Những cái chết oan gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn kỳ thị giới tính tại Pháp

Tỷ lệ phụ nữ bị giết hại vì kỳ thị giới tính tại Pháp cao hơn phần lớn các quốc gia châu Âu.

Helene de Ponsay cho phóng viên CNN xem ảnh người em gái Marie-Alice Dibon bị bạn đời sát hại. Ảnh: CNN

Helene de Ponsay cho phóng viên CNN xem ảnh người em gái Marie-Alice Dibon bị bạn đời sát hại. Ảnh: CNN

Tình yêu qua những trang thơ

Năm 2004, Marie-Alice Dibon và Luciano Meridda bắt đầu cảm mến nhau qua một lần ngồi chung taxi tham quan thành phố Paris hoa lệ. Lúc đó, chuyên gia hóa mỹ phẩm Dibon (38 tuổi) tò mò về quyển thơ đặt bên cạnh chàng tài xế. Meridda (51 tuổi) bày tỏ với cô về nỗi niềm say mê văn học và Dibon bắt đầu cảm thấy bị thu hút.

“Anh ta lúc nào cũng đọc sách, tìm cách biến bản thân trở thành người có văn hóa hơn, hiểu biết hơn. Em tôi rất trân trọng và ngưỡng mộ điều đó”, Helene de Ponsay – chị gái của cô Dibon – chia sẻ với CNN.

Mọi chuyện diễn ra rất nhanh. Chỉ vài tuần gặp gỡ, hai người đã chuyển về một căn hộ vùng ngoại ô Courbevoie chung sống với nhau.

Giai đoạn đầu trong mối quan hệ, cặp đôi dường như rất hạnh phúc. Nhưng qua 5 năm, Meridda bắt đầu lộ diện phần xấu xa trong con người, khi đối tượng này càng ngày kiểm soát và gian xảo.

De Ponsay nhớ lại lần thăm em gái vào năm 2014. “Tôi tới nhà của em gái, một vùng mà phải mất cả ngày để đến được một quán cà phê. Cuối ngày hôm đó, Dibon tỏ ra hoảng loạn chỉ vì chưa mua bánh mì”, De Ponsay hồi tưởng. Trong thời gian sống chung, Dibon phát hiện ra Meridda đã nói dối về quá khứ. Thực chất hắn ta đã từng kết hôn và có con chứ không hề độc thân.

Trong 10 năm sau đó, Dibon tìm cách chia tay Meridda. Tuy nhiên, việc rời bỏ hắn cũng rất khó khăn. Tên Meridda thường xuyên khủng bố bằng tình cảm và tuyệt thực để níu giữ Dibon. “Cô ấy có thể cảm thấy phải chịu trách nhiệm về sức khỏe tâm thần của hắn ta. Cô ấy lo lắng hắn ta sẽ tự làm thương bản thân”, de Ponsay cho hay.

Vào buổi sáng ngày 22/4/2019, hai ngày sau khi Dibon tìm cách dứt khoát mối quan hệ với người bạn đời có vấn đề về tâm thần, thi thể của Dibon được tìm thấy trong một chiếc va li trôi trên dòng sông Oise ngoại ô Paris.

Cảnh sát Versailles cho biết tên Meridda đã đánh thuốc mê và đánh Dibon đến chết. Hắn ta ẩn náu trước sự truy lùng của cảnh sát trong 2 tuần, trước khi tự sát.

Dibon là một trong ít nhất 137 phụ nữ tại Pháp bị bạn đời giết hại tính trong năm 2019. Số liệu năm ngoái về các trường hợp tương tự là 121. Sự thất bại của chính quyền Paris trong việc ngăn chặn khủng hoảng đã khiến giới phê bình nổi giận, chỉ trích Pháp kỳ thị giới tính và kêu gọi một cuộc thảo luận quốc gia về bạo lực gia đình.

Pháp vẫn nghĩ “phụ nữ thuộc về đàn ông”

Kể từ sau khi vụ việc bị phát giác, tên của Dibon luôn hiện hữu trên những tấm poster dán quanh các đường hầm, tòa nhà hay cầu đường. Người dán chúng là Camille Lextray – một thành viên trong tổ chức nữ quyền có tên Collages Feminicides.

Mục đích của hành động này là khiến dư luận biết về các nạn nhân của nạn “femicide” - thuật ngữ chỉ hành vi giết hại phụ nữ của bạn trai, chồng hoặc thành viên gia đình.

“Nó khắc họa một sự thật rằng đang có vấn đề đối với nước Pháp: chúng ta vẫn nghĩ phụ nữ thuộc về đàn ông”, Lextray trả lời phỏng vấn CNN.

Tỷ lệ phụ nữ bị giết hại vì nạn kỳ thị giới tính tại Pháp cao hơn phần lớn các quốc gia châu Âu.

Marlene Schiappa – Bộ trưởng phụ trách vấn đề bình đẳng giới của Pháp – tin rằng văn hóa là một phần nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau lòng này.

“Tôi nghĩ xã hội Pháp cực kỳ phân biệt giới tính và rất khó để thay đổi. Đồng hành cùng với chính phủ, tôi đang tìm cách giành phần thắng trong cuộc chiến văn hóa trước vấn đề bình đẳng giới, nhưng sự thực là việc này rất khó”, Bộ trưởng Marlene cho hay.

Một nhân viên thuộc trung tâm Fédération Nationale Solidarité Femmes nhận điện báo về các trường hợp bạo lực gia đình đối với phụ nữ qua đường dây nóng. Ảnh: CNN

Sự thờ ơ của cảnh sát Pháp

Trong bối cảnh dư luận bức xúc về nạn phụ nữ bị giết hại vì kỳ thị giới tính gia tăng ở Pháp, chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đã thực hiện một số phương pháp để giải quyết vấn đề. "Phụ nữ Pháp đã bị chôn vùi trong sự thờ ơ của chúng tôi", Thủ tướng Edouard Philippe phát biểu hồi tháng 9 trước khi thông báo loạt biện pháp chống bạo lực gia đình.

Thủ tướng Philippe cam kết chính phủ sẽ chi 5,5 triệu USD để cung cấp hơn 1.000 chỗ ở khẩn cấp cho những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Ông khuyến khích việc bổ nhiệm các công tố viên và tòa án đặc biệt để xử lý các trường hợp bạo lực gia đình một cách nhanh chóng.

Tổng thống Macron cũng từng đích thân tới một trung tâm đường dây nóng nhận thông tin về các vụ bạo lực gia đình. Tại đó, ông cũng được nghe một vài cuộc gọi.

Một trong những cuộc gọi là của một người phụ nữ 57 tuổi. Bà báo rằng người chồng bạo lực có nhiều hành vi đe dọa giết bà. Bà cũng từng gọi điện nhờ cảnh sát giúp đỡ, hộ tống bà về nhà lấy đồ khi mà kẻ ngược đãi vẫn còn sống tại đó. Tuy nhiên, vị cảnh sát đó từ chối và nói rằng đó không là trách nhiệm của anh ta. Ngay sau sự việc, một cuộc điều tra đã được tiến hành.

“Cách mà cảnh sát xử lý yêu cầu của nạn nhân hoàn toàn có vấn đề”, người phát ngôn của Tổng thống cho biết.

Theo một báo cáo do Bộ Tư pháp Pháp công bố tháng trước, trong một nghiên cứu 88 vụ việc phụ nữ bị giết bởi bạn đời, kết quả cho thấy có đến 65% trong số đó đã từng cầu cứu giới chức Pháp.

Nạn nhân Julie Douib đã phải trả một cái giá đắt vì cảnh sát không hành động. Cô bị chồng cũ bắn hai phát đạn và tử vong tại nhà ở Corsica.

Trước đó vài ngày, người phụ nữ 34 tuổi này gọi điện khai báo chồng cũ của cô có súng. Cha cô là ông Lucien Douib nói rằng Julie gọi báo cảnh sát ít nhất 5 lần. “Họ có nghe điện, song không làm gì. Mỗi lần, chúng tôi lại nói chuyện với một cảnh sát khác nhau. Nếu như họ bảo vệ con gái tôi, nó vẫn còn sống đến bây giờ”.

Đề cập cụ thể đến trường hợp của nạn nhân Julie Douib, Thủ tướng Philippe bày tỏ: “Sự chậm trễ trong việc xử lý các vụ bạo lực gia đình là điều không thể chấp nhận được. Julie Douib, người bị chồng cũ giết hại vào ngày 3/3, đã gọi điện cầu cứu cảnh sát. Cha của cô ấy, Lucien Douib, cũng cầu cứu, nhưng vũ khí của người chồng không bị tịch thu, mặc cho mọi lời đe dọa và có chứng cứ y khoa chứng minh cô bị ngược đãi”.

De Ponsay tin rằng chính tính chiếm hữu đã khiến cho em gái cô bị sát hại. “Bạn biết đấy, đồ chơi của hắn ta bỏ đi. Hắn ta thà làm hỏng đồ chơi hơn cho người khác chơi. Đó là một sự mất mát lớn đối với gia đình chúng tôi”, bà xúc động.

Hiện là một nhà hoạt động tại Liên Hợp Quốc về các gia đình có nạn nhân bị bạn đời giết hại, bà thường xuyên chứng kiến các vụ việc đau lòng. “Nạn Femicide chỉ là phần nổi của tảng băng. Hậu họa còn lớn hơn rất nhiều. Và điều này chỉ thay đổi khi văn hóa của nước Pháp thay đổi”, bà de Ponsay kết luận

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-cai-chet-oan-giong-len-hoi-chuong-canh-bao-ve-nan-ky-thigioi-tinh-tai-phap-20191122171436382.htm