Những 'cánh én hồng' vun đắp ước mơ xanh:Bài 5: Tổng phụ trách Đội của học sinh Ba Trại

Gần 10 năm qua, anh Đào Công Vấn, giáo viên Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Ba Trại A (Ba Vì, Hà Nội) chưa bao giờ quên khoảng thời gian được nhà trường phân công khảo sát học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khi đó, không ít lần anh đã chứng kiến cuộc sống rất vất vả của các học trò. Từ đó, anh Vấn tự dặn lòng thêm quyết tâm làm thật nhiều việc để chăm sóc, giáo dục học sinh.

Anh Đào Công Vấn vừa được Thành đoàn Hà Nội tuyên dương giáo viên Tổng phụ trách Đội tiêu biểu Thủ đô năm 2018.

Linh hoạt với công tác Đội

Sinh ra và lớn lên ở xã Ba Trại (Ba Vì, Hà Nội) nên anh Vấn thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của những đứa trẻ vùng núi. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc (Hòa Bình) thay vì tìm kiếm các cơ hội việc làm ở thành phố như bao bạn bè khác anh quyết định về quê công tác. Anh muốn được góp sức vào sự phát triển của quê hương. Điều đó đã thành hiện thực khi tháng 10/2008, anh nhận quyết định công tác tại trường Tiểu học Ba Trại.

Với đặc thù miền núi, địa bàn rộng nên trường Tiểu học Ba Trại có tới bốn điểm trường. Là giáo viên Âm nhạc lại đặc biệt yêu trẻ nên anh Vấn được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng phân công làm Phó Tổng phụ trách Đội ở khu B. Năm 2010, anh chính thức được phân công làm Tổng phụ trách Đội của trường Tiểu học Ba Trại. Năm 2016, Tiểu học Ba Trại được tách ra thành hai trường. Anh nhận quyết định công tác tại trường Tiểu học Ba Trại A.

Ba Trại một xã miền núi của huyện Ba Vì. Địa bàn rộng, học sinh đông khiến cho những hoạt động ngoài giờ của trường Tiểu học Ba Trại A gặp không ít khó khăn. Đây cũng chính là thách thức không nhỏ đối công tác Đội và phong trào thiếu nhi của nhà trường. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm làm Tổng phụ trách Đội anh Vấn đã có nhiều biện pháp khắc phục.

“Ngay từ đầu năm học mình đã xây dựng chương trình hoạt động theo năm và kế hoạch chi tiết từng tuần, tháng để triển khai tới các chi đội. Đối với các hoạt động diễn ra thường xuyên mình xây dựng dựa trên đối tượng học sinh có nơi cư trú không quá xa trường. Do vậy, mọi hoạt động luôn đạt kết quả tốt”, anh Vấn cho biết.

Không chỉ lên kế hoạch cụ thể, anh Vấn còn chọn lọc các chủ đề, hoạt động lấy ý kiến của giáo viên, học sinh và phụ huynh… để thu hút họ cùng tham gia. Sự phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhà trường và phụ huynh đã tạo môi trường thuận lợi, lành mạnh để các em học sinh học tập và rèn luyện. Từ đó, công tác Đội của trường Tiểu học Ba Trại A luôn được đánh giá cao.

Yêu thương gắn bó với trò

Đến nay, anh Vấn đã có gần 10 năm gắn bó với công tác Đội. Điều anh trăn trở nhất là làm sao giúp đỡ được nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Anh Vấn kể: “Vào đầu năm những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn lại làm đơn miễn giảm phí học phí, quỹ Đội… Dựa theo những đơn đó, nhà trường giao cho mình đến tận nơi khảo sát, xác minh thực tế. Thực sự không ít lần mình rơi lệ vì các em có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Có em phải ở trong mái nhà rách nát, cơm ăn chạy từng bữa vì bố mẹ không có việc làm ổn định, lại sinh quá nhiều con. Em khác lại nhiễm chất độc da cam, đôi chân không lành lặn nên rất khó khăn khi đến trường…”.

Thầy giáo Đào Công Vấn

Sau mỗi chuyến khảo sát, anh Vấn lại trăn trở phải làm gì để giúp đỡ các em không chỉ được miễn giảm học phí mà còn được giúp đỡ trong nhiều hoạt động khác. Anh muốn những đứa trẻ ấy có cơ hội bình đẳng như bao bạn bè khác được học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh. Vì vậy, trong quá trình làm công tác Đội, anh luôn cố gắng làm thật tốt công tác tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường cũng như các ban, ngành, đoàn thể. Đặc biệt, anh kiên trì thực hiện công tác xã hội hóa để có điều kiện giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Mặt khác, anh chú trọng tới các hoạt động “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục tư tưởng đạo đức để các em học sinh có nghị lực, ý chí phấn đấu trong cả học tập và rèn luyện. Theo anh Vấn, xã hội hiện nay bùng nổ về công nghệ thông tin, bên cạnh những mặt tích cực là những mối lo ngại cho các bậc phụ huynh và thầy cô giáo. Các luồng thông tin xấu tràn lan trên mạng intrernet dẫn đến một số em có lối sống thực dụng, sa sút trong học tập và xuống cấp về đạo đức.

Chính vì vậy, ngoài việc tổ chức các sân chơi lành mạnh bổ ích cho học sinh, anh còn tích cực phối kết hợp với các cơ quan, đoàn thể khác tuyên truyền, hướng dẫn các em cách nhận biết, phòng tránh các tệ nạn xã hội đang xâm nhập học đường. “Mầm non có khỏe, phát triển xanh tốt hay không là nhờ chúng ta biết chăm sóc từ ngày đầu. Vì thế, dù gặp nhiều khó khăn nhưng Liên đội vẫn tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, lành mạnh để giúp học sinh được rèn luyện, học tập”, anh Vấn nói.

Điều trăn trở nhất là nguồn kinh phí dành cho hoạt động Đội chưa nhiều. Đặc biệt là những Liên đội thuộc xã, huyện miền núi. Công tác xã hội hóa đã có nhưng chưa hiệu quả. Điều này dẫn đến việc một số hoạt động vẫn còn hạn chế, chưa thực sự thu hút đông đảo học sinh. Anh đang cố gắng khắc phục điều này để công tác Đội của nhà trường phát triển hơn.

Anh Vũ - Phương Thanh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-5-tong-phu-trach-doi-cua-hoc-sinh-ba-trai-d2058839.html