Những 'cái biết' cần thiết

Sự thành công và chất lượng cuộc sống là nhu cầu và cũng là áp lực để mỗi người phấn đấu. Có tài năng, có đạo đức và có sức khỏe nhưng nếu thiếu ăn và nói chững chạc, biết người, biết ta… sẽ khó thành công.

Biết ăn, nói

Thực tế cuộc sống cho thấy vấn đề giao tiếp có tầm quan trọng hàng đầu, giúp người ta có được sự thành công trong cuộc sống. Kỹ năng giao tiếp hết sức đa dạng, không theo khuôn mẫu cố định nào. Nó tùy thuộc vào nội lực, ngoại hình cá nhân và hoàn cảnh cụ thể. Dầu vậy người ta cũng dễ dàng nhận ra cái nền tảng cơ sở để hình thành và phát triển những kỹ năng cụ thể.

Nền tảng ấy là biết ăn nói. Trong cuộc sống, ăn và nói là hai việc khác nhau nhưng có nối kết gần gũi, thể hiện rõ tính cách tình cảm và trí tuệ của mỗi người. Ăn nói thuộc về bản năng. Theo thời gian và sự học tập rèn luyện, việc ăn nói đã trở thành quy chuẩn xác lập sự trưởng thành của mỗi người.

Văn hóa Việt có câu nói răn dạy: Ăn tùy chỗ nói tùy nơi. Người trưởng thành không thể nói tùy tiện, tùy thích không để ý đến người khác và vạn vật xung quanh, ăn nói đã mang dấu ấn văn hóa. Người có văn hóa không nhất thiết phải là người học cao, hiểu rộng mà là người luôn có ý thức vì mình vì người. Ý thức ấy giúp người ta loại bỏ những hành vi “ăn tục, nói tục”, tham lam trong ăn uống, trong lời nói hay nói khái quát hơn là ăn nói không chỉ vì mình còn vì người khác.

Trong cuộc sống hàng ngày, người ta nhận thấy đặc trưng cơ bản của biết ăn nói là sự giản dị, biết nhường nhịn, chia sẻ, trân trọng và thấu hiểu người chung quanh. Những người biết ăn nói có thể chưa thành công thành đạt nhưng là người hạnh phúc được nhiều người quý mến. Do vậy, không chỉ là căn nguyên của đạo đức, việc “biết ăn nói” còn là nền tảng cơ sở để có được những kỹ năng giao tiếp.

Biết mình, biết người

Sự thành công và nâng cao chất lượng cuộc sống còn có một nền tảng hết sức quan trọng. Đấy là sự hiểu biết hay còn gọi là tri thức. Không có tri thức, người ta khó có thể làm việc có hiệu quả và ngay cả những kỹ năng cơ bản trong đời sống cũng không có. Tri thức là vô hạn tùy theo sự say mê và khát vọng của từng người. Tri thức là một thuộc tính, một nhu cầu của con người.

Ngay từ khi sinh ra, con người đã có nhu cầu tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh và đó là khởi nguồn của tri thức. Tri thức là điều kiện tiên quyết để con người biết làm việc. Tri thức càng sâu rộng giúp người ta làm việc tốt hơn, chất lượng sống cao hơn. Giá trị cốt lõi của tri thức giúp người ta có được năng lượng cơ bản về sự hiểu biết về bản thân mình và người khác, hay nói ngắn gọn là “Biết mình, biết người”.

Chỉ có “biết mình, biết người” mọi kỹ năng trong cuộc sống mới có hiệu quả. Nội hàm của việc biết mình, biết người rất sâu rộng. Dầu vậy, người ta cũng có thể xác định những nội dung cơ bản. “Biết mình, biết người” là hai mặt của đồng tiền, gắn kết hữu cơ không thể tách rời.

Biết người để biết mình, biết mình để biết người sẽ giúp người ta phân biệt rõ ràng chuyện tốt, xấu và luôn có sự chủ động xử lý các mối quan hệ, đồng thời giúp nắm vững được quy luật tự nhiên, xu thế xã hội, từ đó bổ sung cái thiếu, bỏ đi cái thừa trong đời sống và trong công việc.

Dân gian có câu “biết người đã khó, biết mình còn khó hơn”. Điều này cũng dễ hiểu. Tính ích kỷ cũng là thuộc tính con người. Ham sống sợ chết, ngại khó, lười biếng cũng là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, con người còn có hai thuộc tính quan trọng là tính xã hội và đạo đức, nên tính ích kỷ luôn bị kiểm soát, không thể tự do phát triển.

Chỉ khi nào mình nhận rõ cái xấu, cái yếu kém, hạn chế của mình mới là “biết mình”. Mọi thứ không có tuyệt đối, nhưng nếu “biết mình biết người” sẽ giúp con người có được những kỹ năng bảo vệ mình, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người khác.

Biết cảm xúc

“Nhân chi sơ tính bản thiện” - khi đứa trẻ sinh ra đã có tính thiện. Theo thời gian, theo hoàn cảnh sống, tính thiện của mỗi người có sự thay đổi, biến động. Cái ác tuy không phải là thuộc tính của người nhưng nó là sự biến thể tất yếu của tính ích kỷ. Cái ác cũng có thể coi là vật thể sống vô hình luôn tồn tại trong mỗi con người.

Cái ác sẽ mạnh lên khi tính thiện yếu đi, ngược lại khi tính thiện làm chủ được thế giới tinh thần cái ác sẽ tạm thời bị chìm lấp. Rất nhiều người cho rằng đời người là cuộc chiến thiện ác. Thực tế cho thấy kẻ ác có thể có nhiều kỹ năng sống, thành công, thành đạt nhưng chất lượng sống rất thấp và không có hạnh phúc. Kẻ ác luôn sợ hãi bị trừng phạt, đấy là nỗi sợ của địa ngục.

Ai cũng muốn có cuộc sống có giá trị cao về vật chất và tinh thần. Những người lương thiện có thể không có đời sống vật chất giàu có, nhưng hết thảy đều có đời sống tinh thần êm ấm. Dân gian có câu “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”.

Tính cách mỗi con người được hình thành và phát triển theo môi trường sống, theo sự dạy bảo của mỗi gia đình, nhà trường và tổ chức xã hội. Tính cách người luôn có sự thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh sống. Chi phối tính cách do cảm xúc. Có nhiều thứ cảm xúc, nhưng có 2 loại cảm xúc chính: cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực. Trong cảm xúc tích cực, cảm xúc hướng thiện giữ thế chủ đạo.

Trần Văn Tuấn

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/nhung-cai-biet-can-thiet-69724.html