Những bức tường ngăn cách trong lịch sử nhân loại

Trong chiến dịch vận động tranh cử 2016, ông Donald Trump cam kết xây dựng một bức tường biên giới ngăn cách Mỹ và Mexico và để cho Mexico chi trả chi phí xây dựng. Một số thiết kế đã được tiết lộ song hiện thời vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc bức tường biên giới của ông Trump sẽ được lấy từ khoản ngân sách nào và được quản lý ra sao.

Vài năm trước khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, nhà văn khoa học giả tưởng Tom Disch đã hình dung ra một bức tường khổng lồ được xây dựng dọc biên giới Mỹ-Canada và sau đó nó biến thành bảo tàng nghệ thuật ngoài trời khổng lồ. Trước khi có bức tường của ông Trump, trên thế giới đã có nhiều bức tường ngăn cách khác.

Được khởi công xây dựng từ năm 481 trước Công nguyên, Vạn lý trường thành dài trên 4.000 dặm của Trung Quốc dùng để đánh dấu ranh giới giữa nước này và các bộ tộc khác phía bên kia bức tường. Nhưng, trên thực tế, bức tường thành này không mấy tác dụng trong vai trò làm rào chắn hay phòng thủ mà đúng hơn chỉ đóng vai trò biểu tượng về sắc tộc và văn hóa. Đó là lý do mà kể từ năm 1949, chính quyền Bắc Kinh quyết định bảo tồn bức tường lịch sử như là di tích văn hóa.

Bức tường Berlin ngăn cách Đông – Tây.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, CHDC Đức bắt đầu xây dựng Bức tường Berlin từ tháng 8-1961 nhằm mục đích ngăn chặn làn sóng di dân ồ ạt từ đông sang tây, và trong suốt 3 thập niên sau đó bức tường tiếp tục được gia cố. Hàng trăm người đã thiệt mạng khi cố tìm cách vượt qua công trình kéo dài 96 dặm chia cách 2 phần đông và tây thành phố Berlin.

Bức tường Berlin nhanh chóng là nguồn cảm hứng cho một số bộ phim phim tình báo nổi tiếng: “The Spy Who Came in from the Cold” (Điệp viên đến từ giá lạnh) của John Le Carre (năm 1965) cho đến “Bridge of Spies” (Cây cầu điệp viên) của Steven Spielberg (2015). Trong bài diễn văn đọc tại Berlin năm 1987, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan “phá bỏ bức tường” và từ đó dẫn đến sự chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Đến năm 1989, người dân Berlin bắt đầu phá bỏ bức tường vốn đã chia cắt thành phố trong suốt 28 năm.

Năm 2000, Chính phủ Israel bắt đầu đề xuất xây dựng công trình gọi là “hàng rào an ninh” - mà tránh dùng chữ “bức tường” - nhằm đối phó với làn sóng bạo lực đang tăng của người Palestine ở Bờ Tây, Intifada (cuộc nổi dậy của người Palestine chống Israel) lần thứ 2 đồng thời chia cắt người dân Palestine khỏi khu vực dành riêng cho Israel. Thế nhưng, dự án này - ước tính kéo dài 708 km sau khi hoàn thành - đã liên tục vấp phải thách thức trong vấn đề luật pháp quốc tế và nó cũng trở thành đề tài cho bộ phim tài liệu “Wall” (Bức tường, năm 2004) của Simone Bitton.

Bộ phim “World War Z” (Chiến tranh Thế giới lần Z, năm 2013) cũng lấy cảm hứng từ “rào chắn” của Israel với các chốt kiểm soát quân sự nhưng nó được xây dựng nhằm đối phó vụ bùng phát virus xác sống. Ngoài mục đích làm rào chắn, các bức tường cũng được dùng làm nền cho những bức vẽ graffiti. Banksy - một trong những nghệ sĩ graffiti nổi tiếng nhất trong thời đại chúng ta - tạo dựng nên sự nghiệp từ việc vẽ những tác phẩm hội họa đậm chất chống đối lên những bức tường ngăn cách.

Hàng rào an ninh của Israel.

Năm 2004, Ấn Độ hoàn thành hàng rào laser kéo dài 340 dặm dọc theo Đường kiểm soát ở khu vực có tranh chấp, nhằm phân chia lãnh thổ giữa Ấn Độ và Pakistan.

Cuộc khủng hoảng người tỵ nạn kể từ sau khi Libya và Syria rơi vào nội chiến cũng dẫn tới việc hình thành những hàng rào bảo vệ biên giới châu Âu - từ hàng rào Tây Ban Nha quanh cảng Melilla tại Morocco cho đến những hàng rào khác nhau được Chính phủ Hungary dựng lên trong khoảng 2 năm 2015 và 2016. Nhưng bất chấp những bức tường được dựng lên, hàng triệu người tỵ nạn vẫn vượt qua được thông qua hành trình đầy gian nan, nguy hiểm.

Hãy nhìn lại lịch sử Bức tường Trump: ban đầu bức tường ngăn cách Mỹ và Mexico được dựng lên theo một thỏa thuận ký năm 1848, và lúc đó nó chỉ là những đống đá chồng lên nhau với một số ít các ngọn tháp chồng lên từ cẩm thạch. Hàng rào thực sự đầu tiên được dựng lên là vào năm 1945 nhằm kiểm soát lượng lớn người qua lại ranh giới giữa 2 thành phố Tijuana và Ciudad Juarez nằm ở miền bắc Mexico.

Bức tường trong Bộ phim “World War Z”.

Việc xây dựng đường biên giới trên thực địa được mở rộng, triển khai trên quy mô lớn sau khi chính quyền thành lập Bộ An ninh Nội địa (DHS) và đưa ra “Sáng kiến Biên giới an toàn” vào năm 2005. Kể từ đó, hơn 650 dặm hàng rào được dựng lên dưới thời các tổng thống của cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ. Tất nhiên, giới chuyên gia an ninh nhận định rằng những bước tường thực ra chỉ là những rào cản vô dụng và ngày càng trở nên lỗi thời trước các công nghệ mới như máy bay không người lái.

Duy Minh (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nhung-buc-tuong-ngan-cach-trong-lich-su-nhan-loai-492975/