Những bữa tiệc buffet và thói quen xấu xí với quan điểm 'bỏ một đồng ăn một đống'

Tiệc đứng không còn là điều xa lạ với phần đông người Việt Nam, nhưng ngoài hòa nhập văn hóa Tây phương, chúng ta trót vô tình hòa tan luôn nó.

Menu từ hàng chục đến hàng trăm món, thức ăn phong phú từ thú chạy trên rừng đến cá bơi dưới biển, được thoải mái ăn đến khi nào cảm thấy hài lòng và vừa bụng; tiệc buffet là một “phát minh” không chỉ giúp người tham dự bữa tiệc được cơ hội thưởng thức nhiều món ăn khác nhau, mà còn giúp gắn kết các mối quan hệ xã hội.

Khi văn hóa buffet đổ bộ vào Việt Nam, phần đông người Việt đã tiếp nhận rất nồng nhiệt nhưng lại vô tình hay cố ý lược bớt mất ý nghĩa của nó, họ chỉ nhắm vào trung tâm của bữa tiệc là những khay đồ ăn đầy ắp. Ai lại cần nói chuyện với người khác trong bữa tiệc buffet khi ta có thể dành thời gian đó để ăn cho căng bụng?

Hình ảnh khiến ai cũng “choáng váng”: Để giúp những bữa tiệc buffet không còn thừa mứa đồ ăn, khách sẵn sàng mang về để nhân viên đỡ dọn dẹp. Người ta vẫn thường trêu nhân viên phục vụ tiệc buffet rằng ăn không hết thì có được đem về không, nhưng nhiều người không hỏi trêu, họ làm thật.

Hình ảnh khiến ai cũng “choáng váng”: Để giúp những bữa tiệc buffet không còn thừa mứa đồ ăn, khách sẵn sàng mang về để nhân viên đỡ dọn dẹp. Người ta vẫn thường trêu nhân viên phục vụ tiệc buffet rằng ăn không hết thì có được đem về không, nhưng nhiều người không hỏi trêu, họ làm thật.

Quên ăn tại chỗ, quên cả tính tiền

Mới đây nhất tại một nhà hàng tiệc đứng ở Hà Nội, nhân viên phải ngán ngẩm khi bắt tận tay nhiều khách hàng không chỉ lấy thức ăn để dùng ngay tại chỗ, mà còn để dùng dần khi về nhà. Với tâm lý đã bỏ tiền ra thì cố ăn cho đáng, phần đông khách đến các bữa tiệc buffet chỉ muốn “thu hoạch” nhiều nhất có thể để đỡ thất thu.

Đại diện của nhà hàng cho biết: “Ở thời đại 4.0 nhưng dường như nhiều người chưa biết đến mọi ngóc ngách trong nhà hàng đều được lắp đặt hệ thống camera tối tân, hệ thống phần mềm ghi nhận số lượng khách bước vào nên dù ngồi ăn tại chỗ hay cố tình mang về là nhà hàng đều biết cả.

Ấy thế nhưng có nhiều người, những chị em xinh đẹp có, các cô bác trung niên cũng có, lấy đồ ăn trút vào túi mang sẵn từ nhà. Có lần các bạn quản lý nhà hàng còn bắt gặp một bàn 5, 6 cô mang hẳn 4 cái túi to để lấy đồ mang về, bao gồm hơn chục con ghẹ, 1,5 kg bề bề, nửa kg tôm đã cho vào nồi lẩu đun chín. Giữ kẽ cho khách, quản lý mời khách ra khu riêng nói chuyện và mời khách để vào chỗ khuất trả lại để đỡ xấu hổ.

Hải sản có thể hơi đắt một chút với các thức ăn khác nhưng có đáng để mọi người phải làm vậy hay không? Ngoài chuyện khách lấy đồ ăn mang về thì còn buồn hơn là một số nhóm khách đi 2, 4 người thi thoảng đến ăn và “quên” không thanh toán. Xem lại cảnh khách ra về trên camera thì đến là buồn. Nhân viên hỏi xin lại tiền thì khách bảo không biết, tưởng người kia đã thanh toán, có người thì bảo chờ các em lâu quá nên chị về”.

Hình ảnh khách chen nhau giành thức ăn tại một bữa tiệc buffet từng gây sóng mạng xã hội nhiều năm trước.

Bài viết nhận được sự quan tâm từ đông đảo người dùng mạng và vô số lời bình luận, chia sẻ. “Khăn giấy, găng tay nilon bên mình có sẵn để khách có thể sử dụng, đem lại sự tiện nghi cho khách hàng, vậy mà không thể ngờ nhiều người gói thức ăn vào trong chúng rồi mang về nhà như không có chuyện gì xảy ra”, bạn A.T. cho biết.

“Mình cũng kinh doanh quán ăn tại nhà, nhiều khi khách tới đông, mình phải chạy hết ga để phục vụ cho kịp, không khiến người ta chờ lâu. Vậy mà họ lại tranh thủ những lúc mình bận tối mặt để chuồn về và không thèm thanh toán”, chủ một bình luận khác kể lại.

Trước đây, cộng đồng mạng từng nhiều lần tỏ ra chán chường khi xem các đoạn video ghi lại cảnh khách dự tiệc tranh nhau nửa mét vuông đứng cạnh quầy thức ăn để giành về cho đầy đĩa, nhưng rồi lại bỏ thừa mứa vì không ăn hết. Người ngoài nhìn vào tự hỏi tại sao phải làm như vậy? Nhưng người trong cuộc thì chỉ đơn giản thấy rằng đó là hành động bù lỗ.

“Với tinh thần 'tương thân tương ái', nhiều người không quên gắp thức ăn về cho người thân ngồi cùng bàn bất chấp người đó có ăn được hay không. Dễ dàng thấy được, nhiều cha mẹ dẫn con đi dự tiệc buffet luôn tranh thủ gom thức ăn dư để con ăn, nhưng khi đứa bé không chịu ăn thì cha mẹ cũng đành bỏ đi vì không kham nổi”, chị Thu Thủy, nhân viên ở một khách sạn chuyên phục vụ các bữa tiệc đứng cho biết.

Thức ăn khi lấy về đĩa riêng được “trộn thập cẩm” với vô số các món canh, nướng, chay, mặn khác, để rồi dù có dư thừa nhà hàng cũng không có dịp được tái sử dụng, chỉ biết ngậm ngùi làm quà tặng cho những chiếc thùng rác đang đầy ứ hự không thể nói lời từ chối.

Trước tình trạng thức ăn không dùng hết phải đổ đi, còn người nghèo thì lại chết đi từng ngày vì đói, nhiều nhà hàng đã dặn dò kỹ lưỡng khách trước khi dùng tiệc, tự bản thân khách cũng ý thức được nên đã có những cách khác nhau giúp tránh tình trạng này tái diễn.

Có người thì cân nhắc lấy đủ vừa ăn, nhưng nhiều người khác thì… gói nhỏ đem về dùng dần. Lạc quan mà nói, nếu “lỡ tay” lấy nhiều quá thì đem về để ăn sau là một cách giúp tránh lãng phí thức ăn. Nhưng nếu đồ ăn dư thừa là những chú tôm hùm, những chú ghẹ còn nguyên con thì đó lại là câu chuyện của văn hóa.

Buffet không chỉ học ăn, mà còn học nói

“Ăn cho đáng đồng tiền” hay “để dành bụng ăn buffet” là câu cửa miệng vui thường hay bắt gặp ở những nhóm bạn đi ăn buffet cùng với nhau. Câu nói trên tuy đùa mà thật vì thường buffet đã được thu tiền trước, ăn nhiều hay ít cũng chừng đó tiền và thế là nảy sinh tâm lý ở không ít người là ăn sao cho “năng suất” cao nhất.

Nhưng có lẽ không quá nhiều người khi nhận tấm vé tiệc buffet trong tay đã tìm hiểu và có ý định tiếp thu văn hóa tiệc đứng. Dù rằng chuyện ăn uống là nhu cầu tối thiểu và phải có của mỗi người, cũng như khi đến tiệc thì không thể ra về với chiếc bụng rỗng, nhưng ở những bữa tiệc buffet, ngoài chuyện học ăn thì đó còn là nơi để ta học nói.

Ông bà ta từ xưa đã dạy “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Rõ ràng chỉ mỗi việc ăn cũng cần học chứ không chỉ đơn thuần là đưa thức ăn từ ngoài vào mồm, nhai xong rồi nuốt. Văn hóa ăn buffet không chỉ là tay nào cầm dao cầm nĩa, ăn món khô hay món nước trước, ăn món tráng miệng hay món khai vị sau, mà đó còn là cách ăn uống “sang” để không ai thấy khó chịu khi nhìn vào.

Qua thời gian, chúng ta đã không còn ở những tháng ngày phải chạy kiếm từng bữa, giờ đây người ta không còn quá chú trọng việc ăn no, mà đòi hỏi việc ăn ngon. Tiệc buffet với hàng trăm món được chuẩn bị và dọn ra, giúp ai cũng được trải nghiệm nhiều món ngon khác nhau. Chỉ với một chút thức ăn từ mỗi món, ta vẫn có thể no bụng mà thưởng thức được nhiều hương vị khác nhau.

Ngoài ra, một mục đích nguyên thủy khác của những bữa tiệc tự phục vụ như thế này đó chính là sự linh động của người tham dự trong việc tiếp xúc và trò chuyện với những người khác. Không có nhiều bàn ghế cố định, những người có mặt trong bữa tiệc sẽ đứng và di chuyển thoải mái xung quanh để tiếp cận và tạo dựng, củng cố các mối quan hệ.

Tại Pháp, nơi đã tổ chức những bữa tiệc buffet đầu tiên trong lịch sử từ thế kỷ 19, khách tham dự biết rõ buffet là kiểu tiệc cộng đồng, thức ăn được bày biện sẵn trong không gian chung mọi người sẽ tự đến chọn món mình yêu thích. Mọi người xếp hàng và di chuyển từ từ quanh bàn ăn chung rồi gắp món vào đĩa. Vì tính chất tập thể nên mỗi cá thể cần nắm một số quy tắc để không gây ảnh hưởng đến nhau.

Anh Nguyễn Thanh Hùng, quản lý tại một nhà hàng buffet ở Sài Gòn và là người có kinh nghiệm phục vụ tiệc đứng cho nhiều nhà hàng trong và ngoài nước, chia sẻ: “Trước khi bước vào phòng tiệc, thay vì chạy ngay đến quầy lấy đĩa thì bạn nên đi lướt qua hết một vòng xem thực đơn hôm nay có những món gì và vị trí các món ăn được sắp xếp ở đâu. Đừng quên chọn sẵn trong đầu những món ăn yêu thích nhất định phải ăn, tiếp theo là các món mới lạ để thử cho biết. Sau khi tham quan kết thúc một vòng thì công việc lấy đĩa và chọn cho mình những món ăn khai vị nhẹ nhàng trước tiên.

Cần chú ý nguyên tắc chọn món chung là nên ăn món khô ăn trước, món nước ăn sau, đồ chiên xào và mấy món ngọt cũng để ăn sau cùng. Khi ăn, nên ăn từ từ chậm rãi để thưởng thức món ăn, trong lúc ăn thì trò chuyện với bạn bè hoặc với những người cùng có mặt tại bữa tiệc hôm đó. Đừng lấy giúp người khác, đừng cầm hai đĩa trên tay và cũng đừng để quá nhiều thức ăn trên một đĩa, tránh thừa mứa gây lãng phí”.

Tuy vậy không phải ai cũng biết điều này, tâm lý chung của người Việt khi đến tiệc buffet vẫn là cố gắng ăn được nhiều nhất có thể, đôi khi lấy nhiều đến mức không thể ăn nổi, khiến phải bỏ thừa và gây lãng phí. “Để đảm bảo khách không lấy dư thừa, bên mình có gắn biển thông báo và thậm chí là treo mức phạt để đảm bảo khách chỉ lấy vừa đủ ăn. Nhưng thật sự không ngờ người ta giúp bên mình không phải xử lý đồ thừa bằng cách bỏ túi đem về nhà luôn”, anh Hùng cho biết thêm.

Cũng theo anh Hùng cho biết, anh từng đi dự nhiều bữa tiệc đứng trong nhà lẫn ngoài trời ở nước ngoài, nơi đó phục vụ nhiều nhóm khách từ khắp nơi trên thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam, nhưng biển thông báo “lấy đúng không lấy thừa” lại ghi riêng bằng mỗi tiếng Việt.

Khách nước ngoài sau khi dự tiệc buffet với người Việt đã tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên không hiểu sao nhiều người lại có thể bỏ lại thừa mứa các món ăn ngon và đắt tiền đến thế, trong khi họ thường lấy rất ít thức ăn, khi nào dùng hết mới đi lấy thêm thức ăn. Nước chấm cũng được họ sử dụng vừa đủ nên khi họ ăn xong, thường chiếc đĩa chỉ còn vài mẩu bánh vụn.

“Mỗi lần như thế, mình cảm thấy rất xấu hổ vì trông cảnh tượng chen nhau và giành thật nhiều thức ăn không khác gì thời đất nước còn khó nghèo, tranh nhau nhận viện trợ. Một vé dự tiệc buffet không phải là rẻ, khi có mặt tại đó, đồng nghĩa với việc bạn cũng đã có chút ‘đẳng cấp’, nên hãy hành xử sao cho đúng với ‘vị trí’ đó của mình”, anh chia sẻ.

Quốc Anh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/tin-nong/chuyen-an-buffet-cua-nguoi-viet-da-co-tiet-kiem-nhung-bat-kha-thi-6121149.html