Những cái chết bất ngờ vì ma túy

Gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ thảm án kinh hoàng, TNGT nghiêm trọng làm chết nhiều người mà nguồn cơn bắt nguồn từ các đối tượng sử dụng ma túy.

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước xảy ra những vụ thảm án kinh hoàng, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người mà nguồn cơn bắt nguồn từ các đối tượng sử dụng ma túy. Trong đó có những vụ làm số người chết lên tới 7- 8 người, khiến dư luận bàng hoàng, rúng động. Nhiều người không khỏi lo lắng về “cơn bão” ma túy đang hoành hành, và đặt ra những câu hỏi liên quan đến công tác cai nghiện, quản lý người nghiện, nhất là công tác quản lý, giám sát người nghiện tại cộng đồng. Có hay không sự bất lực, “thả lỏng” của chính quyền, ngành chức năng khi phối hợp thực hiện công tác này khiến thực trạng người nghiện phạm tội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ngày một gia tăng? “Ai chịu trách nhiệm khi người nghiện gây tai nạn, thảm án”?

 Vụ sát hại nữ sinh giao gà ở Điện Biên gây chấn động dư luận thời gian qua.

Vụ sát hại nữ sinh giao gà ở Điện Biên gây chấn động dư luận thời gian qua.

Đã hơn 3 tháng kể từ ngày xảy ra vụ thảm án kinh hoàng do 7 đối tượng nghiện ma túy ở tỉnh Điện Biên bắt cóc, hãm hiếp tập thể nhiều ngày, rồi ra tay đáng thương giúp mẹ đi giao gà vào chiều 30 Tết, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng. Đầu tháng 3/2019 lại xảy ra vụ nghịch tử Nguyễn Hoàng Nam ở thành phố Hồ Chí Minh trong cơn cuồng loạn vì ma túy đã dùng dao chém chết bố, mẹ đẻ, bà nội và một người thân khác ở tỉnh Long An. Hay trước đó vào tháng 2/2019, cán bộ ngân hàng Trương Mạnh Tuấn ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An sát hại chính bố đẻ của mình sau khi sử dụng ma túy tổng hợp. Rồi vụ tai nạn giao thông thảm khốc do lái xe dương tính với ma túy điều khiển ô tô đâm thẳng vào đoàn người đi đưa tang trên quốc lộ 5, đoạn qua huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương làm 8 người chết, 8 người bị thương, đến nay nỗi ám ảnh vẫn còn hiện hữu.

Trước đó không lâu là vụ trong cơn loạn thần vì ma túy đá đã cố nhét 33 nhánh tỏi vào miệng bạn gái cho đến khi cô gái này tử vong. Vụ mới nhất xảy ra đêm 2/5, con nghiện Trương Tín ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh vừa mới trở lại cộng đồng sau thời gian cai nghiện tập trung đã dùng dao sát hại dã man 3 người phụ nữ thân thiết nhất là bà ngoại, mẹ đẻ và dì ruột trong tình trạng “ngáo đá”, và nhiều, rất nhiều vụ việc đau lòng khác cũng bắt nguồn từ ma túy...

Dù thời gian đã trôi qua, nhưng những người thân của các nạn nhân trong các vụ tai nạn, thảm án kinh hoàng vẫn chưa hết sốc, rùng mình kinh hãi. Đau đớn tột cùng! Bà Nguyễn Thị Long, thân nhân một trong 8 nạn nhân của vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở tỉnh Hải Dương nghẹn ngào: “Gia đình rất sốc. Không phải mình nhà bác, còn 7 nhà kia nữa, các bác mất chồng, con mất cha. Khổ tâm lắm!”.

Chị Trần Thị Hà, cũng thân nhân một trong 8 nạn nhân của vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở tỉnh Hải Dương nói: “Thật sự tôi rất sốc. Khi nghe không biết phải sự thật hay không”.

Bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ của cô gái giao gà ở tỉnh Điện Biên cũng nghẹn ngào: “Bây giờ còn mỗi facebook và bức ảnh của con thôi, còn không bao giờ mẹ nhìn thấy con nữa”.

Đó chỉ là một số vụ điển hình về thực trạng người nghiện gây tai nạn, thảm án thời gian vừa qua. Nhiều kẻ sau khi sử dụng ma túy, nhất là ma túy đá (hay còn gọi là hàng đá, chấm đá), trong cơn loạn thần vì không kiểm soát được bản thân đã có những hành vi “lạ, chẳng phải là người”, như leo trèo trên cột điện, các tòa nhà cao tầng, quăng cả con nhỏ xuống đất, thậm chí tự gây ra cái chết của chính mình. Điển hình như vụ 7 người tử vong do sử dụng quá liều ma túy đá, thuốc lắc và cần sa tại lễ hội âm nhạc điện tử ở Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) vào tháng 9/2018.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Hải Dương

Cục cảnh sát Điều tra tội phạm ma túy, Tổng cục Cảnh sát nhận định, số người nghiện ma túy tăng với tốc độ “chóng mặt” theo từng năm và xuất hiện ở mọi nơi từ thành thị đến nông thôn. Đối tượng nghiện đa dạng về thành phần, trong đó có cả những công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, thậm chí cả đảng viên, với xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Cũng như rất nhiều trường hợp khác, Lê Kim Tuân (SN 1990 quê ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) “dính” vào ma túy từ năm học lớp 10 bậc THPT, ban đầu chỉ đơn giản là “chơi” cho biết từ sự rủ rê, lôi kéo của bạn bè. Nhưng sau đó thì “phê” dài trong khói trắng heroin. 4 năm sau, Tuân chuyển hẳn sang chấm đá mới có thể thỏa được cái thú của sự phê pha mà dân nghiện thường rỉ tai rằng, cảm giác bay bổng, dịu êm. Từ những cơn hoang tưởng, ảo giác, khi ngủ Tuân cũng ôm dao, vác súng bên người vì lúc nào cũng có cảm giác như có ai đó đang muốn giết mình.

“Không kiểm soát, không ý thức được hành vi là lúc em sử dụng ma túy đá, thì những lúc đó hoang tưởng, ảo giác, mình cứ nghĩ đó là thật”- Tuân nói.

Bập vào ma túy, nhất là ma túy đá, để có tiền thỏa "cơn vật", nhiều người nghiện trở nên hung hãn, thường xuyên trộm cắp và sẵn sàng gây án mạng nếu bị phát hiện. Tuy vậy cũng có kẻ mang vẻ bề ngoài hiền lành, chất phác, nên chính quyền địa phương và đa số người dân không thể nhận biết trước được các dấu hiệu nguy hiểm khi họ lên cơn loạn thần, phê thuốc... để có biện pháp quản lý, giám sát, đề phòng hoặc kịp thời ngăn chặn. Vậy nên khi hay tin người nghiện gây ra những vụ thảm án, tai nạn kinh hoàng làm chết cùng lúc nhiều người thì hàng xóm, tổ dân phố, chính quyền địa phương không khỏi bất ngờ. Bà Nguyễn Thị Kim Phúc, ở huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh nói về đối tượng Nguyễn Hoàng Nam, kẻ đã cuồng loạn xuống tay giết chết 4 người thân, trong đó có 3 người là hàng xóm của bà sau khi sử dụng ma túy.

“Cậu này nhìn cũng bình thường mà chỉ trong phút chốc cầm dao giết mẹ, rồi đi mua dao khác chém ba và nội. Tôi rất sợ, ban ngày còn đi giao nước mía chứ từ 6h rưỡi chiều là ở nhà, không dám ra đường”.

Số liệu của Bộ Công an cho thấy, hiện nay cả nước có hơn 224.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đây chưa phải là con số cuối cùng.

“Trên thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều. Số người nghiện tiếp tục gia tăng, trong khi đó, công tác lập hồ sơ đưa đi cai nghiện tập trung hiện nay rất khó khăn do quy trình, thủ tục đặt ra”- Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết.

Hiện trong số người nghiện có hồ sơ quản lý thì mới chỉ có khoảng 10% được đưa vào các cơ sở cai nghiện tập trung; Trong đó có những nơi như Điện Biên, Thái Nguyên, tỷ lệ này chỉ đạt 5 đến7%. Thực tế đó cũng đồng nghĩa với việc, khoảng 90% số người nghiện có hồ sơ, cộng với con số chưa thể thống kê trên thực tế nhưng chắc chắn sẽ rất lớn, đang sinh sống chung với cộng đồng mà chưa được quản lý, giám sát tốt.

Phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây ra các vụ thảm án, tai nạn giao thông kinh hoàng, cũng là thủ phạm nhiều vụ việc đau lòng khác, người nghiện sinh sống tại cộng đồng đang khiến xã hội lo lắng, nhất là khi công tác cai nghiện, quản lý người nghiện còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả. Không ít nơi, chính quyền, ngành chức năng còn thờ ơ, “buông lỏng”, thậm chí rơi vào tình trạng lúng túng, bất lực. Chúng tôi sẽ đề cập trong bài 2 của loạt phóng sự “Ai chịu trách nhiệm khi người nghiện gây tai nạn, thảm án?”./.

Nhóm PV/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-cai-chet-bat-ngo-vi-ma-tuy-908162.vov