Những bước đi đúng hướng

Tại Diễn đàn An sinh xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA) tổ chức mới đây tại Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a), sáng kiến 'Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám định và thanh toán BHYT' của BHXH Việt Nam đã được Hội đồng ISSA trao Giải thưởng đặc biệt.

Giải thưởng này không chỉ ghi nhận những nỗ lực của BHXH Việt Nam cũng như tính hiệu quả giải pháp này mang lại trong thực tế, mà còn cho thấy rõ hơn sự quan tâm của ISSA đối với vấn đề hiện đại hóa công tác quản lý, thực hiện chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Không phải tới khi Diễn đàn lần này được tổ chức, mà trước đó ISSA đã cho rằng, chuyển đổi công nghệ là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay cũng như trong tương lai, đối với các tổ chức an sinh xã hội trên toàn thế giới. Đó không chỉ là đòi hỏi khách quan từ xu thế phát triển chung của thế giới mà các tổ chức an sinh xã hội không thể đứng “ngoài cuộc”, điều này còn là yêu cầu nội tại từ chính quá trình phát triển của mỗi tổ chức, khi diện bao phủ an sinh xã hội không ngừng được mở rộng; yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ được đặt ra ngày càng cao… Với những yêu cầu đó, theo ISSA, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) phải được xem là giải pháp chiến lược để các tổ chức an sinh xã hội đáp ứng các biến đổi và thách thức xã hội; đồng thời cải thiện hiệu suất và chất lượng dịch vụ an sinh xã hội.

Có thể thấy, những nhận định, dự báo của ISSA cũng như các tổ chức quốc tế liên quan hoàn toàn “trùng khớp” với mối quan tâm của Việt Nam trong lĩnh vực này. Thậm chí, vấn đề này đã được luật hóa ngay từ năm 2014 (Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định, Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để quản lý, thực hiện BHXH; đến năm 2020, hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH trong phạm vi cả nước).

Bám sát mục tiêu này, trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và đến nay đã bao phủ hầu hết các hoạt động nghiệp vụ. Trong đó, đã xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ gia đình và đồng bộ hóa với dữ liệu thu, hoàn thiện cấp mã số định danh để thống nhất mã số sổ BHXH, thẻ BHYT cho từng cá nhân; thiết lập Hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối, liên thông dữ liệu với gần như toàn bộ cơ sở y tế ở các tuyến trên phạm vi toàn quốc phục vụ công tác giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT; thực hiện giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; số hóa hồ sơ lưu trữ; xây dựng hệ thống “Một cửa” điện tử tập trung để theo dõi trực tuyến tình hình giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng hệ thống trao đổi, tích hợp thông tin thống nhất, tạo môi trường làm việc điện tử thông suốt trong nội bộ ngành BHXH cũng như kết nối với các ngành có liên quan..., cơ bản đạt mục tiêu hiện đại hóa quản lý BHXH vào năm 2018. Cùng với đó, BHXH Việt Nam thường xuyên rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của ngành; rút ngắn thời gian thực hiện nhiều thủ tục liên quan giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho người lao động; đến hết tháng 8-2018, BHXH Việt Nam đã cung cấp 23 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4...

Những nỗ lực trên đã giúp BHXH giải tỏa được sức ép công việc ngày càng tăng, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng; được Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và người dân ghi nhận. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng để BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ về hiện đại hóa đã được xác định tại Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH cũng như Chương trình hành động của Chính phủ, từ đó nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi…, góp phần hoàn thành mục tiêu cao nhất là BHXH và BHYT toàn dân.

ĐỨC ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/37993602-nhung-buoc-di-dung-huong.html