Những câu chuyện bi hài từ 'nhóm kín' của phụ huynh

Hiện nay, kết nối và trao đổi thông tin bằng các phương tiện công nghệ phát triển ở mọi lĩnh vực. Việc phụ huynh lập group Zalo, facebook để trao đổi với nhau và nhận thông tin từ giáo viên chủ nhiệm lớp cũng rất phổ biến và sôi nổi. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, có những mặt trái cần quán triệt và khắc phục để tăng tính hiệu quả và hiệu ứng.

Ảnh minh họa

Lợi hại của “nhóm kín”

Giao tiếp ứng xử có văn hóa, có đạo đức là cơ sở để có những mối quan hệ thân thiện trong cộng đồng, quan hệ tình nghĩa trong gia đình, quan hệ phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, là cơ sở để tạo môi trường sống lành mạnh,văn minh.

Mạng xã hội là một trong những kênh giao tiếp phổ biến hiện nay, là môi trường để thể hiện quan điểm, lối sống, suy nghĩ, nhân cách của mỗi người. Để trở thành người văn minh trong cộng đồng này cũng cần trau dồi văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp mới có thể tránh bị “ném đá”.

Việc Ban dại diện cha mẹ học sinh (CMHS) các lớp lập nhóm nhằm mục đích trao đổi thông tin và tiếp nhận thông tin từ phía GVCN hoặc trao đổi, bàn bạc về các hoạt động của Ban đại diện CMHS trong việc phối hợp với GVCN để quản lý, chăm sóc và giáo dục học sinh là rất cần thiết và tiện lợi.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực, mục đích tốt đẹp, không ít người lớn đã biến nhóm kín thành diễn đàn để “tố giác”, “kể tội” các học sinh, thậm chí nhiều phụ huynh chỉ trích, nói nhau nặng lời khi các con xích mích nhau, đôi khi nguồn cơn chỉ từ những thông tin một chiều hoặc chưa được kiểm chứng.

Nếu thực hiện đứng quy tắc, mạng xã hội mang lại rất nhiều giá trị

Nếu thực hiện đứng quy tắc, mạng xã hội mang lại rất nhiều giá trị

Những câu chuyện bi hài từ “nhóm kín”

Một giáo viên tiểu học kể rằng, có học sinh đánh mất đồ chơi, vì sợ bố mẹ quở trách đã nói rằng bạn trong lớp lấy. Chỉ có thế, phụ huynh lấy ảnh tập thể lớp, khoanh tròn vào mặt bạn được con chỉ và đưa lên Zalo với nội dung nhắn nhủ: “Bạn A (đánh dấu trong ảnh) lấy đồ chơi của bạn, đề nghị phụ huynh nhắc nhở”.

Chị Phương Anh (quận Long Biên, Hà Nội) kể rằng, thật sự đau đầu vì có cậu con trai học lớp 3, rất hiếu động. Cứ nhóm Zalo của lớp mà báo tin nhắn là giật mình vì không ít lần con trai bị “tố tội” gay gắt. Có lần con xô xát với bạn đã bị bố mẹ bạn nhắn tin vào nhóm kín với nội dung “đề nghị bố mẹ chú ý dạy dỗ con vì con quá nghịch ngợm, bướng bỉnh, có thể gọi là cá biệt,…”

“Chưa kịp phản ứng thì dồn dập tin nhắn của các phụ huynh trong nhóm đã nhao nhao, nào là bạn này hay giật tóc bạn, hay trêu bạn, con mình cũng từng bị bạn này đánh, bạn còn có lúc nói bậy,…và đồng loạt nhắc nhở bố mẹ phải chú ý dạy dỗ con khiến bố mẹ “khổ chủ” tiếp nhận tin nhắn chỉ biết bức xúc trong im lặng”, chị Phương Anh chia sẻ.

Tất nhiên, trong nhóm, khi có đề tài thảo luận vẫn luôn có những ý kiến thể hiện sự văn minh, công tâm trong nhìn nhận vấn đề. Tuy nhiên, khi phụ huynh đã nặng lời với nhau trên mạng ảo thì cũng rất khó nhìn nhau thiện cảm ngoài đời thực và khâu góp ý để cùng nhau phối hợp dạy các con, xây dựng phong trào của lớp cũng sẽ bị hạn chế và gặp rào cản nhất định.

Nhiều phụ huynh còn ca thán về việc, rất lấy làm khó chịu khi nơi trao đổi thông tin chung của lớp trở thành diễn đàn bán hàng, giới thiệu sản phẩm bán hàng online hay chúc mừng sinh nhật chỉ bằng biểu tượng tự động giữa những phụ huynh có khi không biết mặt nhau.

Phụ huynh nên ứng xử thế nào trong “nhóm kín”?

Các nhóm kín hay diễn đàn trên mạng xã hội, nếu muốn hoạt động có hiệu quả thì cần phải đặt ra và tuân thủ các quy tắc nhất định.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Minh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội), ngay từ cuộc họp phụ huynh đầu năm học, GVCN cần nêu rõ qui định: Nhóm kín chỉ để trao đổi thông tin của lớp, không chê bai, bài xích, hoặc trao đổi những nội dung giữa các cá nhân. Đồng thời đề nghị PH góp ý mang tính xây dựng, vì tập thể. GVCN cần kiểm soát các nội dung trao đổi và cần thiết sẽ trao đổi riêng với phụ huynh để yêu cầu xóa ngay nội dung không phù hợp.

Có thể phân công hoặc nhờ một phụ huynh có uy tín trong lớp làm nhóm trưởng. PH đó sẽ giúp GVCN điều chỉnh và định hướng nội dung để tìm tiếng nói chung.

Cùng quan điểm trên, Bà Hứa Thị Thu Huyền – Hiệu trưởng trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng: “GVCN là thành viên trong nhóm và cần phải thống nhất những quy tắc ứng xử, giao tiếp khi tham gia diễn đàn; nếu phát hiện những trường hợp phụ huynh sử dụng mạng xã hội để “kể tội”, “tố giác” các em học sinh có những hành vi chưa chuẩn, cần trao đổi riêng với phụ huynh đó để họ hiểu và tự điều chỉnh hành vi của mình, tránh làm tổn thương hay gây bức xúc cho các phụ huynh khác”.

Để diễn đàn trao đổi thông tin qua mạng xã hội thực sự phát huy hiệu quả, các thành viên cần phải thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa, tôn trọng mọi người trong nhóm, trao đổi những thông tin cần thiết, ngắn gọn, tránh gây phiền toái, khó chịu cho những người cùng tham gia. Riêng với nhóm kín của phụ huynh, tất cả cần đặt mục tiêu văn minh, chia sẻ, phối hợp giáo dục học sinh lên hàng đầu.

Kim Thoa

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/nhung-cau-chuyen-bi-hai-tu-nhom-kin-cua-phu-huynh-3960294-v.html