Cơ hội 'hồi sinh' thỏa thuận hạt nhân Iran

Trong tuần này, đại diện các nước tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ nhóm họp trực tiếp tại thủ đô Vienna của Áo để thảo luận về thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Cuộc gặp được đánh giá là nỗ lực nghiêm túc đầu tiên nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, sau gần 3 năm Mỹ rút khỏi thỏa thuận này và trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1/2021. Trước đó, cuối tuần qua, các quan chức châu Âu và Iran cũng đã có cuộc họp trực tuyến thảo luận về khả năng Mỹ quay trở lại với thỏa thuận và cách thức đảm bảo tất cả các bên thực thi đầy đủ và hiệu quả văn kiện này.

Một kỹ thuật viên làm việc trong phòng điều khiển tại cơ sở chuyển đổi uranium ở Isfahan, Iran. Ảnh: Reuters.

Một kỹ thuật viên làm việc trong phòng điều khiển tại cơ sở chuyển đổi uranium ở Isfahan, Iran. Ảnh: Reuters.

Trong một tuyên bố mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Mỹ đã nhất trí với các nước còn lại trong Nhóm P5+1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ và Đức) xác định các vấn đề liên quan đến việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Tuyên bố nhấn mạnh Washington không hy vọng các cuộc đàm phán sẽ ngay lập tức tạo được đột phá do vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, song bày tỏ tin tưởng đây là một "bước tiến thuận lợi". Liệu cuộc gặp dự kiến diễn ra ngày 6/4, tại Vienna, Áo có tạo cơ hội hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran?

Trọng tâm của cuộc gặp

Theo thông tin mà các bên liên quan tuyên bố mới đây, cuộc gặp tại Vienna, Áo vào ngày 6/4 giữa Iran và các cường quốc, trong đó có Mỹ nhằm đưa ra các thông số rõ ràng về các bước Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Iran và Iran thực hiện các cam kết theo thỏa thuận cũng như tổ chức các cuộc họp của các ủy ban gồm các chuyên gia chuyên ngành.

Liên minh EU hy vọng sẽ đưa Washington trở lại bàn đàm phán có thể trực tiếp hoặc gián tiếp với Iran về thỏa thuận hạt nhân sau khi nước này rút khỏi vào năm 2018. Một quan chức EU cho biết các cuộc đàm phán giữa Iran, Mỹ và các cường quốc thế giới sẽ tìm cách đưa ra hai danh sách đàm phán về các lệnh trừng phạt mà Washington có thể dỡ bỏ và các nghĩa vụ hạt nhân mà Tehran phải thực hiện. Trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố muốn quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với điều kiện Iran đáp ứng một số yêu cầu. Trong khi Iran tuyên bố chỉ đàm phán khi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Việc các bên cùng ngồi họp lại tại Áo vào ngày 6/4 được cho là bước đi đúng hướng. Khi Iran và Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh đã có các cuộc đàm phán được mô tả là tích cực để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân. Dù đưa ra các tín hiệu mở nhưng phía Mỹ cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về một bước đột phá, các cuộc thảo luận rất khó khăn và không mong đợi các cuộc đàm phán trực tiếp vào tại thời điểm này.

Động thái tích cực của các bên liên quan

Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh luôn tích cực để duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Nhiều chính sách về kinh tế được các nước này đưa ra để thuyết phục Iran không phá vỡ các cam kết theo thỏa thuận. Những nỗ lực này trở nên thuận lợi khi chính quyền mới của Mỹ Joe Biden có xu hướng đối thoại để nối lại thỏa thuận hạt nhân với Iran. Chính vì vậy trong nhiều tháng qua, EU đang tham gia vào các cuộc đàm phán chuyên sâu với các bên tham gia thỏa thuận và thấy rằng thỏa thuận đang ở thời điểm quan trọng để ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong tín hiệu tích cực là Mỹ chấp nhận lời mời của đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu tham gia cuộc họp của Nhóm P5 + 1 với Iran và đã hủy bỏ một số hạn chế nghiêm ngặt do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với việc di chuyển của các quan chức Iran làm việc tại Liên Hợp Quốc, hoặc các quan chức Iran đến thăm tổ chức quốc tế.

Một tín hiệu khác từ Mỹ là việc ông Biden bổ nhiệm đội ngũ chính trị và an ninh đã đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran trong nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Barack Obama. Việc lựa chọn đội ngũ này, là một xác nhận và thông điệp từ Tổng thống Biden tới Quốc hội và các đồng minh ở châu Âu và Iran. Nhưng nước này lại không giảm hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Iran.

Đó chỉ là tín hiệu tích cực mà khả năng nối lại thỏa thuận chắc rất khó nhất là khi Mỹ cho rằng Iran muốn nối lại các cuộc đàm phán ngoại giao trực tiếp ngay lập tức, nhưng một hành động khiêu khích của Iran có thể đã ngăn cản Tổng thống Biden thay đổi quan điểm quá nhanh so với chính quyền cũ. Mỹ vẫn tuyên bố giữ các lệnh trừng phạt kinh tế cho đến khi Iran ngừng vi phạm thỏa thuận.

Mỹ cũng cho rằng Iran còn lâu mới tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận. Nước này vẫn luốn tuyên bố rằng việc nối lại các cuộc đàm phán với Iran để khôi phục thỏa thuận hạt nhân và tìm cách phát triển nó là ưu tiên hàng đầu của họ trong khu vực Trung Đông. Dù Iran và Mỹ đều muốn đối thoại nhưng chắc chắn không bên nào chịu lùi bước hoặc nhượng bộ để cứu vãn thỏa thuận vào thời điểm này.

Triển vọng mang lại đột phá

Trên bình diện chung, việc các bên liên quan ngồi vào bàn họp tại Vienna, Áo là một bước đột phá lớn trong 3 năm qua khi mà có những lúc căng thẳng Mỹ và Iran tưởng chừng như sắp chiến tranh. Với những quan điểm cứng rắn và các điều kiện mà các bên đưa ra thì cuộc gặp tới khó có bước đột phá hoặc tiến triển tích cực nào. Chính các quan chức Mỹ và Iran cũng nhận thấy điều này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết cuộc gặp tại Áo lần này là những ngày đầu và không dự đoán sẽ có đột phá ngay lập tức vì sẽ có những cuộc thảo luận khó khăn phía trước. Mỹ cũng không dự đoán rằng sẽ có các cuộc đàm phán trực tiếp với Iran tại đây dù vẫn cởi mở.

Bước đột phá chỉ có thể đạt được nếu cả Mỹ và Iran cùng thiện chí đối thoại và có những bí mật riêng hay điều kiện đã được ngầm thảo luận mang tới hội nghị này. Như các quan chức EU nói một thỏa thuận cần được tôn trọng đầy đủ sẽ là một điểm cộng về an ninh cho toàn bộ khu vực và là cơ sở tốt nhất cho các cuộc thảo luận./.

Ngọc Thạch/VOV-Cairo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/co-hoi-hoi-sinh-thoa-thuan-hat-nhan-iran-848079.vov