Những cái mác tự phong

Trong mấy ngày nay, vụ việc lùm xùm liên quan đến trường quốc tế Gateway gây bão mạng xã hội với nhiều cảm xúc đau đớn, tiếc thương cho cháu bé. Đằng sau đó, lộ ra nhiều bất cập trong câu chuyện quản lý, đặc biệt khi đó là trường học được gắn mác quốc tế.

 Trường PTLC ''Quốc tế'' Gateway

Trường PTLC ''Quốc tế'' Gateway

Tại buổi họp báo về vụ việc này, lãnh đạo quận Cầu Giấy khẳng định, trong giấy phép thành lập, trường Gateway không phải là trường quốc tế, cũng như trên địa bàn quận không có trường quốc tế nào. Thực tế, cho đến nay, ở Việt Nam, chưa có văn bản nào định nghĩa về trường quốc tế. Nhưng người dân không khó để tìm kiếm thông tin về các “trường quốc tế” trên mạng internet với vô vàn lời quảng cáo “có cánh”. Thậm chí, có trường còn khẳng định, dù trường họ mang danh quốc tế, nhưng đó chỉ là cái danh trên tên gọi, chứ chẳng phải có tiêu chuẩn quốc tế nào hết, bởi 100% giáo viên, học sinh đều là người Việt Nam, kể cả vốn đầu tư cũng không có yếu tố nước ngoài. Sau vụ việc này, nhiều phụ huynh sững người khi con mình học trong những ngôi trường quốc tế nhưng thực chất tiêu chí quốc tế chỉ là “hữu danh vô thực”.

Mặc dù, giấy phép thành lập các trường không có tên quốc tế, nhưng những biển tên to đùng, những báo cáo của trường, của quận, nhiều trường vẫn có tên “quốc tế” nhưng chưa bao giờ bị nhắc nhở, tuýt còi. Và hàng chục trường quốc tế trên địa bàn Hà Nội, trong giấy phép thành lập một đằng, nhưng tên gọi thực tế một nẻo vẫn tồn tại, hoạt động công khai nhiều năm qua.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, vì trường quốc tế chưa có trong quy định, quy chuẩn trong luật, nên dù các trường nhập nhèm tên gọi vẫn khó bề xử lý. Cụ thể, theo Điều 48 của Luật Giáo dục hiện hành, các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân chỉ bao gồm: Trường công lập; Trường dân lập (do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động; Trường tư thục (do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí bằng vốn ngoài ngân sách). Trong Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) cũng quy định 3 loại hình nhà trường tương tự như trên. Hiện nay, các trường quốc tế hầu như được hoạt động dưới mô hình là các trường tư thục. Những trường này được gắn thêm tên “quốc tế” do có yếu tố nước ngoài; thường là có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài, hoặc cả hai. Việc đặt tên này đều do nhà trường tự phong, còn cơ quan quản lý thả nổi, kể cả tên gọi vênh với giấy phép thành lập cũng không bị xử lý. Nhiều người cho rằng, chính vì tâm lý sính ngoại của nhiều người Việt, nên dễ bị đánh lừa bởi tên gọi của nhiều trường có danh hão.
Có lẽ, câu chuyện quản lý giáo dục nói chung, quản lý các trường ngoài công lập cũng như trường có yếu tố nước ngoài nói riêng vẫn luôn là chuyện làm đau đầu ngành chức năng. Và, một áp lực không hề nhỏ của phụ huynh học sinh, khi đầu tư hàng trăm triệu mỗi năm cho con học trường ngoài công lập nhưng vẫn phải đánh cược về chất lượng đào tạo và sự an toàn đối với con trẻ.

Nhật Uyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhung-cai-mac-tu-phong-349758.html