Những cảnh quay 'không thể giả hơn' ở phim Trung Quốc gây cười

Các bộ phim cổ trang Trung Quốc thường mắc lỗi hậu kỳ, nhưng những tác phẩm hiện đại cũng khiến khán giả ngán ngẩm không kém với cách dựng phim cẩu thả, phi logic.

Cảnh tai nạn xe hơi phi logic khiến khán giả bật cười Những cảnh tai nạn xe nhưng nạn nhân còn bay cả một phút trên không khiến khán giả ngán ngẩm.

Trong bộ phim Hồng nhan lộ thủy, Lưu Diệc Phi vào vai cô gái gặp nhiều biến cố trong cuộc sống, không còn ý nghĩ muốn cố gắng nên lao ra đường, va phải xe của Bi Rain. Cảnh quay tràn ngập bi thương nhưng do cách dựng phim phi logic khiến khán giả chỉ biết bật cười. Cũng do thất bại của tác phẩm này, Lưu Diệc Phi bị gán danh "thuộc độc phòng vé".

Hậu trường một cảnh tai nạn trong phim. Đây là cú va chạm mạnh nhưng khán giả phát hiện ra nhân vật nam đã bật người trước cả khi xe kịp tông vào anh. Trong lúc quay, nam diễn viên được kỹ thuật viên dùng dây cáp treo ngang người, sau đó đẩy anh đi xa.

Bộ bộ kinh tâm có thể coi là tác phẩm cổ trang ăn khách bậc nhất, nhưng phần 2 Bộ bộ kinh tình bị chê không tiếc lời. Một trong những lý do chính là phần dàn dựng phim thiếu chuyên nghiệp như trên.

Trong hậu trường, nữ diễn viên Diệp Thanh được thiết kế một chiếc ghế riêng để ngồi lên, bởi cảnh cô bị hất tung lên cao diễn ra khá chậm, thậm chí cô còn có thời gian liếc mắt oán hận với Lưu Thi Thi, Ngô Kỳ Long. Nhưng khán giả đánh giá chi tiết này thừa thãi, làm giảm giá trị của phim.

Một pha "đụng xe" hài hước khác bị biên kịch biến tấu để tạo nên sự gay cấn cho phim Cuộc sống rực rỡ. Trước đó, chiếc xe đã đuổi theo chàng trai suốt chặng đường dài, lúc này khi xe định dừng lại, cô gái lại lao ra nên bị hất đi.

Trong phim Một hạt bụi trần, nữ diễn viên Dĩnh Nhi đã có cảnh quay "để đời". Cảnh cô bị tai nạn phi lý đến mức nó xuất hiện trong mọi bài vết về lỗi dựng phim.

Thực tế, để đảm bảo an toàn cho diễn viên, các cảnh quay tai nạn xe thường sử dụng người đóng thế hoặc quay tách ra. Nhưng điều này đòi hỏi sự khéo léo của nhân viên dựng phim, đạo diễn, diễn viên. Mỗi chi tiết cần được tính toán, dàn dựng khéo léo để tránh tình trạng dở khóc dở cười, cảnh bi thành hài.

Nếu trong các bộ phim hiện đại, kỹ xảo không đóng nhiều vai trò, thì trong tác phẩm cổ trang, kỹ xảo, hóa trang lại quan trọng và những đoàn làm phim không chăm chút rất dễ bị khán giả nhận ra lỗi, ảnh hưởng đến cảm xúc khi thưởng thức. Trong Tây du ký: đại chiến Động Bàn Tơ, "Tôn Ngộ Không" Trần Hạo Dân liên tục lộ miếng dán râu khiến khán giả khó chịu.

Trong Nguyệt thượng trọng hỏa, cảnh rơi của hai diễn viên Trần Ngọc Kỳ và La Vân Hi diễn ra rất nhanh nhưng không nhanh bằng tay của Trần Ngọc Kỳ. Cô liên tục đổi tư thế từ cầm kiếm sang ôm eo bạn diễn.

Cảnh quay "không thể giả hơn" trong phim Ỷ thiên đồ long ký 2019. "Trương Vô Kỵ" Tăng Thuấn Hy bị đâm vào trán nhưng đoàn phim không sử dụng máu giả mà dùng kỹ thuật photoshop để vẽ thêm.

Tương tự, cảnh Tống Thanh Thư thể hiện võ công Cửu Âm Bạch Cốt Trảo móng tay biến đen nhưng đoàn phim không đánh móng cho anh mà sử dụng kỹ xảo khiến cảnh quay trong giả hơn.

Bộ phim Trường tương thủ mới đây để lọt nhân viên hậu trường vào ống kính.

Trong Tam sinh tam thế: thập lý đào hoa, cảnh thiên giới thay đổi liên tục trong mỗi giây do sơ suất của khâu hậu kỳ.

Đông Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-canh-quay-khong-the-gia-hon-o-phim-trung-quoc-gay-cuoi-post1098077.html