Những ca ghép thận hoàn hảo

Không chỉ từng bước làm chủ những kỹ thuật y tế hiện đại, trong đó có kỹ thuật ghép thận, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng luôn tích cực song hành cùng bệnh nhân, chủ động kêu gọi những Mạnh Thường Quân, các tổ chức hảo tâm chung tay giúp đỡ bệnh nhân khốn khó. Nhờ sự quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ kịp thời đó, nhiều bệnh nhân nguy kịch có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đã ổn định sức khỏe, trở về cuộc sống bình thường.

Y bác sỹ BV Đà Nẵng thực hiện phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhân.

Y bác sỹ BV Đà Nẵng thực hiện phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhân.

2 ngày thực hiện 2 ca ghép thận

Chỉ trong vòng 2 ngày cuối tháng 6-2018, BV Đà Nẵng đã thực hiện thành công 2 trường hợp ghép thận. Cả hai bệnh nhân này đều bị suy thận mạn giai đoạn cuối, với triệu chứng khó thở liên tục, thiếu máu, viêm phổi, đang điều trị tích cực bằng kháng sinh và phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần. Và, sau hơn 7 ngày thực hiện kỹ thuật ghép, chức năng thận của hai bệnh nhân đã trở về giống như người bình thường, bệnh nhân khỏe mạnh, ăn uống ngon miệng và không phải chạy thận nhân tạo nữa, sức khỏe bệnh nhân đang trong quá trình hồi phục tốt, chờ ngày xuất viện.

Theo Ths.Bs Đặng Anh Đào - Trưởng khoa Nội thận - Nội tiết (BV Đà Nẵng), ngày 25-6, sau rất nhiều khâu kiểm tra về tình trạng sức khỏe cũng như kiểm tra độ tương thích, hòa hợp về miễn dịch và chỉ số xét nghiệm, Phùng Thị Thu H. (1994, trú P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã được mẹ ruột là bà Nguyễn Thị B. (1974) hiến quả thận để các bác sĩ BV Đà Nẵng tiến hành phẫu thuật, mổ ghép thành công. Đến ngày 26-6, các y bác sỹ BV Đà Nẵng tiếp tục thực hiện thành công ca ghép thận cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối tên Nguyễn Văn C. (1994, trú Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Anh C. được cha ruột hiến thận. Ths.Bs Đặng Anh Đào cho rằng, đối với những trường hợp suy thận giai đoạn cuối như H. và C. thì có các phương pháp điều trị như: ghép thận, chạy thận nhân tạo, lọc màn bùng (thẩm phân phúc mạc). Trong 3 phương pháp này thì phương pháp ghép thận có thể mang lại cho bệnh nhân chất lượng cuộc sống tốt nhất, gần giống như người bình thường.

Ts.Bs Lê Đức Nhân - Giám đốc BV Đà Nẵng cho biết, từ năm 2015 đến nay, BV Đà Nẵng đã thực hiện được 21 ca ghép thận từ người cho sống, dưới sự hỗ trợ ban đầu của các chuyên gia trong và ngoài nước, của BV T.Ư Huế và sau đó là của BV Chợ Rẫy. Và kể từ đầu năm 2018, BV Đà Nẵng đã tự chủ hoàn toàn trong kỹ thuật ghép thận. Qua đó, đã tự tay ghép thành công 5 ca, mở ra một tiền đề và triển vọng mới cho ghép tạng tại TP Đà Nẵng. Điều đặc biệt là hầu như tất cả các ca thực hiện ghép tại BV Đà Nẵng đều không xảy ra biến chứng gì, bệnh nhân đều khỏe mạnh trở về với cuộc sống bình thường. "Ghép thận là một kỹ thuật khó, cần có sự đồng bộ giữa các khoa, phòng và đội ngũ y bác sỹ BV. Bên cạnh đó, kinh phí cho mỗi ca ghép thận là rất cao và việc tìm kiếm nguồn tạng tương thích gặp không ít khó khăn. Lâu nay, đa số nguồn tạng được hiến tặng chủ yếu là từ người thân, anh chị, cha mẹ. Đây là những người sẵn sàng hi sinh một phần cơ thể của mình để san sẻ với người bệnh", Ts.Bs Nhân nói.

Trước nhu cầu ghép tạng, tế bào gốc tại TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận ngày càng cao, BV Đà Nẵng đã có đề án nhằm đẩy mạnh chương trình ghép tạng và tế bào gốc. Đặc biệt mới đây, đề án thành lập Trung tâm ghép tạng và tế bào gốc của BV Đà Nẵng đã được thành phố thông qua. Đây là tiền đề cho sự phát triển ngành ghép thận, tế bào gốc trong tương lai gần và không xa hơn nữa là ghép gan, tim, giác mạc… cho người dân TP Đà Nẵng và các tỉnh trong khu vực.

Theo Ts.Bs Lê Đức Nhân, những người suy thận mạn giai đoạn cuối nhưng không được ghép thận thì cuộc sống của họ sẽ phải gắn liền với bệnh viện, với máy móc và điều này dễ dẫn đến cuộc sống nhàm chán và trầm cảm... Bởi mỗi tuần, họ phải chạy thận nhân tạo từ 2-3 lần. Vậy nhưng, khi những bệnh nhân này được ghép thận thì sẽ khác, họ sẽ có sức khỏe bình thường như những người bình thường khác, có thể học tập, lao động và lấy vợ/chồng để sinh con. Riêng đối với những người hiến thận thì cũng không bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. "Lâu nay nhiều người cứ nghĩ cho thận thì sức khỏe bản thân sẽ yếu kém. Tuy nhiên, điều đó là không chính xác. Bởi, trước khi thực hiện phẫu thuật lấy - ghép, các BS phải thực hiện rất nhiều kỹ thuật y học hiện đại để đánh giá chức năng thận của từng người, phải làm sao khi cắt một quả thận, người cho vẫn có thể đảm bảo sức khỏe như người bình thường đến 98-99%. Và hiện nay, BV Đà Nẵng đã đủ trang thiết bị để tiến hành sàng lọc, chẩn đoán trước khi ghép".

San sẻ yêu thương

Theo Ths.Bs Đặng Anh Đào, điểm đặc biệt của bệnh nhân Phùng Thị Thu H. (1994, trú P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn) là người mẹ tên Nguyễn Thị B. (1974) đủ điều kiện về sức khỏe, hòa hợp về miễn dịch và chỉ số xét nghiệm để có thể chia bớt cho con gái một quả thận. Tuy nhiên, chi phí cấy ghép và hậu phẫu quá cao so với hoàn cảnh gia đình. Để chuẩn bị cho việc ghép thận, H. và mẹ đã làm hàng trăm xét nghiệm trong gần 1 năm qua. Hơn 3 năm mắc bệnh, H. có đến 2 năm phải nằm viện thường xuyên để điều trị và chạy thận nhân tạo. Bà B. cũng bỏ cả công việc phụ hồ để chăm con. Mọi chi phí gia đình dồn hết cả lên vai người bố đang làm phụ hồ. Trong khi món nợ hơn 30 triệu đồng từ những lần đưa H. đi cấp cứu chưa thể trả nổi, thì chi phí ghép thận gần 200 triệu đồng thực sự trở thành nỗi ám ảnh với cả gia đình. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, Ban Giám đốc BV Đà Nẵng đã tìm mọi cách để kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm, Mạnh Thường Quân chung tay hỗ trợ kinh phí, giúp đỡ mẹ con H. thực hiện ca ghép thận. Và chỉ trong một thời gian ngắn, BV Đà Nẵng và những tấm lòng hảo tâm đã ủng hộ mẹ con H. số tiền hơn 200 triệu đồng. Ngày 25-6, ca cho - nhận thận giữa mẹ con H. đã được các bác sỹ BV Đà Nẵng thực hiện thành công tốt đẹp.

Ts.Bs Lê Đức Nhân cho hay, đối với các BV khác trong cả nước, chi phí cho một ca ghép thận khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi ca ghép thận được thực hiện tại BV Đà Nẵng chỉ dao động từ 150- 200 triệu đồng. Và trong gần 200 triệu này thì đã được BHYT chi trả một phần, số còn lại được các Mạnh Thường Quân, tổ chức hảo tâm và lãnh đạo BV hỗ trợ, giúp đỡ. Một điều đáng nói nữa là tất cả y bác sỹ BV Đà Nẵng khi thực hiện ca ghép thận đều không nhận bất cứ đồng tiền công nào, hầu như miễn phí hoàn toàn cho bệnh nhân. Ngoài ra, BV Đà Nẵng còn hỗ trợ ăn uống, chi phí cho nhiều kỹ thuật khác thậm chí số tiền ngoài viện.

"Lâu nay, người được nhận thận thì được BHYT thanh toán một phần. Tuy nhiên, những người hiến thận thì gần như không được BHYT thanh toán đồng nào. Chính vì vậy, Ban Giám đốc BV Đà Nẵng đã tìm những nguồn từ những Mạnh Thường Quân để chi trả toàn bộ chi phí cho những người hiến tặng. Trung bình mỗi ca phẫu thuật lấy thận chi phí khoảng từ 20-22 triệu đồng. Trong 21 ca ghép thận trong thời gian qua, tất cả đều được BV Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí phần lớn, bệnh nhân chỉ đồng chi trả một phần còn lại cùng BHYT. Ở nhiều trường hợp gần như không có đồng nào, BV phải liên hệ để được hỗ trợ, giúp đỡ toàn bộ từ chi phí điều trị, xét nghiệm, phẫu thuật đến ăn uống… Tất cả những khoản ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân từ thiện đều được BV Đà Nẵng chuyển đến đúng địa chỉ, từng hoàn cảnh khó khăn cụ thể và hiệu quả cuối cùng của những đồng tiền đó là bệnh nhân đã trở về với cuộc sống bình thường", Ts.Bs Lê Đức Nhân chia sẻ.

LÊ HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_191838_nhung-ca-ghep-than-hoan-hao.aspx