ CAND trong lòng dân.

Anh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-an/nhung-cau-chuyen-cam-dong-trong-mua-lu-616906/