Những cái bẫy ở bên kia biên giới

Mấy năm gần đây, mỗi khi làm xong mùa vụ, nhiều người dân ở huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang lại lén lút vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động 'chui'. Do thiếu hiểu biết, bị lôi kéo, rủ rê bởi những lời hứa hẹn công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao nên rủi ro luôn rình rập họ ở bên kia biên giới…

Chúng tôi tìm về thôn Sín Chải, xã Phú Lúng, nơi có nhiều người lao động bị rủ rê sang Trung Quốc làm thuê. Gặp chúng tôi, chị Giàng Thị Hầu, người mới trở về sau hơn hai tháng bị "hành xác" nơi đất khách quê người cho biết: "Nghe nói làm bên đó được trả 150.000 đồng/ngày, công việc lại nhàn nên tôi không ngần ngại đi theo. Nhưng thực tế qua đó không như mình nghĩ, một ngày làm đến 18 tiếng đồng hồ mà tiền công chẳng được bao nhiêu. Vật vã hơn hai tháng, tôi quyết định trở về. Giờ nghĩ lại thấy sợ lắm".

Nhớ lại quãng thời gian làm thuê ở Trung Quốc, chị Hầu trầm ngâm: "Ai cũng phải làm quần quật tất cả các ngày trong tuần, không kể ngày đêm. Chưa nhận được đồng tiền công nào, nhưng chúng tôi vẫn bị xỉ vả, đánh đập. Bây giờ mình về được nhà là may mắn hơn nhiều người. Bên kia biên giới còn nhiều người bị chủ lừa bằng cách nửa đêm khi đang ngủ thì họ hô có công an và mở cửa để mọi người chạy trốn. Khi quay lại đòi tiền thì họ không trả và còn bị họ giữ lại bắt lao động. Khổ lắm mà không biết kêu ai".

Chị Sùng Thị Mó, ở thôn Sín Chải, xã Phú Lúng, cũng vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê, theo chèo kéo của người khác. Nhưng khi vừa đến cửa khẩu thì chị bị Công an Trung Quốc bắt đưa về nơi tập trung và bị giam giữ 15 ngày mới được thả về. Trò chuyện với chúng tôi, giọng chị Mó vẫn còn run run vì chưa hết hoảng sợ. Chị Mó tâm sự: "Vì miếng cơm manh áo nên đành làm liều thôi, chứ có ai muốn bỏ chồng, bỏ con, một thân một mình bên xứ người".

Đó chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp đau lòng mà những người vượt biên giới trái phép sang Trung Quốc làm thuê gặp phải. Không biết còn bao nhiêu thân phận đang phải chịu cảnh cùng cực nơi đất khách quê người.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, công việc của người lao động "chui" bên Trung Quốc chủ yếu là lao động phổ thông như: Phu hồ, làm gạch, phát nương, làm rẫy, cấy lúa, chặt mía, thu hái nông sản, đào, đãi vàng... Nhiều người trong quá trình làm thuê không có giấy tờ hợp pháp nên đã bị lực lượng chức năng Trung Quốc buộc phải nộp phạt, thậm chí bắt giữ và đẩy về Việt Nam theo các lối mòn biên giới.

Tuy nhiên, mặc dù điều kiện sinh hoạt, ăn uống kham khổ, lao động cực nhọc và hàng loạt nguy cơ rình rập khác, nhưng do thiếu hiểu biết nên nhiều người sẵn sàng sang Trung Quốc làm thuê trái phép.

Theo số liệu thống kê của Đồn BP Bạch Đích, BĐBP Hà Giang, tính đến thời điểm cuối tháng 6-2014, trên địa bàn đơn vị quản lý có thời điểm lên tới 1.200 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Trong đó, xã Bạch Đích có 417 người, xã Na Khê có 166 người, xã Thắng Mố có 179 người, xã Phú Lúng có 212 người. Trong số này, có những trường hợp sáng đi chiều về, số còn lại đi vào sâu trong nội địa lao động từ 6 tháng đến 1 năm mới về. Hiện nay, có 600 người về địa bàn, số còn lại vẫn đang lao động trái phép bên Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, tình trạng vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe và tài sản, trong khi đó, chính quyền của ta rất khó bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ, do người dân tự ý vượt biên trái phép.

Theo Đại úy Bàn Văn Trọng, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn BP Bạch Đích để ngăn chặn và hạn chế tối đa tình trạng trên, Đồn BP Bạch Đích phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng một mặt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục người dân không nghe theo lời dụ dỗ, rủ rê dẫn đến vi phạm pháp luật; mặt khác, triển khai và thực hiện các biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Đồng thời, tổ chức nắm tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm vượt biên trái phép sang bên kia biên giới làm thuê…

Câu chuyện vượt biên trái phép sang bên kia biên giới làm thuê ở vùng biên giới Hà Giang đang là một bài toán chưa có lời giải. Hằng ngày vẫn còn nhiều người chỉ tin vào những bản "hợp đồng miệng" được coi như đã ký, họ kỳ vọng vào đây với ước mơ đổi đời, nhưng tiền đâu không thấy, chỉ thấy giấc mộng tan vỡ khi trở về, nhiều người trong số họ không một đồng xu dính túi, sức khỏe suy kiệt, thậm chí có người phải bỏ mạng nơi đất khách hoặc mang thương tật về nhà. Đây chính là hệ lụy đáng buồn đối với người lao động cũng như chính quyền địa phương.

Chính sự thiếu hiểu biết cùng với cuộc sống nghèo khó, thiếu việc làm đã đẩy những người dân nơi vùng cao vào tình cảnh chấp nhận được thua, bất chấp hiểm nguy luôn rình rập. Điều đó đang đặt ra cho các cấp chính quyền cần có những giải pháp, hướng đi cụ thể để giúp những người dân nơi đây ổn định cuộc sống và bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình nơi đất khách quê người.

Hà Đồng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-cai-bay-o-ben-kia-bien-gioi/