Những câu chuyện bình dị trong 'chiến dịch đặc biệt' cấp căn cước công dân gắn chip ở Hà Nội

Những kíp trực đến rạng sáng; cán bộ chiến sỹ bị gãy chân vẫn nằng nặc xin đi làm; hai vợ chồng gác việc nhà, nhờ ông bà trông con để phục vụ nhân dân làm căn cước công dân (CCCD) gắn chíp là những lát cắt bình dị nhưng đáng trân trọng, đại diện cho hơn 1 vạn thanh niên Công an Thủ đô đang ngày đêm hết mình phục vụ nhân dân.

 Đại úy Lê Văn Bộ (CAH Ứng Hòa) dù bị gãy chân vẫn xin đi làm để phục vụ nhân dân cấp CCCD gắn chip

Đại úy Lê Văn Bộ (CAH Ứng Hòa) dù bị gãy chân vẫn xin đi làm để phục vụ nhân dân cấp CCCD gắn chip

Những kíp trực thâu đêm

Đại úy Bùi Mạnh Hùng, Bí thư Đoàn CATP Hà Nội cho chúng tôi xem từng trang báo cáo về việc thực hiện Công trình thanh niên “Tuyên truyền, phối hợp thực hiện đợt cao điểm cấp căn cước công dân”của đoàn thanh niên các quận huyện được cập nhật liên tục qua phần mềm Zalo.

Đại úy Hùng cho biết, toàn bộ lực lượng thanh niên Công an Thủ đô đều xung kích, tình nguyện và đặc biệt đã sáng tạo, vượt khó, không quản ngày đêm để phục vụ nhân dân.

Đại úy Hùng chia sẻ: “Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP là phương châm: “thần tốc, sáng tạo, phát huy các nguồn lực, quyết tâm đạt được mục tiêu” và cách làm cụ thể “Dễ làm trước, khó làm sau, đông làm trước, đơn lẻ làm sau, ngày làm xa, đêm làm gần”... hơn 1 vạn thanh niên CATP Hà Nội đã có nhiều sáng tạo, không chỉ làm CCCD gắn chip ở trụ sở mà còn chia các tổ đến các địa bàn xa, chung cư, khu, cụm công nghiệp, từng nhóm người dân với đặc thù riêng sẽ có cách làm riêng… làm sao để người dân thuận tiện nhất và không để bất kỳ ai đến trụ sở Công an mà phải ra về”.

Quả thật, tới các cơ sở những ngày này mới thấy hết được không khí sôi nổi của một “chiến dịch đặc biệt” phục vụ nhân dân của Công an Thủ đô đợt này. Cùng với đồng chí Bí thư Đoàn CATP, chúng tôi quyết định lựa chọn những cơ sở ngẫu nhiên để tới tìm hiểu…

23h đêm ngày 14-3, tại Công an Thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì), có 60 người dân vẫn đang chờ làm CCCD gắn chip. Kíp trực tối có 10 đồng chí và bắt đầu làm việc từ 18h. Tranh thủ cuối tuần nên người dân đến khá đông.

Đại úy Trình Thạch Sơn (tăng cường từ Công an huyện) cho biết, do nhiều trường hợp là người cao tuổi nên chậm trong công tác lấy vân tay. Thiết bị chụp ảnh đôi lúc lại xảy ra trục trặc nên ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ. “Anh em ai cũng sốt ruột khi người dân phải chờ từng phút. Nhưng chúng tôi xác định bình tĩnh xử lý thật nhanh. 23h đêm nhưng người dân vẫn còn đông chúng tôi sẽ làm đến khi không còn ai”.

Đến 1h sáng vẫn còn 2 vợ chồng đến làm CCCD, chỉ sau 10 phút hồ sơ đã hoàn thành. Vợ chồng anh vừa đi làm xa về và thấy hàng xóm bảo cứ ra trụ sở Công an sẽ có người làm CCCD cho và quả thật họ đã ngỡ ngàng vì thấy các CBCS Công an vẫn ứng trực và niềm nở giúp đỡ…

2h45 phút sáng ngày 15-3, công việc của kíp trực đã hoàn thành. Những cán bộ chiến sĩ ấy thầm lặng thu dọn đồ đạc, trở về đơn vị và sẽ có một giấc ngủ ngắn nhưng đủ để vơi một phần vất vả và đến 8h sáng lại tiếp tục công việc của mình.

“Đó chỉ là 1 trong những kíp trực đêm điển hình của các đơn vị CATP trong suốt gần 3 tháng qua. Hàng vạn lượt CBCS trong đó lực lượng chủ công là Thanh niên đã và đang tiếp tục làm việc hết mình để phục vụ nhân dân”, Đại úy Bùi Mạnh Hùng, Bí thư Đoàn CATP tự hào nói.

Vợ chồng Thượng úy Nguyễn Đăng Khoa (Bí thư Đoàn Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH) và Thượng úy Nguyễn Thị Hà Phương (CAQ Long Biên) cùng tham gia chiến dịch cấp CCCD gắn chip

Những lát cắt truyền cảm hứng

Ai đến Công an huyện Ứng Hòa làm CCCD gắn chip mấy ngày nay cũng thấy xúc động về hình ảnh một chiến sĩ công an dù bị gãy chân nhưng vẫn ứng trực phục vụ nhân dân làm thủ tục. Đó là Đại úy Lê Văn Bộ (đoàn viên Chi đoàn Đội Quản lý hành chính về TTXH, CAH).

Bà Nguyễn Thị Mùi (60 tuổi, trú tại Thị trấn Vân Đình) nói: “Tôi cũng thấy ái ngại cho đồng chí, nhưng tôi để ý không hề thấy thái độ cằn nhằn mà đồng chí vẫn cười rất tươi. Rất xứng đáng là người Chiến sỹ Công an nhân dân. Việc tốt phục vụ nhân dân chỉ cần bình dị thế thôi”.

Trong ca trực muốn tối 14-3, Đại úy Lê Văn Bộ cho rằng, việc làm của mình là bình thường, không có gì đáng nói và ai cũng sẽ làm như thế. “Công việc đang nhiều như thế, bà con đang chờ đợi, tôi không thể nằm nhà nhìn đồng đội căng mình làm việc được. Gãy chân nhưng tay vẫn ghi chép, vẫn nhập dữ liệu được. Tôi xin được đi làm bởi đây không chỉ là mệnh lệnh công tác mà còn là danh dự của thanh niên”, Đại úy Bộ khiêm tốn nói.

Đó còn là câu chuyện xúc động của vợ chồng Thượng úy Nguyễn Đăng Khoa (Bí thư Đoàn Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH) và Thượng úy Nguyễn Thị Hà Phương (CAQ Long Biên). Cùng tham gia chiến dịch cấp CCCD gắn chip, 2 người đã gác lại việc nhà để tập trung cho việc lớn. 2 vợ chồng thay phiên nhau đi làm đêm để trông con nhỏ. Cuối tuần, 2 vợ chồng tranh thủ gửi con để đi làm.

“Có những cuối tuần, 1-2h sáng cả hai vợ chồng mới về nhà. Nhìn con ngủ say và công việc đã hoàn thành thấy hạnh phúc thật bình dị, vất vả như tan biết”, Thượng úy Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ.

Đại úy Bùi Mạnh Hùng, Bí thư Đoàn CATP khẳng định, đó là những câu chuyện bình dị xuất hiện rất nhiều trong những ngày qua mà không thể nào kể hết. Chúng tôi cùng ra về lúc trời đã rạng sáng mà lòng mang nhiều cảm xúc trước những lát cắt cuộc sống tuy nhỏ nhưng thật đáng trân trọng và cảm thấy mình phải nỗ lực hơn nữa.

Lực lượng Thanh niên Công an Thủ đô có lẽ ai cũng cảm thấy tự hào khi được góp mặt, chung sức, “cháy” hết mình trong những ngày “đặc biệt” của một “chiến dịch đặc biệt” phục vụ nhân dân ở Thủ đô…

Phú Khánh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-cau-chuyen-binh-di-trong-chien-dich-dac-biet-cap-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-o-ha-noi-post460552.antd