Những bức tượng phồn thực ở đồng xanh

Khu vực trưng bày tượng.

Khu vực trưng bày tượng.

Tôi đã từng phóng xe máy len lỏi vào tận những cánh rừng ở Đắk Lắk, Gia Lai để tìm gặp những khu nhà mồ Tây Nguyên. Đó là những khu nhà mồ dọc theo đường đi Buôn Đôn, đi trên cung đường Buôn Ma Thuột- Đà Lạt và len vào Chư Păh hoặc nhiều nơi khác. Tôi cũng tìm cho bằng được khu nhà mồ của vua voi N'Thu K'Nul và sau này, một khu lăng mộ của ông được dựng lên sát cạnh Buôn Đôn. Trong những lần đi như thế, tôi men theo những con đường mòn rẽ xuống sông Sê Rê Pốk, nơi có những bãi tắm để những người trong bun làng tắm giặt hoặc lấy nước. Đặc biệt, ở các khu rừng Tây Nguyên có một loài cây tươi tốt bốn mùa, lá rất to là cây Giá tị làm tôi chú ý. Những lần đến các khu nhà mồ, tôi cũng đã được chứng kiến các lễ chôn người chết và lễ bỏ mả (sau lễ là bỏ cái mộ luôn, để cho người chết đầu thai). Và tôi cũng đã dừng lại rất lâu ở các tượng nhà mồ, thường tạc bằng gỗ với những nhát dao rất thuần thục, tạo ra nhiều dạng tượng người, tượng thú theo cảm nhận của nghệ nhân. Trong những khu nhà mồ đó, có những pho tượng, nhưng chỉ dừng lại ở góc độ minh họa, không tạo cảm giác và thiếu vắng cái hồn tượng. Bức tượng theo thời gian bị hư hại, sau lễ bỏ mả lần lượt bị vùi lấp trong cỏ cây sau vài cơn mưa. Sau này, nhiều khu nhà mồ đã bắt đầu xây mộ bằng xi-măng cho người chết, nhưng vẫn để lại các chum vại và vẫn có tượng nhà mồ.

Các tượng nhà mồ là một phần của văn hóa Tây Nguyên, vì thế trong nhiều năm trước đây, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức tạc tượng nhà mồ do chính các nghệ nhân chuyện tạc tượng tạo ra, nhằm bảo tồn nghệ thuật tượng nhà mồ Tây Nguyên có nguy cơ bị mai một.

Tuy nhiên, với sức hút của vẻ đẹp tượng nhà mồ, rất nhiều điểm du lịch đã tạo ra không gian tượng. Một vườn tượng để lại dấu ấn và chính tôi đã bị thu hút, ghé tới đây mỗi lần đi Pleikulà vườn tượng sinh tồn, hay còn gọi là phồn thực ở khuôn viên Khu du lịch Đồng Xanh, cách thành phố Pleiku chừng 10km đi về hướng Quy Nhơn trên Quốc lộ 19. Đây không phải lần đầu tôi tới, nhưng lần nào cũng vậy, không thể nào không ngắm nhìn những bức tượng rất có hồn, được chính những nghệ nhân tạc tượng nhà mồ ở vùng đất Tây Nguyên tạo nên. Nếu ai chưa từng đi sâu vào các khu nhà mồ, chỉ là lần đầu chạm gặp các tượng phồn thực hay còn gọi là sinh tồn ở nơi này, sẽ có cảm giác như có một điều gì đó ái ngại, nhưng thực ra, đó là cách diễn tả sinh hoạt cuộc sống trai gái, vợ chồng. Sự tồn tại và tái sinh của con người đời đời kiếp kiếp. Việc gây dựng nòi giống ấy cũng đã được tạc tượng ở một số nơi. Theo Công viên Đồng Xanh thì các tượng nhà mồ đặt tại khu vườn tượng Tây Nguyên tại đây căn cứ vào tượng có thực hiện đang tồn tại trong đời sống các dân tộc ở Bắc Tây Nguyên và được nhiều công trình nghiên cứu đã in ấn, phát hành rộng rãi trong cả nước. Đây là việc làm phù hợp với thực tế nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc Bắc Tây Nguyên, đồng thời tạo nên một sản phẩm du lịch đặc trưng của Gia Lai.

Thật là thú vị với hình tượng nam và nữ với nhiều tư thế, nhiều hoàn cảnh trong cuộc sống hối hả nhằm bảo tồn nòi giống từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tận nhìn sự biểu cảm của từng gương mặt và cách tạo dáng của từng tư thế, đã mô tả nên một không gian sinh động của những bức tượng nhà mồ. Các tượng sinh tồn là tượng cổ nhất, nó thể hiện sự tái sinh hay sinh thành ra con người. Trong nhóm tượng này có nhiều nội dung khác nhau: Cặp đôi nam nữ giao phối, nam nữ khoe bộ phận sinh dục... Nhìn không hề thấy cảm giác khó chịu, mà ở đó đã nâng lên một vẻ đẹp rất riêng khi những khối gỗ vô tri đã được búa rìu tạc cho một đời sống khác.

Dẫu ngày mưa hay nắng, ghé vào khu vực tượng nhà mồ phồn thực ở Đồng Xanh, luôn là những bước chân chậm lại để tận ngắm.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_233638_nhung-buc-tuong-phon-thuc-o-dong-xanh.aspx