Những cái chết được báo trước

Rất nhiều người khi đi du lịch trên sông nước hoặc tham gia giao thông đường thủy như đi đò, phà, thuyền, ghe... hầu như không mặc áo phao.

Người dân đưa thi thể nạn nhân vụ chìm đò tại Quảng Nam ngày 8/5 về nhà lo hậu sự

Người dân đưa thi thể nạn nhân vụ chìm đò tại Quảng Nam ngày 8/5 về nhà lo hậu sự

Năm 2016 tôi và một số đồng nghiệp được giao nhiệm vụ đột xuất, đó là thực hiện loạt phóng sự về vụ tai nạn chìm tàu du lịch trên sông Hàn, Đà Nẵng.

Vụ tai nạn đó khiến 3 người chết, trong đó có 2 cháu nhỏ. Khi nhận được các hình ảnh do phóng viên từ hiện trường gửi về, chúng tôi đã không còn đủ tinh thần để tập trung vào phần việc của mình. Một đồng nghiệp nữ đã buông máy tính, chạy ra bên ngoài để lau nước mắt. Trên màn hình lúc đó là cận cảnh người phụ nữ gần như đã hóa điên dại khi chị thấy con của mình được đưa từ dưới sông lên.

Nếu như trong vụ tai nạn kể trên, cháu bé được mặc áo phao, một biện pháp phòng vệ đơn giản nhất thì có lẽ câu chuyện đã khác.

Rất nhiều người Việt Nam khi đi du lịch trên sông nước hoặc tham gia giao thông đường thủy như đi đò, phà, thuyền, ghe... hầu như không tuân thủ quy định mặc áo phao để phòng ngừa tai nạn đuối nước. Cái áo phao mặc vào khi ở trên sông nước, là vật hộ thân, cứu mạng, cực kỳ quan trọng, nhưng ai cũng có lý do để vứt xó. Vì vậy, những cái chết thương tâm, như đã được báo trước, cứ thế diễn ra.

Mới đây nhất, ngày 8/5, đã xảy ra một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Quảng Nam khiến 5 người dân xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên tử vong. Cả 5 nạn nhân đều không mặc áo phao khi ngồi trên ghe để qua sông Thu Bồn.

Trước đó không lâu, cũng tại Quảng Nam, ngày 26/2, tại sông Vu Gia, đoạn chảy qua xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, đã xảy ra vụ chìm đò khiến 6 người dân thiệt mạng. Điều đáng nói là tất cả các nạn nhân đều không mặc áo phao khi ngồi trên đò.

Hiện nay, các phương tiện gia dụng đều do người dân và các cơ sở sản xuất thủ công tự đóng để phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất nông nghiệp, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm, kiểm định về ATGT. Ngoài ra, chế tài xử phạt đối với việc đưa phương tiện không có thiết bị an toàn, phao cứu sinh hoặc thiết bị cứu sinh vào hoạt động còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe; chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi không mặc áo phao...

Có thể thấy, về mặt chính sách, việc xây dựng chế tài để quy định bắt buộc những người dân khi sử dụng phương tiện thủy như ghe, xuồng để đi lại trên sông nước phải mặc áo phao là rất cần thiết. Áo phao ở dưới đường thủy, giống như MBH đối với người đi xe máy trên đường bộ, tất cả phải được chấp hành nghiêm chỉnh, bất cứ người dân nào không tuân thủ đều bị xử phạt nghiêm.

Tuy nhiên, quan trọng nhất ở đây vẫn chính là ý thức bảo vệ tính mạng bản thân của mỗi người dân. Kể cả chưa có quy định, song nếu họ ý thức được rằng không cần ai bắt buộc, chính mình phải biết bảo vệ mình thì có lẽ câu chuyện sẽ không có gì đáng nói.

Vì thế, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục quy định pháp luật để tác động ý thức người dân cần phải được nâng cao hơn nữa. Hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT đường thủy đối với việc sử dụng và tham gia giao thông bằng phương tiện gia dụng cũng phải được tăng cường.

Nếu không, rất có thể sẽ lại tái diễn những vụ tai nạn thương tâm tương tự. Và những cái chết đó, chẳng khác nào những cái chết đã được báo trước.

Hoàng Việt

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhung-cai-chet-duoc-bao-truoc-d464733.html