Những bức ảnh khoa học đầu tiên của sứ mệnh TESS

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố những bức ảnh khoa học đầu tiên do Kính viễn vọng không gian TESS gửi về.

Một trong những bức ảnh khoa học có độ phân giải cao do Kính viễn vọng không gian TESS gửi về Trái đất

Một trong những bức ảnh khoa học có độ phân giải cao do Kính viễn vọng không gian TESS gửi về Trái đất

Kính viễn vọng không gian TESS (Transiting Exoplanet Survey Satellite) được tên lửa Falcon 9R đưa vào vũ trụ ngày 19/4/2018. Chuyến bay diễn ra thành công và Kính TESS được đặt trên quỹ đạo với điểm cận địa khoảng 108.000 km. Quỹ đạo này sẽ được giữ ổn định qua 20 năm tiếp theo, tạo điều kiện tìm kiếm các ngoại hành tinh trong nhiều năm liền.

Sau giai đoạn căn chỉnh kéo dài gần 3 tháng, từ tháng Bảy năm 2018, Kính viễn vọng không gian TESS bước vào giai đoạn thực hiện sứ mệnh khoa học. Đến cuối năm nay, Kính TESS sẽ quan sát 85% số ngôi sao trên bầu trời Nam bán cầu; còn trong năm 2019 sẽ quan sát sao trên bầu trời phía Bắc.

Vừa qua, NASA đã công bố những bức ảnh khoa học đầu tiên từ sứ mệnh TESS. Các bức ảnh này mang ý nghĩa phục vụ mục đích của sứ mệnh, đó là tìm kiếm các ngoại hành tinh.

Trên các bức ảnh, có thể thấy những ngôi sao sáng (chẳng hạn như R Doradus), các chòm sao cầu (chẳng hạn, 47 Tucanae) và các thiên hà (chẳng hạn, Đám mây

Magellan lớn). Tổng cộng, Kính viễn vọng không gian TESS được trang bị 4 camera chính, cùng thực hiện các quan sát.

TESS là sứ mệnh thay thế cho sứ mệnh Kính viễn vọng không gian Kepler khởi đầu từ tháng Ba năm 2009. Mục đích của sứ mệnh Kepler là liên tục quan sát khu vực đã chọn trước trên bầu trời (cụ thể là khu vực giữa các chòm sao Thiên nga và Thiên cầm) nhằm tìm kiếm sự suy giảm ngắn ngủi của độ sáng các ngôi sao - gọi là transit - có thể là “dấu hiệu” của hành tinh ngoài Hệ Mặt trời. Trong giai đoạn đầu tiên, Kepler đã quan sát hơn 100.000 ngôi sao và hơn 4.000 “ứng viên” ngoại hành tinh.

Mục tiêu cơ bản của TESS là quan sát khoảng 500.000 ngôi sao có độ sáng biểu kiến vượt trên 12 magnitude. Khác với Kepler, Kính viễn vọng không gian TESS sẽ quan sát toàn bộ bầu trời. Điều đó sẽ làm tăng số lượng các “ứng viên” ngoại hành tinh lên, đặc biệt là trong khoảng cách 200 – 300 năm ánh sáng đến Trái đất. Ước tính, TESS có thể phát hiện hàng chục ngàn “ứng viên” ngoại hành tinh có kích thước tương đương hoặc lớn hơn Trái đất.

Theo Nauka

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/nhung-buc-anh-khoa-hoc-dau-tien-cua-su-menh-tess-3952006-b.html