Những bức ảnh mang dấu chân Người

Triển lãm 'Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào Thi đua yêu nước' tại Bảo tàng Hồ Chí Minh nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi 'Thi đua ái quốc'. Đằng sau mỗi bức ảnh, hiện vật là một câu chuyện sâu sắc về Bác Hồ, về tinh thần thi đua yêu nước hăng say, hiệu quả của quân và dân ta.

Bác Hồ ân cần hỏi chuyện anh hùng lao động Trần Thị Thanh

Ngày 11-6-1948, tại bản Là Nọn, xã Phú Bình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, kỷ niệm tròn 1.000 ngày “Toàn quốc kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Với nội dung chỉ 441 từ nhưng Lời kêu gọi của Người đã làm dấy lên cả một phong trào thi đua lớn đến tận ngày hôm nay.

Với hơn 200 tài liệu, hiện vật, triển lãm giới thiệu vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc khởi xướng, tổ chức và động viên toàn dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Một trong những bức ảnh để lại nhiều dấu ấn là Bác Hồ ân cần hỏi chuyện anh hùng lao động Trần Thị Thanh khi bà mới 15 tuổi – đại biểu nhỏ tuổi nhất tham gia Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất, ngày 1-5-1952 tại Tuyên Quang.

Anh hùng Trần Thị Thanh, SN1937, quê ở Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Trong kháng chiến chống Pháp gia đình bà sơ tán vào Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 14 tuổi, bà là công nhân của Xí nghiệp giấy Đông Nam tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Đây là phân xưởng dành cho cả đội thiếu nhi sơ tán. Sau 2 năm làm việc tích cực, tiết kiệm, đạt năng suất cao, Trần Thị Thanh được bầu đi dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất tại Tuyên Quang.

Sau Đại hội, năm 1955, Trần Thị Thanh được điều động ra Hà Nội và được cử đi học kỹ thuật về đóng đồ hộp tại Liên Xô cũ (nay là Cộng hòa Liên bang Nga). Khi về nước, bà được phân công nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật tại Viện Công nghệ thực phẩm.

70 năm sau ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi “Thi đua ái quốc”, anh hùng Trần Thị Thanh luôn lấy những lời căn dặn và tình yêu thương của Bác làm nguồn động lực to lớn để phấn đấu trong cuộc sống và công tác.

Sau này, cơ duyên đã đưa anh hùng Trần Thị Thanh gặp gỡ anh hùng La Văn Cầu. Anh hùng La Văn Cầu là người có thành tích trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, đã chỉ huy tổ bộc phá đánh vào lô cốt của địch, dù bị dập nát một cánh tay vẫn tiếp tục anh dũng chiến đấu và dùng tay còn lại ôm bộc phá đánh mở đường, tạo thời cơ cho các lực lượng khác tiếp đánh chiếm đồn quân đối phương.

Trong Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất, ông cũng là người vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng danh hiệu Anh hùng chiến sĩ thi đua. Tại Đại hội này, anh hùng Trần Thị Thanh và anh hùng La Văn Cầu đã gặp và cảm mến nhau. Sau đó, chính cuộc sống, tình yêu, lý tưởng đã gắn kết hai người thành vợ, thành chồng.

Cho đến bây giờ, gia đình anh hùng La Văn Cầu – Trần Thị Thanh vẫn nhớ mãi kỷ niệm đẹp đẽ về cuộc gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lời căn dặn của Người.

Các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh TTXVN

Phần thưởng Bác Hồ dành cho chiến sĩ Điện Biên

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một số chiến sĩ tiêu biểu đại diện cho các Đại đoàn đã được Bộ Chỉ huy mặt trận cử về báo cáo thành tích lên Trung ương Đảng và Bác Hồ. Đây cũng là dịp các đồng chí đại diện cho chiến sĩ toàn quân đến chúc mừng sinh nhật Bác.

Để chúc mừng những chiến công hiển hách của các chiến sĩ Điện Biên, trong cuộc gặp đoàn cán bộ chiến sĩ đã lập công xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác đã tặng phần thưởng biểu dương.

Phần thưởng Bác trao tặng cho các chiến sĩ bao gồm: Huân chương chiến sĩ (sau này được đổi thành Huân chương Chiến công), Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huân chương Sao đỏ.

Trong bữa cơm thân mật với các cán bộ chiến sĩ, Bác nói vui: “Đây là bữa cơm riêng Bác mời các cháu, chứ không phải Nhà nước mời đâu. Toàn cây nhà lá vườn cả, nhưng các cháu phải ăn no. Các cháu ăn nhiều, Bác sẽ vui, sẽ khỏe”.

Đằng sau mỗi bức ảnh, hiện vật tại Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua ái quốc” là một câu chuyện gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc. Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Người đã trở thành nguồn động lực lớn lao để các phong trào Thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta qua các thời kỳ được duy trì, phát triển rộng khắp, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam.

Là một trong những chiến sĩ Điện Biên được gặp Bác hôm đó, ông Nguyễn Quang Thuận luôn nghĩ rằng: “Vinh dự này không phải Bác chỉ dành cho 5 chiến sĩ. Đây là vinh dự lớn lao mà Bác dành cho toàn quân, cho tất cả cán bộ, chiến sĩ đã góp sức làm nên chiến thắng”.

(Theo tài liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)

An Nhiên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nhung-buc-anh-mang-dau-chan-nguoi-116780.html