Những cán bộ 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' chống dịch Covid-19

'Hãy trung thực cung cấp cho chúng tôi những thông tin xác thực nhất để có thể giúp cho người thân, người quen của bạn và cả cộng đồng phòng được dịch. Hãy đừng trốn cách ly, đánh tráo cách ly, đừng yêu cầu này kia…khi đang cách ly'.

Các y bác sĩ TTYT Quận Hai Bà Trưng chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ.

Các y bác sĩ TTYT Quận Hai Bà Trưng chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ.

Đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc TTYT Quận Hai Bà Trưng trong những ngày cao điểm phòng chống dịch Covid-19.

Đêm giao thừa không dành cho gia đình

Đêm 30 Tết, khi ai nấy đều bận rộn chuẩn bị lễ cúng giao thừa, điện thoại đường dây nóng của Trung tâm rung lên. Đầu dây bên kia thông báo, địa bàn có ca nghi nhiễm Covid -19 và ca F1 (ca tiếp xúc với bệnh nhân dương tính).

Báo động đỏ của đội phản ứng nhanh được kích hoạt ngay lập tức, anh lái xe chuẩn bị ngay xe cứu thương, cán bộ trạm y tế phường được thông báo, đội phản ứng nhanh lập tức mặc đồ bảo hộ và chúng tôi lên đường.

10 phút sau, gần đến địa điểm tiếp cận, chúng tôi đã nhận được thông báo của cán bộ trạm y tế phường đã có mặt, hướng dẫn đường vào và địa chỉ cụ thể của gia đình có người bị nghi nhiễm. Nắm bắt nhanh tình hình và kịch bản đã được lên, ngay lập tức việc phân vai được tiến hành ngay.

Nhân viên y tế phun thuốc khử khuẩn tại nhà người mắc Covid- 19 .

“Một cán bộ trong nhóm – thực hiện điều tra dịch tễ. Theo đó, bạn ấy sẽ phải hỏi người nghi nhiễm về các thông tin xem họ có nguy cơ lây như thế nào, họ đã gặp ai, đi những đâu… Sau khi hoàn tất công đoạn này, chúng tôi sẽ gọi Trung tâm cấp cứu 115 đưa ca nghi nhiễm đến bệnh viện thực hiện cách ly.

Gia đình ca nghi nhiễm 5 người (đối tượng F1) lại tiếp tục được điều tra với các thông tin xem họ tiếp xúc như thế nào, họ đã gặp ai, đi những đâu… Sau khi hoàn tất công đoạn này, chúng tôi sẽ lại gọi Trung tâm cấp cứu 115 đưa trường hợp F1 đến bệnh viện thực hiện cách ly. Một bộ phận khác chuẩn bị phun khử khuẩn toàn bộ nhà F1 và những nhà xung quanh”, chị Vân Anh chia sẻ.

Tiếp sau đó, những nhân viên đội phản ứng nhanh lại tiếp tục điều tra đến những người tiếp xúc với F1 (ca F2) với điệp khúc đi đâu, gặp những ai. Rồi chúng tôi lại phải gặp những người tiếp xúc với F2 (ca F3).

Chỉ khi tất cả các F có được thông tin (số điện thoại, nơi cư trú…) đến người cuối cùng, kíp trực mới xong việc. Đồng hồ đã điểm sang thời khắc giao thừa, bước chân về đến đội, họ là những người đầu tiên xông đất cơ quan.

Sau đêm giao thừa là liên tục những ngày Tết phải đi từng ngõ, gõ từng nhà. “Nếu người mắc Covid- 19 tiếp xúc gần với 20 người (F1). Mỗi người F1 lại tiếp xúc với 20 người (F2)… Và mỗi người F2 lại tiếp xúc với khoảng 20 người F3… Chúng tôi phải nắm được tất cả những người này. Thật là 1 con số khổng lồ”, chị Vân Anh mệt mỏi nói.

Tính đến thời điểm này, Hai Bà Trưng đã 4 ca F0 (mắc Covid- 19), trong đó có ca số 87 là điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai; 118 ca F1, 373 ca F2 và 344 ca F3. Toàn bộ các ca này đã được xử lý 100% theo đúng quy định của Bộ Y tế và Sở Y tế.

Để làm khối lượng công việc khổng lồ này, TTYT Quận Hai Bà Trưng đã phải huy động 12 người của 2 đội phản ứng nhanh, 18 người từ 18 trạm y tế phường và 3 người/của kíp cấp cứu từ phòng khám đa khoa. Tổng số 33 người phải trực dịch 24/24.

Trong đó 3 cán bộ xét nghiệm, cán bộ dịch tễ hàng tháng nay không được/không dám về nhà. Họ phải lên đường bất cứ lúc nào. Ngoài việc ở lại vì công việc còn lý do nữa họ có con nhỏ, gia đình lo lắng sợ họ lây cho con cái.

Chỉ mong mọi người dân tự bảo vệ bản thân

Là những cán bộ y tế cơ sở, những người gần dân nhất, những người đang lấy cơ quan làm nhà, nhưng người đầu tiên tiếp xúc với các ca bệnh - ca dương tính.. nên họ cũng đối diện không ít những rủi ro.

Khi bệnh nhân đến viện thì tình trạng bệnh đã rõ ràng, mọi sự tiếp xúc và điều trị đều được chủ động chống lây nhiễm cao nhất. Nhưng với cán bộ y tế cơ sở khi chúng tôi tiếp cận vẫn chưa rõ ràng họ đã là bệnh nhân F0 hay là người có nguy cơ F1 – F2.

“Vì vậy không thể biết lúc mình tiếp xúc người bệnh đã là dương tính hay chưa. Trong khi đó, đồ phòng hộ an toàn cao nhất (bộ Tyvec màu trắng) chỉ sử dụng khi đi lấy mẫu xét nghiệm và tiếp xúc với bệnh nhân F0, còn đối với cán bộ y tế khi điều tra chỉ sử dụng bộ đồ chống thấm nước (bộ xanh)”, chị Vân Anh chia sẻ.

Bữa cơm nấu vội tại TTYT Quận Hai Bà Trưng

Chẳng thế mà anh em cán bộ nơi chị làm cũng không khỏi lo lắng và chỉ thờ phào khi những người nghi nhiễm cho kết quả âm tính.

“Trong những lúc như vậy, hỏi rằng chúng tôi có mệt không, có sợ lây không: xin thưa rằng mệt lắm, sợ lắm chứ, sợ lây cho mình, sợ lây cho con mình, sợ cho bố mẹ và gia đình mình.

Vậy tại sao mình vẫn lao vào làm: chỉ đơn giản vì nghĩ rằng mình không làm thì ai làm đây, mình là cán bộ y tế, nhiệm vụ của mình là thế, trách nhiệm của mình là thế và cứ thế là làm thôi. Mà lúc đó cũng chẳng có thời gian để sợ nữa”, chị Vân Anh chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Y tế Quận Hai Bà Trưng chia sẻ, “đến giờ phút này, chúng tôi chẳng mong muốn gì cao sang, chúng tôi chỉ muốn mọi người tự bảo vệ bản thân, phối hợp để chúng tôi có thể bảo vệ được các bạn. Các bạn hãy hiểu biết, hãy có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng”.

Theo đó, hãy đừng gọi điện đến đường dây nóng với những yêu cầu: Phải đến xem ngay cho con tôi vì từ sáng đến giờ nó đi khắp Hà Nội không biết đi những đâu, gặp những ai. Khi chúng tôi cần làm rõ thông tin thì lại nhận được câu trả lời “tôi làm sao biết nó đi đâu và gặp ai”.

Hãy trung thực cung cấp cho chúng tôi những thông tin xác thực nhất để có thể giúp cho người thân, người quen của bạn và cả cộng đồng phòng được dịch. Hãy đừng trốn cách ly, đánh tráo cách ly, đừng yêu cầu này kia…khi đang cách ly.

Và đau xót nhất là phải nói rằng đừng chửi bới và đánh đập cán bộ y tế chúng tôi đến tóe máu. Và khi hết dịch, lúc các bạn nghĩ rằng không cần đến chúng tôi nữa thì cũng đừng nói những lời cay đắng “Chúng tôi chẳng tin gì các anh chị, chẳng tin gì cái hệ thống y tế cơ sở này.

“Hãy hiểu rằng chúng tôi đang chống giặc để bảo vệ các bạn, bảo vệ đất nước. Hãy chung tay với chúng tôi. Hãy để chúng tôi còn nhiệt huyết chăm sóc sức khỏe các bạn”, chị Vân Anh bày tỏ.

Với cương vị là người đứng đầu, chị Vân Anh không khỏi xót xa trước sự vất vả của cán bộ mình. Chị lo cho sự an toàn của các đồng nghiệp, vì thế, chị luôn tìm cách hỗ trợ anh em cả vật chất cho đến tinh thần để động viên anh em làm việc trong điều kiện tốt nhất có thể.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/nhung-can-bo-di-tung-ngo-go-tung-nha-chong-dich-covid19-post336016.info