Những căn nhà hoang

Nấn ná mãi cuối cùng vẫn quyết định gửi lại chiếc xe máy và thong thả dạo bộ về làng. Thiệt là sướng, khi tôi được về nơi luôn hiện hữu trong ký ức của mình. Con đường mòn chạy dọc theo cánh đồng mùa này đã trơ rạ, đàn bò cặm cụi gặm đám cỏ xác xơ. Lao xao trong gió lạnh hanh hao, tiếng con nít gọi nhau nơi vườn cây rậm rạp xung quanh ngôi nhà hoang nằm cạnh cánh đồng. Hai căn rồi đến ba, bốn căn nhà bị bỏ hoang...

Xóm nhỏ vắt ngang tuổi thơ tôi vẫn vẹn nguyên như mấy chục năm về trước, không hàng quán mọc lên, không điện đường, không đông người qua lại... Chỉ khác, cứ mỗi lần về quê, tôi lại bắt gặp thêm một căn nhà bỏ hoang. Chưa bao giờ quê tôi xuất hiện nhiều căn nhà hoang như bây giờ.

Rất nhiều lý do mà những ngôi nhà từng có thời là tổ ấm của một gia đình giờ phải mang phận vô chủ. Có thể chủ nhân ngôi nhà hiện mồ đã xanh cỏ (người thì đột quỵ, người vì bạo bệnh), nhưng con cái ở xa không thể về thường xuyên khói hương. Đó còn có thể vì cuộc sống khó khăn, những thành viên trong gia đình với uớc mơ “vượt đồng” đổi đời mà quyết tâm rời làng, bỏ nhà ra phố, mang theo cả gia đình...

Những căn nhà bỏ hoang ở quê cứ đóng cửa, cài then, im ỉm như khu miếu cổ, có mái che thấp lè tè khúm núm đưa ra phía trước kín hiên nhà, nơi mà hàng xóm thường mượn để cất trữ củi, những vật dụng linh tinh thường ngày như bàn, ghế cũ... Mái ngói nâu xỉn màu loang lổ vết thời gian, tường bong tróc vữa. Không người ở, cái sân gạch nhiều chỗ bở vụn cũng phủ đầy rêu và lá rụng, đến mùa mưa cỏ dại lại lên xanh tốt. Duy chỉ những cây xoài, cây mận, cây bưởi ngoài vườn vẫn sai trái, thả hương lãng đãng mời gọi đám trẻ nhỏ đến như để chia sẻ sự cô đơn.

Trong căn nhà hoang, chỉ cần bước vào đẩy nhẹ là cánh cửa gỗ đã vặn mình kêu cót két và xộc vào mũi mùi âm ẩm của sự lãng quên, màu tối mờ mờ và tĩnh lặng rót đầy căn phòng trống, rồi cả chiếc tủ thờ đầy vết mọt vì đã quá lâu rồi không có bàn tay người lau chùi. Có lẽ vì vậy mà đám con nít chẳng dám bước vào, chỉ quanh quẩn chơi ngoài vườn. Thi thoảng, hàng xóm thương tình qua quét dọn, đốt lá cây xông khói cho bầy muỗi bay đi mà nhớ bà bạn già hay múc gạo cho mượn nấu nồi cháo trắng, cả ông bạn thời hoa niên thường châm trà mời uống và cùng rít chung điếu thuốc.

Nhà hoang giờ không còn là nơi chốn thường xuyên đi về. Ở đó mất hẳn tiếng cãi nhau inh ỏi của lũ trẻ, giọng càm ràm của ông chồng với vợ, cả tiếng đàn guitar của thằng bạn hàng xóm cũng rớt hút trong tiếng gió đẩy đưa lá cành xao xác.

Nhưng dẫu có đến góc biển chân trời nào, dẫu cho hơi hướng phố thị đã xóa nhòa hết mùi quê, chắc chắn một điều ngôi nhà hoang vẫn luôn nằm trong tiềm thức, trong nỗi nhớ quê vốn không lẫn lộn vào đâu được của chủ nhân nó. Chính cái guồng quay mưu sinh khổng lồ trên phố thị đã kéo biết bao phận người rời khỏi ngôi nhà đã từng bỏ công sức xây dựng nên. Có thể, họ đã từng chọn cho mình giải pháp học quen với mất mát, xem những biến động của đời là chuyện tất nhiên, song lúc nào cũng nung nấu ước muốn một lần quay lại nơi đã chôn nhau cắt rốn, nơi cất giấu những kỷ niệm một quãng đời của cả gia đình.

Buổi chiều dường như đã lún sâu vào bên thềm những căn nhà hoang. Đàn chim bay về đậu trên ngọn xoài, ríu ran đủ chuyện. Còn mèo mướp hoang vụng về lách thân đuổi lũ chuột nhắt làm vỡ toang mái ngói lâu ngày mục nát. Nhìn tàu chuối xanh bay phạch phạch trong gió mà bải hoải cả nỗi lòng. Đoạn đường từ cổng làng đến nhà không dài lắm sao hôm nay chập choạng hoàng hôn mới tới nhà. Thấp thoáng bên phên cửa trống gió, mắt mẹ đang hướng về phía cổng tre, buồn xa xăm. Chợt nhận ra một ngày lại sắp tắt trên nẻo đồi quê nhà.

Phan Thị Thanh Ly

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282785/nhung-can-nha-hoang.html