Những cách xử lý hiệu quả ngay khi bị hóc xương cá

Hóc xương cá là tai nạn rất dễ mắc ở cả người lớn và trẻ em khi ăn món ăn liên quan tới loại thực phẩm chính này. Việc chữa hóc xương cá bằng các mẹo dân gian như: nuốt nhiều cơm, nuốt cơm nếp hoặc uống nhiều nước… được nhiều người áp dụng để xử lý, tuy nhiên lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

 Mới đây nhất là vụ việc người đàn ông 47 tuổi ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bị thủng thực quản và niêm mạc do mắc xương cá và xử lý bằng mẹo dân gian

Mới đây nhất là vụ việc người đàn ông 47 tuổi ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bị thủng thực quản và niêm mạc do mắc xương cá và xử lý bằng mẹo dân gian

Cụ thể, ông N.V.Đ bị hóc xương cá tai tượng. Ông Đ không đến bệnh viện ngay mà đã tự chữa tại nhà bằng cách: nuốt nhiều cơm, ăn chuối và nhờ người đẻ ngược dùng tay vuốt họng từ cổ xuống. Tuy nhiên, tình trạng hóc xương không thuyên giảm, sau đó ông Đ đã đến bệnh viện kiểm tra

Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, các bác sĩ đã tiến hành khám, nội soi và lấy ra đoạn xương dài 4cm, một đầu cắm sâu vào thực quản và một đầu xương cắm vào niêm mạc

Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ việc liên quan đến hóc xương cá nhưng lại được xử lý không đúng cách hoặc theo các mẹo truyền miệng trong dân gian

Hóc xương cá có nguyên nhân rất lớn từ việc ăn nhanh, cười đùa, bất cẩn khi ăn. Vị trí dễ mắc kẹt xương nhất đó là ở: họng, thực quản…

Hóc xương cá gây ra cảm giác bị đau và vướng khi nuốt thức ăn, và nếu để lâu sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng

Theo chia sẻ của bác sĩ CKI Nguyễn Thị Diễm, Bệnh viện đa khoa khu vực Cai Lậy trên báo Vietnamnet: bệnh nhân khi bị hóc dị vật không nên giải quyết tại nhà hay chữa bằng mẹo dân gian, vì càng cố gắng nuốt hay vuốt làm dị vật bị đẩy vào vị trí khó lấy

Ngay khi có các dấu hiệu bị hóc xương, cần dừng nuốt ngay lập tức

Việc cố nuốt tiếp các miếng lớn: cơm, cơm nếp… không những không giúp cải thiện được tình trạng mà còn khiến cho xương đâm sâu hơn

Dùng đèn pin soi, nếu thấy xương cá mắc ở những vị trí ngay ngoài, nhìn thấy được thì có thể dùng kẹp y tế để lấy ra

Trong quá trình tiến hành các thao tác lấy xương bị mắc ra, người thực hiện cần làm nhẹ nhàng, tránh các tác động từ bên ngoài gây ảnh hưởng đến vùng họng của người bị hóc xương

Ngoài ra, người bị hóc xương cố gắng nôn ọe để có thể cho mẩu xương hóc ra ngoài

Đối với phương pháp này thì cần thực hiện ngay sau khi hóc xương, càng sớm càng tốt

Tuy nhiên, trong trường hợp mẩu xương có kích thước lớn, khó đưa ra ngoài thì người bị hóc cũng không nên cố gắng khạc quá nhiều, nó sẽ làm tăng nguy cơ gây phù thanh quản

Đồng thời, hạn chế việc dùng tay hoặc các vật dụng khác để lấy xương ra ngoài, bởi việc làm này sẽ khiến cho các mẩu xương trôi vào trong, gây ra các tổn thương

Cách làm tốt nhất trong trường hợp này là đến khám tại bệnh viện, tránh để tình trạng hóc xương quá lâu

Đối với trẻ nhỏ, khi bị hóc xương thường quấy khóc, chính vì vậy, các bậc phụ huynh cũng cần bình tĩnh, dỗ trẻ nín

Sau khi tiến hành lấy xương ở vị trí ngay ngoài, cha mẹ cho bé uống nước để xác nhận việc hóc xương đã được chữa dứt điểm

Nếu trẻ vẫn còn tình trạng la khóc hoặc có biểu hiện đau đớn thì các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời

Nguyễn Minh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/anh-nhung-cach-xu-ly-hieu-qua-ngay-khi-bi-hoc-xuong-ca/851648.antd