Những bước chậm của ngành hội chợ triển lãm

Ngoài vai trò tiếp thị, quảng bá sản phẩm, hoạt động hội chợ triển lãm còn thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư cũng như phát triển nhiều dịch vụ khác. Thế nhưng chuyển động của ngành công nghiệp hội chợ triển lãm để phục vụ các mục tiêu vừa nêu dường như vẫn còn quá chậm chạp.

Triển lãm hội chợ không chỉ là hoạt động quảng bá sản phẩm hay cầu nối xúc tiến thương mại mà còn là kênh thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư và phát triển các ngành dịch vụ khác. Ảnh: Quốc Hùng

Tối đa chỉ 30.000 mét vuông mặt bằng triển lãm

Năm ngoái, lần đầu Đài Loan tổ chức triển lãm Taiwan Expo 2017 tại Việt Nam đã thu hút hơn 24.000 lượt khách tham quan, mua sắm với tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 27 triệu đô la Mỹ. Theo cơ quan phát triển ngoại thương Đài Loan (Taitra), kết quả này rất ấn tượng và sau đó có nhiều doanh nghiệp ở Đài Loan muốn tham gia ở lần thứ hai. Tiếc là tại Taiwan Expo 2018 diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, mặt bằng tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC) chỉ đáp ứng được khoảng 250 gian hàng của gần 200 doanh nghiệp. Ông James C.F Huang, Chủ tịch Taitra, bày tỏ sự tiếc nuối khi còn nhiều doanh nghiệp muốn tham gia mà không còn chỗ.

Đại diện đối tác Việt Nam tổ chức sự kiện này, Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại Vinexad, cho biết không chỉ riêng Taiwan Expo mà nhiều đối tác nước ngoài khác cũng gặp khó khăn về mặt bằng khi tổ chức hội chợ triển lãm tại Việt Nam. Hiện SECC là trung tâm triển lãm hiện đại và quy mô nhất cả nước nhưng luôn luôn quá tải. Những năm qua, mọi cuộc triển lãm về máy móc công nghiệp, dệt may, da giày, thực phẩm… đều thiếu không gian, nhất là các triển lãm của ngành ô tô, vật liệu xây dựng hay đồ gỗ càng bị thiếu mặt bằng hơn nữa. Ban tổ chức Triển lãm quốc tế ngành thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (VIFA Expo 2018 diễn ra hồi tháng 3 vừa qua) cho biết dù họ đã tận dụng mọi diện tích bên trong và bên ngoài khu triển lãm SECC thì tổng mặt bằng cũng chỉ khoảng 30.000 mét vuông, đáp ứng chưa tới 2.000 gian hàng.

Từ nhiều năm qua, các đơn vị tổ chức hội chợ triển lãm đã phải tìm đến mặt bằng của các nhà thi đấu, sân vận động, công viên..., nhưng mặt bằng những nơi này vốn không chuyên dùng cho hoạt động triển lãm, hội chợ nên công việc tổ chức cũng như sự tham gia của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện.

Trước đây, trên địa bàn quận Tân Bình (TPHCM) có Trung tâm Triển lãm Tân Bình (TBECC) từng quen thuộc với nhiều doanh nghiệp và khách tham quan. Nhưng nơi này đã được thay đổi công năng từ năm 2016 và mọi sự kiện hội chợ, triển lãm lớn nhỏ của mọi ngành nghề đều đổ dồn về SECC. Lịch hoạt động tại SECC luôn chật kín. Các đơn vị tổ chức những triển lãm định kỳ đều phải đăng ký thuê chỗ trước 3-4 năm dù chưa biết lượng doanh nghiệp tham gia như thế nào.

Theo vị đại diện Vinexad, trong tiến trình hội nhập sâu rộng với thế giới, Việt Nam đang thu hút khá nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài muốn đến Việt Nam để xúc tiến thương mại, tìm cơ hội kinh doanh. Từ nhiều năm nay, TPHCM có kế hoạch mở rộng SECC nhưng cho đến nay tình trạng vẫn không thay đổi so với lúc bắt đầu hoạt động cách nay đã hơn chín năm. Thành phố cũng có một dự án đầu tư thêm một trung tâm triển lãm tiêu chuẩn quốc tế trên địa bàn quận 2 nhưng cũng chưa rõ khi nào mới hoàn thành.

Không riêng TPHCM mà Hà Nội cũng tương tự. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA) luôn mong muốn tổ chức hội chợ triển lãm ngành ô tô định kỳ hàng năm xen kẽ giữa TPHCM và Hà Nội. Nhưng từ hai năm nay, Trung tâm Triển lãm Giảng Võ rộng 7 héc ta ở Hà Nội đã không còn cho thuê mặt bằng (để chuyển mục đích sử dụng) nên các hãng xe và nhà tổ chức triển lãm buộc phải liên tục chọn SECC ở TPHCM. Người dân thủ đô vì vậy không còn cơ hội chiêm ngưỡng các mẫu xe mới. Lãnh đạo VAMA cho biết họ rất lấy làm tiếc và mong chờ Hà Nội sớm có trung tâm triển lãm hiện đại có thể đáp ứng yêu cầu của một cuộc triển lãm lớn.

Được biết Hà Nội sẽ thay thế Trung tâm Giảng Võ bằng một trung tâm triển lãm đẳng cấp quốc tế ở Cổ Loa nhưng cũng chưa rõ khi nào sẽ đi vào hoạt động.

Không chỉ là xúc tiến thương mại!

Theo các chuyên gia, triển lãm hội chợ không chỉ là hoạt động quảng bá sản phẩm hay cầu nối xúc tiến thương mại mà còn là kênh thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư và phát triển các ngành dịch vụ khác. Nơi đăng cai triển lãm sẽ có cơ hội quảng bá hình ảnh địa phương và đất nước với thế giới. Việt Nam hiện đang được xem là điểm đến mới mẻ của nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhưng sự phát triển ngành công nghiệp triển lãm nói chung rất chậm.

Theo một vị có thâm niên trong ngành, tại các sự kiện triển lãm quốc tế ở TPHCM, thông thường có khoảng 60-75% (trong số 400-500 doanh nghiệp tham gia) là doanh nghiệp đến từ nước ngoài. Tính trung bình mỗi doanh nghiệp cần đem theo 2-3 nhân sự thì đã có tới hàng trăm lượt khách đi lại bằng đường hàng không, lưu trú ở khách sạn và chi tiêu trong kỳ công tác. Có nhiều khi, họ lưu trú còn dài hơn, chi tiêu nhiều hơn do nhu cầu khảo sát thị trường hoặc kết hợp du lịch.

Đáng chú ý là hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sản phẩm và tìm cơ hội hợp tác kinh doanh tại các kỳ hội chợ triển lãm, kéo theo lợi ích cho các ngành giao thông, lưu trú, dịch vụ và du lịch. Họ cũng sẽ là những “sứ giả” giới thiệu địa phương, đất nước - nơi diễn ra triển lãm với đất nước họ và với thế giới. Chỉ bấy nhiêu cũng cho thấy tầm quan trọng của việc cần thúc đẩy công nghiệp triển lãm. Vấn đề là nơi tổ chức phải đầy đủ tiện nghi, văn minh và có sức thu hút khách tham quan.

Các cuộc triển lãm còn là cơ hội thu hút đầu tư cho đất nước. Với cái nhìn của người có kinh nghiệm hơn 15 năm trong lĩnh vực tổ chức các triển lãm công nghiệp lớn, ông B.T.Tee, Tổng giám đốc UBM Vietnam, cho rằng Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp thế giới nhờ tốc độ phát triển kinh tế cao cùng sự tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước. Những doanh nghiệp tham gia triển lãm một khi đã nhìn thấy thị trường có tiềm năng thì họ sẽ xem xét đến việc đầu tư. “Chúng tôi nhận thấy sau lần đầu họ đến để tham gia triển lãm thì lần thứ hai họ sẽ đến với vai trò nhà đầu tư. Nếu TPHCM có được không gian tổ chức hội chợ triển lãm mang tầm cỡ quốc tế, việc thu hút và giữ chân nhà đầu tư sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn”, ông chia sẻ.

Theo ông B.T.Tee, một trung tâm kinh tế như TPHCM nên có ít nhất hai trung tâm triển lãm tầm cỡ quốc tế. Ông nói: “Những trung tâm triển lãm lớn sẽ tạo ra sự cạnh tranh và cạnh tranh bao giờ cũng tốt bởi nó giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp”. Ông cho biết trong khu vực Đông Nam Á, Kuala Lumpur của Malaysia có hai trung tâm triển lãm lớn; Singapore có ba trung tâm và mỗi trung tâm rộng hơn 100.000 mét vuông; trung tâm triển lãm ở Thái Lan còn lớn gấp đôi… Ngành công nghiệp triển lãm đã giúp các nước này hái ra tiền. Các đơn vị tham gia triển lãm và khách tham quan chi hàng tỉ đô la Mỹ cho các hội chợ, triển lãm hàng năm ở các nước này và hiệu quả kinh tế mang lại cho họ cao gấp bội.

Quốc Hùng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279145/nhung-buoc-cham-cua-nganh-hoi-cho-trien-lam-.html