Những bức hình ám ảnh về đại dịch cúm năm 1918 ở Mỹ: Liệu lịch sử có lặp lại?

Những hậu quả nặng nề mà COVID-19 gây ra cho nhân loại khiến nhiều người không khỏi rùng mình ớn lạnh vì gợi nhớ đến tình cảnh điêu tàn trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.

Chỉ trong thời gian ngắn, virus cúm Tây Ban Nha đã lây nhiễm cho khoảng 500 triệu người, tức 1/3 dân số toàn cầu lúc bấy giờ, đồng thời cướp đi mạng sống của hơn 50 triệu người, chỉ riêng nước Mỹ đã có 675.000 người chết. Bùng phát tại thời điểm Chiến tranh thế giới thứ nhất đang dần đến hồi kết, nền kinh tế chưa kịp phục hồi, hệ thống y tế lạc hậu và dòng người di chuyển hỗn độn, xô bồ, chính phủ các nước lại dồn toàn lực tập trung cho quân đội, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã khiến toàn thế giới chịu tổn thất nặng nề.

Binh sĩ được cách ly chờ hồi phục sau khi mắc cúm Tây Ban Nha tại một doanh trại ở Kansas, năm 1918.

Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC), tính đến nay, dịch cúm năm 1918 là đại dịch gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử. “Virus cúm Tây Ban Nha là một nhóm nhỏ của virus H1N1 có nguồn gốc từ chim. Dù còn một số luồng ý kiến trái chiều về nơi phát tán virus, song chúng đã lây lan với tốc độ chóng mặt trên toàn cầu trong giai đoạn 1918 - 1919. Ở Mỹ, chủng virus này lần đầu được phát hiện trong quân đội vào mùa xuân năm 1918”, CDC cho biết.

Các thành viên Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ chuyển thi thể bệnh nhân cúm Tây Ban Nha ra khỏi một căn nhà vào năm 1918.

Những bệnh nhân trong độ tuổi dưới 5, từ 20 đến 40 tuổi và trên 65 tuổi là đối tượng có nguy cơ tử vong cao nhất vì căn bệnh này. “Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa COVID-19 và cúm Tây Ban Nha chính là bệnh cúm năm 1918 chủ yếu nhắm vào những bệnh nhân trẻ, đương độ khỏe mạnh”, trích lời John Barry, tác giả quyển sách The Great Influenza: The Story of the Deadliest Pandemic in History (tạm dịch: “Đại dịch cúm: Câu chuyện về dịch bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử”). “Có đến 2/3 số người chết là những bệnh nhân tuổi từ 18 đến 45”.

Tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ.

Bệnh nhân được điều trị tại trạm quân y Hoa Kỳ ở Aix-les-Bains, Pháp.

Barry tin rằng giãn cách xã hội là chiến thuật hữu hiệu để chống lại COVID-19, song chỉ khi được thực hiện sớm và duy trì trong thời gian nhất định. Dữ liệu của cơ quan y tế đã cho thấy những người trẻ tuổi cũng không phải là “bất khả chiến bại” khi đối diện với sự nguy hiểm của dịch bệnh, bất kể đó là cúm Tây Ban Nha hay COVID-19. Bằng chứng là tính đến ngày 21/4, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã hơn 2,5 triệu, trong đó hơn 170.000 ca tử vong.

Các thành viên của Ủy ban cộng đồng đang làm khẩu trang chống lây lan virus tại San Francisco, California, năm 1918.

Tại Mỹ, ổ dịch lớn nhất thế giới hiện tại, số ca mắc COVID-19 tính đến ngày 21/4 đã tăng vọt lên tới hơn 810.000 người và hơn 45.000 ca tử vong. Đến thời điểm này, khoảng 95% dân số Mỹ vẫn phải chấp hành lệnh cách ly xã hội do chính phủ ban hành. Alex Navarro, trợ lý giám đốc của Trung tâm Lịch sử Y học tại Đại học Michigan, chia sẻ với tờ Los Angeles Times: “Đại dịch năm 1918 đã dạy chúng ta bài học quan trọng - phải duy trì các biện pháp can thiệp càng lâu càng tốt. Bởi một khi những chính sách kiểm soát dịch bệnh đã bị hủy bỏ, rất khó để khôi phục chúng”.

Một nhân viên y tế công cộng ở Anh mang theo dụng cụ phun thuốc chống cúm lên xe bus.

Một y tá kiểm tra cho bệnh nhân tại Bệnh viện Walter Reed, năm 1918.

Sau khi phân tích bệnh dịch năm 1918, CDC và Trung tâm Lịch sử Y học đã nhận ra mối liên hệ chặt chẽ giữa áp dụng sớm, duy trì và hoạch định các biện pháp can thiệp phi dược phẩm và việc giảm thiểu hậu quả của dịch bệnh. Nicholas Jewell, nhà nghiên cứu sinh học của UC Berkeley, đã cùng con gái Britta, một nhà dịch tễ học, tìm hiểu về những lợi ích của việc tự cách ly sớm trong thời điểm đại dịch bùng phát. Theo kết quả dự đoán, nếu các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng sớm hơn một tuần, số ca tử vong trên toàn nước Mỹ sẽ giảm đi khoảng 40.000.

Người đàn ông phát khẩu trang ở San Francisco, California, năm 1918.

Nhiều chuyên gia, bao gồm cả Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, cũng cảnh báo nguy cơ tổn thất hàng trăm nghìn mạng sống nếu chính phủ nóng vội dỡ bỏ lệnh giãn cách. Tình trạng người mắc cúm Tây Ban Nha tăng vọt sau khi chính quyền San Fransisco hủy lệnh cách ly quá sớm chính là ví dụ điển hình. Từ quang cảnh vui mừng khi thành phố dần sạch bóng virus, quyết định sai lầm này đã châm ngòi cho đợt bùng nổ đại dịch thứ hai, dẫn đến cái chết của hàng chục nghìn người. Philadelphia và Pennsylvania cũng rơi vào thảm kịch tương tự sau cuộc diễu hành Liberty Loan diễn ra vào ngày 28/9/1918.

Một cảnh sát Mỹ đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm virus.

Nhân viên nâng cáng trước xe cấp cứu, chờ tiếp nhận bệnh nhân tại St. Louis.

Tiến sĩ Mike Osterholm, giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách ở Đại học Minnesota, tin rằng nước Mỹ đã rút kinh nghiệm từ bài học đau thương về dịch cúm năm 1918 trong quá khứ. “Điều khiến tôi lo ngại là đại dịch năm 1918 kéo dài gần hai năm. Đối chiếu với hiện tại, chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu trong cuộc chiến với dịch bệnh”, ông nói.

Bản hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng, phòng tránh lây nhiễm virus cúm được ban hành với ảnh một người phụ nữ đeo khẩu trang.

Hai bệnh nhân được đặt nằm ngược hướng với nhau, tránh để hơi thở người này phả lên mặt người kia.

COVID-19 và dịch cúm Tây Ban Nha đều chưa có vaccine điều trị, khiến đội ngũ y bác sĩ gặp nhiều khó khăn trong công tác khám chữa bệnh, gia tăng áp lực cho hệ thống y tế. Thậm chí, vào năm 1918, mọi người còn không biết dịch cúm “sát thủ” khiến họ sợ hãi là do virus gây ra.

Người dân nghe nhân viên y tế phổ cập thông tin về dịch bệnh ở San Francisco, California năm 1918.

Các y tá chăm sóc cho bệnh nhân cúm Tây Ban Nha trong lều trại ở Massachusetts, năm 1918.

Cho đến nay, những bức hình ám ảnh ghi lại cuộc sống của mọi người thời đại dịch năm 1918 vẫn được lưu giữ như một lời cảnh báo cho thế hệ sau. Ai nấy đều đeo khẩu trang, dựng lều khám bệnh dã chiến ngoài trời và vận dụng những biện pháp tương tự như chúng ta hiện nay để chống lại kẻ thù vô hình đang rình rập. Giờ đây, thảm kịch năm xưa lại có xu hướng tái diễn khi con người bị đặt vào thế đối đầu với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiệm vụ của chúng ta là không để lịch sử có cơ hội lặp lại.

Một người đưa thư đeo khẩu trang ở thành phố New York, mùa thu năm 1918.

Trong lúc chính phủ Mỹ đắn đo về thời gian hủy lệnh giãn cách xã hội, Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia, đề nghị nước này nên tăng tốc độ xét nghiệm lên gấp 3 lần hiện tại để xác định được mức độ lây lan khủng khiếp của COVID-19. “Cơ quan y tế chỉ thực hiện 1,5 - 2 triệu ca xét nghiệm mỗi tuần”, ông nói. “Chúng ta cần tăng tốc lên ít nhất gấp 2, 3 lần như thế”.

Nhân viên Hội Chữ thập đỏ bán khẩu trang chống dịch ở San Francisco, California, năm 1918.

Dòng người xếp hàng chờ lấy khẩu trang ở San Francisco, California năm 1918.

Thanh Vân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-gioi/nhung-buc-hinh-am-anh-ve-dai-dich-cum-nam-1918-o-my-7379111.html