Những cái nhất của Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30

SEA Games 30 tại Philippines đã đi qua nửa chặng đường và với hơn 30 huy chương Vàng đã giành được, đoàn Thể thao Việt Nam đứng vững trong Top 3 đúng... như kế hoạch đã đề ra. Nhưng đằng sau 'những cuộc thi đấu, những tấm huy chương', cuộc chinh phục đấu trường khu vực của các tuyển thủ nước nhà có không ít những niềm vui, nỗi buồn và cả những bất ngờ ngoài dự báo. Hãy cùng Báo Hải quan nhìn lại nửa chặng đường SEA Games qua góc kính khác với 3 tấm huy chương đặc biệt nhất.

Tấm huy chương Vàng cảm xúc nhất

Nằm trong nhóm những vận động viên trọng điểm của Thể thao Việt Nam, việc nữ lực sĩ cử tạ Vương Thị Huyền giành tấm HCV 48kg đã nằm trong tính toán của giới chuyên môn. Đơn giản, cô gái 27 tuổi này đã vượt ra khỏi trình độ của Đông Nam Á để vươn tới tầm châu lục, thế giới.

Vậy nhưng, thay vì nụ cười chiến thắng, lại là những dòng lệ tuôn trào, bởi chẳng mấy ai biết, 14 ngày trước khi bước lên bục vinh quang của SEA Games 30, khi đang tập huấn tại Trung Quốc, Vương Thị Huyền nhận tin sét đánh, người cha của chị đột ngột qua đời. Huyền chỉ có 3 ngày chịu tang bố rồi lại gạt nước mắt lên đường làm nhiệm vụ quốc gia. Nỗi đau mất cha dường như còn đau gấp bội, bởi trước đó vào năm 2013, cũng khi đang cùng tập luyện cùng đội tuyển quốc gia, Huyền không ở bên mẹ khi bà qua đời.

Được xem là một trong những tài năng của cử tạ Việt Nam và được trên vai nhiều kỳ vọng, tưởng như những nỗi đau mất mát lớn đánh gục, làm mất đi niềm hy vọng Vàng trên đấu trường thể thao quốc tế, bởi cũng đã có lúc Huyền như buông xuôi tất cả. Nhưng rồi bằng ý chí và nghị lực phi thường, cô lại đứng lên để tỏa sáng.

"Tôi cảm ơn mọi người đã quan tâm ủng hộ. Tôi muốn dành tặng cho người hâm mộ và người bố người mẹ đã khuất", Huyền nghẹn ngào trong nước mắt, bởi đằng sau ánh Vàng của tấm huy chương là cả một gia đình đầy đủ ngày nào, chỉ sau 7 năm, giờ chỉ còn lại Huyền cùng cậu em trai kém mình hai tuổi...

Tấm huy chương Vàng ngoạn mục nhất

Cũng là tấm huy chương Vàng cử tạ nữ, nhưng là tấm huy chương Vàng được xem là ngoạn mục nhất của đoàn Thể thao Việt Nam trong những ngày thi đấu đầu tiên tại SEA Games 30.

20 tuổi, lần đầu tham dự SEA Games, Phạm Thị Hồng Thanh không hề bị sức ép thành tích khi thi đấu hạng 64kg nữ, dù xét về chuyên môn, cơ hội tranh chấp của cô gái quê Hải Dương này là vẫn có.

Và có vẻ như mọi chuyện đúng như dự báo, ở hạng cân này, nữ đô cử chủ nhà Phillippines là Elreen Ann tỏ ra quá mạnh. Sau 2 động tác cử đẩy và cử giật, Elreen Ann đạt thành tích 213 kg, cách Hồng Thanh tới 16kg, một khoảng cách quá an toàn về chuyên môn và các cổ động viên Phililippines đã sẵn sàng tổ chức ăn mừng.

Vậy nhưng trong lần cử đẩy cuối cùng, nữ đô cử Việt Nam quyết định "liều" với mức tạ 124kg, tức là vượt trên tổng thành tich của Elreen Ann đúng 1kg... và thành công để mang về tấm huy chương Vàng trong cảm xúc vỡ òa của tất cả. Elreen Ann và các khán giả Philippines thì sững sờ vì mất chức vô địch theo cách thật khó tin. Đô cử chủ nhà sau đó khóc nghẹn.

Cười tươi như hoa sau chiến thắng bất ngờ, cô gái quê Hải Dương thú thật: " Trong tập luyện, tôi chỉ nâng thành công 123 kg chứ chưa từng chinh phục được 124 kg. Tôi rất hạnh phúc và tự hào khi được là một người con của Việt Nam. Khát vọng chiến thắng đã giúp tôi vượt qua mức tạ đó".

Tấm huy chương Vàng lịch sử nhất

Đó lại là tấm huy chương Vàng chưa trao, nhưng chắc chắn thuộc về Việt Nam - Tấm huy chương nội dung đơn nam môn quần vợt.

Cũng giống như bóng đá, quần vợt Việt Nam mà cụ thể là cây vợt lừng danh phía Nam như Võ Văn Bảy, Võ Văn Thành từng giành chức vô địch đơn nam ở các kỳ SEA Games đầu tiên được tổ chức. Nhưng rồi thời gian cũng như hoàn cảnh của đất nước khiến quần vợt tụt lại so với mặt bằng châu lục, dù đây là môn thể thao nhận được sự quan tâm của người hâm mộ chỉ sau bóng đá.

Tính từ năm 1973 sau chức vô địch đôi nam tại SEA Games tổ chức tại Singapore, đã gần nửa thế kỷ trôi qua, quần vợt Việt Nam vẫn chưa thể giành thêm nổi tấm huy chương Vàng nào. Tuy nhiên, giấc mơ Vàng ấy đã trở thành hiện thực tại SEA Games 30 ở Philippines khi cả 2 cây vợt nam của Việt Nam là Daniel Cao Nguyễn và Lý Hoàng Nam cùng nhau giành quyền vào chơi trận chung kết đơn nam diễn ra vào ngày 6/12.

Lý Hoàng Nam là cái tên đã quá quen thuộc, còn Daniel Cao Nguyễn - tay vợt Việt kiều từng đứng trong Top 200 ATP vừa được trao quốc tịch Việt Nam và chính thức tham dự SEA Games 30 để chung tay hiện thực giấc mơ lịch sử.

Ngọc Minh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nhung-cai-nhat-cua-the-thao-viet-nam-tai-sea-games-30-116631.html