Những ca khúc hào hùng của hơn 3.000 ngày toàn quốc kháng chiến

Giống như người chép sử đặc biệt, các nhạc sĩ đã đưa vào ca khúc của mình gần như toàn cảnh cuộc kháng chiến từ Bắc vào Nam, ở khắp các chiến trường.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, giành lại chính quyền chưa được bao lâu, nhân dân ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Từ lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/12/1946, cả Hà Nội sôi sục khí thế “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”, đường phố trở thành chiến lũy, nhà nhà thành pháo đài thép bảo vệ Thủ đô.

Đại đoàn quân ta từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ Đô. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Đại đoàn quân ta từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ Đô. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Không chỉ riêng Hà Nội, các tỉnh thành trong cả nước từ Bình Trị Thiên khói lửa miền Trung đến Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”, quân và dân Việt Nam đã đoàn kết cùng kiên gan trường kỳ kháng chiến. Và 3000 ngày đêm dũng cảm chiến đầu chống quân xâm lược, cả Việt Nam đã làm nên một “Điện Biên chấn động địa cầu”, “Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”- (Tố Hữu).

Và sử ký bằng âm nhạc cách mạng Việt Nam bắt đầu ghi lại 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp bằng những ca khúc sống mãi với thời gian. Giống như người chép sử đặc biệt, các nhạc sĩ đã đưa vào ca khúc của mình gần như toàn cảnh cuộc kháng chiến từ Bắc vào Nam, ở khắp các chiến trường.

Từ sự hung bạo của kẻ thù, bên cạnh đó là những trận đánh mang tính lịch sử của quân và dân ta. Các ca khúc cách mạng đồng hành với bước chân cách mạng, mà cứ mỗi một giai đoạn vẻ vang, chiến đấu và chiến thắng lại được ghi dấu bằng những ca khúc.

Khi toàn quốc kháng chiến có “Nam bộ kháng chiến” (Tạ Thanh Sơn), “Tiếng chuông nhà thờ” (Nguyễn Xuân Khoát); đặc biệt ca khúc “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), có thể xem như một trang sử Hà Nội gồm nhiều chương hào hùng mạnh mẽ như bão tố, bi tráng trong tình yêu tha thiết Thủ đô, Hà Nội thu nhỏ, cô đọng và súc tích trong tác phẩm: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu…”. Câu chuyện về ca khúc này ra đời cũng nhuốm màu sử thi Hà Nội những ngày “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

"Người Hà Nội" - NSND Lê Dung.

Khi chính quyền cách mạng phải rút khỏi Thủ đô, lập chiến khu Việt Bắc, cùng năm ấy, nhạc sĩ Huy Du đã sáng tác ca khúc “Sẽ về Thủ đô” với giai điệu chậm rãi, tình cảm và lãng mạn, ca khúc làm gợi nhớ lại tuổi thơ, tên đường và phố, kỷ niệm cây cầu bên dòng sông Hồng, đã in đậm sâu trong lòng những người lính Hà Nội ở chiến khu, dự đoán sẽ có ngày chiến thắng, được cầm súng trở về giải phóng Thủ đô:

“Ai về Thủ đô tôi gửi vài lời/ Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó/ Đây chợ Đồng Xuân bên dòng Nhị Hà, đi học về qua luôn hát vui ca/ Hoa phượng đỏ vui in đỏ đường dài. Tô đậm lòng tôi năm tháng khôn nguôi… Đô thành kháng chiến, sôi sục phố phường/ Sông Hồng kia dâng sóng cùng quê hương/ Lên đường kháng chiến tiêu diệt quân thù/ Năm cửa ô reo bước quân ca vang/ Ngày mai sẽ về Thủ đô đắp xây chốn xưa”.

Lịch sử chiến tranh của dân tộc ta diễn tiến đến đâu, đều được các nhạc sỹ ký sự bằng âm thanh tới đó. Chùm ca khúc về Sông Lô: “Lô Giang” (Lương Ngọc Trác), “Chiến sỹ Sông Lô” (Nguyễn Đình Phúc), “Sông Lô” (Văn Cao), là một bức tranh diễn tả lại Chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947. Cuốn sử bằng âm thanh ở giai đoạn này càng dầy thêm mãi theo những trận đánh, những chiến dịch chiến thắng oai hùng.

"Sẽ về thủ đô" - NSƯT Quang Lý.

Không chỉ ghi lại những trận chiến mà âm nhạc thời kỳ này còn có nhiều ca khúc vừa trữ tình lãng mạn, vừa diễn tả sự bi tráng của chiến tranh, tình đồng đội đồng chí, tình quân dân thắm thiết nghĩa tình…. “Làng tôi xanh bóng tre/ Từng tiếng chuông ban chiều” – “Làng tôi” (Văn Cao) hay “Làng tôi sau lũy tre mờ xa/ Đồng quê thân thương những nếp nhà” – “Làng tôi” (Hồ Bắc), “Về miền Trung” (Phạm Duy);

“Quê hương anh bộ đội” (Xuân Oanh), “Bộ đội về làng” (Nhạc: Lê Yên - Thơ: Hoàng Trung Thông), “Lên ngàn” (Hoàng Việt), “Đường lên Tây Bắc” (Văn An)… “Niềm thương mến” (Phan Nhân): “Có những phút nằm kề bên nhau/ Nói tâm tình lòng không giấu nhau/ Càng hiểu nhau ta càng thương nhau/ Càng thương nhau chung một mối tình/ Tình đấu tranh giành nước non…”

Có những ca khúc rộn ràng chiến thắng như “Tiểu đoàn 307” (Nguyễn Hữu Trí), nhưng cũng có những ca khúc như những chương sử thi nhiều cảm xúc như những bản tráng ca trữ tình như “Bình Trị Thiên khói lửa” (Nguyễn Văn Thương), “Du kích sông Thao” (Đỗ Nhuận)…

Cuộc kháng chiến chống Pháp tiến gần đến thắng lợi, quân ta chủ động tiến công, Chiến dịch Đông - Xuân 1952 - 1953 mở ra, thì ca khúc “Qua Miền Tây Bắc” (Nguyễn Thành) đã phản ánh một cách sinh động bước chuyển cách mạng ấy: “Qua miền Tây Bắc ta phá đồn giặc tan/ Nương lúa xanh về ta vui sống trong tự do/ Miền rừng núi hướng về Bác Hồ/ Từ đây giải phóng quê nhà/ Chiến thắng miền Tây Bắc hân hoan một niềm vui/ Thoát ách loài giặc tàn ác/ Tay nắm tay vui mừng không phân biệt xuôi ngược/ Cùng dựng xây tươi đẹp nước non nhà”.

"Qua miền Tây Bắc" - Hợp xướng Đoàn ca nhạc đài TNVN.

Từ chiến dịch Biên giới Thu Đông (1950) đến cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân (1953- 1954) và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đó là bước tiến của lịch sử đồng thời cũng là bước tiến của ca khúc cách mạng Việt Nam. Bởi lúc này, trên cơ sở thực tế, bằng những kinh nghiệm sáng tác, qua các loại thể của ca khúc, nhiều nhạc sỹ đã đủ sức để phản ánh sự sống động của lịch sử.

Hòa cùng bước chân hành quân của những Đại đoàn ra mặt trận Điện Biên Phủ, cố Nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã nghe được chiến sỹ tâm sự: “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”... Chỉ thế thôi, với tài năng âm nhạc của mình, ông đã sáng tác ngay ca khúc “Hành quân xa” nổi tiếng: “Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ/ Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/ Mắt ta sáng,chí ta bền, bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi/ Hành quân xa...”

"Hành Quân Xa" - Trọng Tấn.

Vào chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến thật kéo pháo vào rồi kéo pháo ra của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ũng đã được thể hiện sinh động qua ca khúc “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân). Điệu hò hoàn toàn mới, chỉ có trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ghi lại quyết tâm cao hơn núi của bộ đội: “Quyết tâm đưa Pháo vào trận địa để trút lửa xuống đầu quân Pháp ở lòng chảo Mường Thanh...”

Chiến thắng Him Lam, Chiến thắng Điện Biên đã tạo lên kiệt tác âm nhạc về Chiến dịch và Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”... Nhạc sỹ Đỗ Nhuận ghi lại qua “Chiến thắng Điện Biên”. Ca khúc được viết theo dạng ký sự, nhưng có tính khái quát cao. Tác giả đã tạo dựng lên một không khí tưng bừng của ngày giải phóng, mà hầu như ở đây, khó có một loại hình nghệ thuật nào có sức gợi cảm, gợi tả, gợi liên tưởng như ca khúc này.

Cũng như nhiều ca khúc sau này, “Chiến thắng Điện Biên” không chỉ đơn thuần phản ánh thời sự một sự kiện trọng đại lúc bấy giờ, mà nó còn là điểm nhấn quan trọng trong dòng chảy lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. “Chiến thắng Điện Biên” đến như một tất yếu lịch sử: “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa (này) hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui”...

"Chiến Thắng Điện Biên" - Tốp Ca.

Lời hẹn trong ca khúc thời kỳ đầu kháng chiến “Ngày mai sẽ về Thủ đô đắp xây chốn xưa” đã trở thành hiện thực, để đoàn quân cách mạng “Tiến về Hà Nội” (Văn Cao) giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946:

“Lớp lớp đoàn quân tiến về /Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố/… Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về… Là khúc khải hoàn ca chiến thắng. Và những ca khúc của “Toàn quốc kháng chiến” mãi đi cùng năm tháng trong niềm tự hào của dân tộc Việt Nam./.

CTV Hoài Hương/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-ca-khuc-hao-hung-cua-hon-3000-ngay-toan-quoc-khang-chien-578215.vov