Những 'cái nhất' trong kỳ thi THPT quốc gia 2019

Kỳ thi đã 'đi' được 2/3 thời gian, với không khí êm ả. Bên lề trường thi đã diễn ra nhiều tình huống, câu chuyện đặc biệt.

Thí sinh sau giờ thi môn Ngữ văn tại điểm thi THCS Ngô Sĩ Liên (Phố Hai Bà Trưng), Hà Nội sáng 25/6. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thí sinh sau giờ thi môn Ngữ văn tại điểm thi THCS Ngô Sĩ Liên (Phố Hai Bà Trưng), Hà Nội sáng 25/6. Ảnh: Lê Anh Dũng

Những thí sinh “lạc quan” nhất

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, có nhiều thí sinh tới điểm thi muộn, thậm chí là bỏ lỡ mất kỳ thi chỉ vì… ngủ quên, khiến dư luận "dậy sóng".

Điển hình, sáng 25/6, nữ sinh P.T.S tại điểm thi Trường THPT Chuyên Hà Giang đến muộn 18 phút nên hội đồng coi thi không cho vào. Khi hiệu lệnh bắt đầu làm bài từ lúc 7h35, đến 7h53 thí sinh này mới xuất hiện tại cổng trường.

Cũng sáng cùng ngày, tại Nghệ An, thi sinh C.C (nguyên là học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ) cũng bị bỏ lỡ công 12 năm đèn sách khi 8h10 mới có mặt tại điểm thi.

Theo quy chế thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT, những thí sinh đến chậm 15 phút kể từ lúc bắt đầu làm bài sẽ bị cấm thi. Những thí sinh kể trên chỉ vì vài phút ngủ quên nhưng phải uổng phí thêm 1 năm chờ đợi.

Những thí sinh may mắn nhất

Nếu như ngày thi đầu tiên, những giọt nước mắt của 2 thí sinh lỡ kỳ thi vì ngủ quên khiến người ta vừa giận vừa thương, thì sang ngày thi thứ 2, tại điểm thi Trường THPT Lê Hồng Phong (Hà Giang) một nữ sinh khác lại gặp "may nhất quả đất". Cùng lý do ngủ quên, nhưng sinh Trần Thị Yến được các chiến sĩ cảnh sát đến tận nhà, gọi dậy và chở đến điểm thi.

Đại úy Vũ Đức Lợi - Phó trưởng Công an phường Minh Khai (TP Hà Giang) cho biết khi anh đến nhà, Yến vẫn còn đang ngủ, anh liền gọi thí sinh này dậy và chở đến điểm thi sát giờ bảo vệ đóng cửa.

Thí sinh được các tình nguyện viên chào đón

Một tình huống may mắn tréo ngoe xảy ra ngay trước kỳ thi khi gia đình bạn Quỳnh Anh (Quảng Nam) bị trộm viếng thăm. Tên trộm “cuỗm” hết tiền bạc, nhưng lại để tấm thẻ dự thi và chứng minh nhân dân của Quỳnh Anh trên cây đàn piano.

Câu chuyện dở cười dở khóc khác, khi các thí sinh đã vào phòng thi tại điểm thi Trường THPT Đakrông thì giám thị phát hiện thí sinh Hồ Văn Lích (SN 2000, ở thôn Chân Rò, xã Đakrông) vắng mặt. Nhà của Lích cách điểm thi khoảng 8km, qua 1 con suối.

Biết tin, đội tình nguyện Tiếp sức mùa thi của Đoàn Trường THPT Đakrông đã cử 3 tình nguyện viên là các thầy giáo đi xe máy đến tìm thí sinh. Khi đến nơi thì Hồ Văn Lích đang đi tìm bò bị mất, mọi người nhanh chóng tìm đưa đến điểm thi kịp thời.

Những sĩ tử kiên cường nhất

Tại kỳ thi THPT 2019, nhiều thí sinh trên cả nước phải đến trường thì bằng xe lăn, xe cứu thương.

Thí sinh Nguyễn Mạnh Tân đến ngồi xe lăn vào trường thi. Ảnh: Phạm Hải

Nguyễn Lê Anh Trúc, thí sinh tại điểm thi trường THPT Marie Curie (TP. HCM) phải đến điểm thi bằng xe cứu thương. Trước đó, nữ sinh này vừa mổ ruột thừa sáng 24/6.

Tại điểm thi Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hà Nội), thí sinh Nguyễn Mạnh Tân cũng phải ngồi xe lăn đi thi. Nam sinh cũng vừa mổ ruột thừa trước kỳ thi không lâu.

Vừa tỉnh dậy sau trận ốm nặng 8 điều trị viêm não cấp, Vừ A Cha, thí sinh ở điểm thi Trường THPT Sông Mã, tỉnh Sơn La, vẫn quyết tâm đến phòng thi dù nửa người trái khó cử động.

Giao nhận đề thi THPT quốc gia 2019 bài thi Khoa học Tự nhiên tại điểm thi Trường THPT Đào Duy Từ (Thanh Hóa) sáng 26/6. Clip: Thanh Hùng

Những thí sinh “ngoan cố” nhất

Đó là những thí sinh đã mang vật cấm như điện thoại, tài liệu vào trong phòng thi.

Mở đầu kỳ thi vào sáng 25/6, một nam sinh tại Phú Thọ bị đình chỉ thi vì đã chụp đề Ngữ văn gửi ra ngoài nhờ bạn giải hộ.

Tại Sơn La, một nam sinh khác cũng bị đình chỉ vì mang 2 chiếc điện thoại vào phòng thi. Tại Thanh Hóa có 4 thí sinh bị đình chỉ vì mang điện thoại vào phòng thi, trong đó, riêng môn thi đầu tiên là Ngữ văn có tới 3 trường hợp,1 trường hợp xảy ra vào sáng 26/6. Bình Định, Khánh Hòa và Đắk Lắk, Đà Nẵng cũng là những tỉnh có thí sinh bị đình chỉ vì mang điện thoại vào phòng thi.

Những khoảnh khắc xúc động nhất

Những nụ hôn chúc con thi tốt, những cái nắm tay động viên, những cái ôm an ủi, hay những nỗ lực giúp các thí sinh bị thương tật đến được phòng thi là những hình ảnh xúc động nhất trong những ngày thi THPT quốc gia 2019.

Thí sinh Vi Văn Bảo (sinh năm 2000, dân tộc Lào) được các tình nguyện viên đưa đến phòng thi bằng xe lăn. Ảnh: Thiện Lương

Phụ huynh lưu luyến trước giờ vào thi. Ảnh: Lê Anh Dũng

Điểm thi thu hút nhiều thí sinh là phụ huynh nhất

Tại điểm thi Trường THPT Sông Mã (Sơn La), có tới 80 thí sinh ở độ tuổi trên 40. Nhiều người trong đó đã có con cái đề huề, có dâu, có rể, thậm chí có cháu để bế. Tuy nhiên, vì lý do công việc, và hơn nữa là muốn làm tấm gương cho con cháu nên họ vẫn quyết tâm thi lấy tấm bằng tốt nghiệp cấp 3.

Lòng tốt gây hoang mang nhất

Sáng 26/6, tại điểm thi trường THPT Chuyên Amsterdam (Hà Nội), chị Hoàng Thị Lan (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cho biết, sáng nay khi chị đang chở con trai đến điểm thi thì không may xe máy bị hỏng. Đúng lúc này, có một người đàn ông lạ đến nhận chở con trai chị đến điểm thi.

Trong lúc lo lắng sợ con muộn thi, chị Lan đồng ý để người lạ chở con đi nhưng trong lòng vẫn bối rối, hoang mang. Ngay khi vừa sửa xong xe, chị Lan lập tức đến điểm thi trình báo các chiến sĩ công an và hỏi thăm xem con mình có kịp vào phòng hay không.

Cha đón con gái sau giờ thi với tâm trạng vui vẻ. Ảnh: Phạm Hải

Giám thị đen đủi nhất

Buổi sáng ngày coi thi đầu tiên, trên đường đi đến điểm thi trường THPT Bà Điểm, cô Đỗ Thị Bích Lài, bị cướp túi xách dẫn đến ngã. Ban đầu chỉ nghĩ bị trầy xước đơn chân tay đơn giản và u đầu nhẹ, cô Lài vẫn thực hiện hết nhiệm vụ của buổi thi Ngữ văn. Tuy nhiên, đến trưa, cô Lài đã làm đơn xin ngưng nhiệm vụ coi thi từ buổi chiều cùng ngày để đi kiểm tra sức khỏe khi thấy đầu bị sưng quá to, người mệt mỏi.

Sau 2 ngày thi, cả nước có 2 giám thị vi phạm quy chế bị đình chỉ. Đó là giám thị ở Phú Thọ, đã không giám sát được việc để thí sinh tự do chụp ảnh đề thi rồi đưa ra ngoài nhờ làm hộ.

Những câu chuyện thương tâm nhất

Câu chuyện nữ cán bộ coi thi tử nạn thương tâm, để lại hai con nhỏ tật nguyền khiến nhiều người xót xa. Nạn nhân là cô Trần Thị Thúy (SN 1979, trú xã A Túc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Cô Thúy là trưởng bộ môn Lịch sử của Trường THPT A Túc, làm cán bộ coi thi tại cụm thi số 31 tỉnh Quảng Trị. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ vào buổi chiều 24/6, trên đường đi thăm mẹ thì cô Thúy bị tai nạn và tử vong tại chỗ, để lại hai con tật nguyền.

Ngôi nhà nơi xảy ra vụ chồng giết vợ thương tâm khiến con trai bỏ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Lê Bằng

Một hoàn cảnh đau thương khác xảy ra tại tỉnh Quảng Nam, nam sinh T.V.P đã bỏ dở kỳ thi THPT quốc gia 2019, sau khi chứng kiến bố đâm chết mẹ. VietNamNet thông tin, sự việc xảy ra vào trưa 25/6, trong lúc cùng làm thịt gà cúng giỗ, bố của T.V.P đã dùng dao đâm người vợ. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi. Nam sinh đã phải bỏ tất cả những môn thi còn lại để ở nhà lo tang lễ cho mẹ. Sáng 27/6, Gi ám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết đang xem xét để có thể công nhận tốt nghiệp cho em.

Giám thị xinh nhất

Sau khi bức ảnh xinh đẹp, thu hút của nữ cán bộ coi thi tại điểm thi trường THPT Thanh Chương 3 (Nghệ An) được đăng tải lên mạng xã hội, cư dân mạng lập tức truy tìm thông tin. Sinh năm 1988, Lê Hà Phương đang là giảng viên ngành Báo chí – Truyền thông tại Đại học Vinh (Nghệ An).

Nữ giám thị xinh đẹp bất ngờ nổi tiếng khi làm nhiệm vụ coi thi. Ảnh: NVCC

Bất ngờ nổi tiếng nhờ bức ảnh chụp tại điểm thi, nhiều độc giả có tâm còn khám phá được thông tin Lê Hà Phương từng giành giải Nhất Hoa khôi Báo chí năm 2008 do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức. Cô cũng hội tụ nhiều khả năng như hát, hội họa, chơi nhạc cụ, dẫn chương trình…

Năm 2018, nữ giảng viên giành giải Người đẹp ăn ảnh nhất và lọt top 10 cuộc thi Người mẫu Quý bà Việt Nam.

Giám thị hỗ trợ tích cực nhất

Ngoài môn Ngữ văn, các môn thi còn lại đều là trắc nghiệm nên chiếc bút chì để tô các ô đáp án trở thành một vật dụng quan trọng với sĩ tử. Để giúp các thí sinh khắc phục những tình huống không may liên quan đến bút chì – “công cụ chính” để làm những bài thi trắc nghiệm, trong lần “ra quân” thực hiện nhiệm vụ trong kì thi THPT quốc gia 2019 tại tỉnh Thái Bình, các cán bộ, giảng viên Trường ĐH Ngoại thương đã mang theo 4.500 chiếc bút chì 2B để sẵn sàng hỗ trợ cho những trường hợp cần thiết trong quá trình làm bài.

Cô Phạm Thị Thảo, giáo viên Trường THPT Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình, làm nhiệm vụ cán bộ coi thi tại điểm thi THPT Nguyễn Đức Cảnh cho biết: "Đây là lần đầu tiên một trường Đại học về hỗ trợ kỳ thi TN THPT QG mang theo bút chì để sẵn sàng cho các tình huống có liên quan có thể xảy ra. Cụ thể ở phòng tôi coi thi buổi thi các môn Khoa học tự nhiên, cũng có em mang theo bút chì kim đầu chì cứng hoặc bút chì rất mờ, tôi cũng đã đưa cho các em bút chì 2B do Trường ĐH Ngoại thương chuẩn bị. Tuy số lượng sử dụng không nhiều nhưng với những chiếc bút chì được dự phòng sẵn tại các phòng thi như vậy cũng giúp cho những cán bộ coi thi như chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ".

Thí sinh Thái Bình vui vẻ ra khỏi phòng thi chiều ngày 25/6. Ảnh: Khánh Linh

Đề thi "to" nhất

Thay vì nhận đề thi trên giấy A4 như bao thí sinh khác tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế, Thừa Thiên Huế), Huỳnh Ngân Giang, cựu học sinh lớp 12B4 lại nhận đề thi trên khổ giấy A3 trong buổi sáng thi môn Ngữ văn (25/6). Giang bị bệnh viêm màng bồ đào khiến đôi mắt bị mờ, không nhìn thấy rõ mọi vật xung quanh, đặc biệt là chữ in trong sách giáo khoa.

Trước kỳ thi THPT quốc gia, Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế đã gửi hồ sơ bệnh án của em ra Bộ GD-ĐT xin ý kiến làm riêng một bộ đề thi đặc biệt và được đồng ý. Đề thi của Giang được in trên khổ giấy A3 (gấp đôi khổ A4) với cỡ chữ to hơn và phát tại phòng thi để em có thể đọc. Giang là thí sinh duy nhất cả nước được sử dụng bộ đề A3.

Nơi bắt đầu làm bài thi muộn nhất

Ngày 26/6, tại địa bàn TP. HCM xảy ra sự cố về mã đề. Tại quận Tân Bình có 11 thi sinh thiếu đề, tuy nhiên do thiếu rải rác nên riêng địa phương này không bị ảnh hưởng thời gian làm bài của thí sinh. Tại điểm thi Trường THCS Colette (Q.3, TP. HCM) có 16 thí sinh thiếu 5 mã đề. Môn Hóa học có 5 mã đề, mở ra photo nhanh và chưa quá 10 phút thì đã đủ. Môn Sinh bị ảnh hưởng khoảng 10 phút. Thời gian làm bài của các thí sinh chậm hơn so với quy định là 15 phút. Tại điểm thi THPT Trần Khai Nguyên, thí sinh bị chậm hơn quy định tới 35 phút.

Clip: Khánh Hòa

Tại buổi gặp gỡ báo chí chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Hiếu nhận trách nhiệm sơ suất trong việc in sao đề. Ông giải thích lý do là vì phòng thi không đủ 24 thí sinh, có thí sinh tự do, thí sinh này có môn thi môn không nên sơ sót thiếu mã đề chứ không phải thiếu đề. Phòng thi đủ 24 thí sinh sẽ không có vấn đề gì. Sự cố này xảy ra ở phòng thí sinh tự do, thí sinh THPT vẫn ổn, không bị ảnh hưởng. Ông Hiếu xin lỗi và khẳng định ngày27/6 bộ phận in sao đề thi sẽ kiểm tra kỹ, chắc chắn không để ảnh hưởng tới thí sinh.

Đoàn công tác có hành trình đường bộ dài nhất

Trong các ngày diễn ra Kỳ thi từ 25/6 đến 27/6/2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã dẫn đầu các đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đi kiểm tra, động viên cán bộ coi thi và thí sinh tại một số địa phương như: TP Hà Nội, Đắk Lắk, Long An, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Kạn,Cao Bằng, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị,TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Tiền Giang,…Trong số đó, có lẽ đoàn công tác đi tới các tỉnh đồng bằng và miền núi phía Bắc là có hành trình đường bộ dài hơn cả, với khoảng 1.000 km.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An kiểm tra công tác thi tại các điểm khó khăn của tỉnh Bắc Cạn ngày 26/6. Clip: Anh Phú

Thí sinh đến dự thi trong 2 ngày 25 và 26/6 đều đạt trên 99% so với số lượng đăng ký. Đồ họa: Thúy Nga

Thí sinh Hà Nội chạy nắng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Sĩ tử Sài Gòn đội mưa. Ảnh: Tùng Tin

Khánh Hòa - Song Nguyên (tổng hợp)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/nhung-diem-nhat-trong-ky-thi-thpt-quoc-gia-2019-545265.html