Những bữa cơm nhà của các doanh nhân bận rộn

Cùng với nhịp sống hối hả, bận rộn và những áp lực của công việc thời cách mạng công nghiệp 4.0, những bữa cơm thường nhật của mỗi người cũng thưa vắng dần, đối với các doanh nhân cũng vậy. Nhưng trong tiềm thức của họ, bữa cơm gia đình vẫn vẹn nguyên ý nghĩa, bởi đó là bữa cơm đoàn viên, là nơi gắn kết và sẻ chia yêu thương... Chính vì lẽ đó, dù bận 'trăm công ngàn việc', không ít doanh nhân vẫn cố gắng thu xếp để được đắm mình trong bữa cơm đoàn viên ấm áp, ngọt ngào...

Các thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái & Đồng nghiệp trong một bữa tiệc ấm cúng mừng sinh nhật thành viên Công ty.

Các thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái & Đồng nghiệp trong một bữa tiệc ấm cúng mừng sinh nhật thành viên Công ty.

Không chỉ là những ấm áp

Giờ đã là một doanh nhân thành đạt, chủ một thương hiệu có tiếng ở Thủ đô nhưng nữ doanh nhân Cao Thị Thanh Cương - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Mỹ Anh Việt Nam vẫn bồi hồi khi nhớ về những kỷ niệm hồi mới lập nghiệp…

Khoảng những năm 1977-1978, người dân Hà Thành đã biết đến các sản phẩm lụa trơn mang tên Việt Thành. Chỉ vỏn vẹn hai màu đen và màu trắng nhưng gian hàng nhỏ trên phố cổ với những sản phẩm tự thiết kế, gia công của gia đình chị Cương lúc nào cũng đầy ắp khách.

Một mình chị vất vả suốt từ 5 giờ sáng đến 1 rưỡi đêm, lu bù với việc xếp hàng, giao, bán hàng, thanh toán tiền hàng trong cửa hàng vỏn vẹn 30m2 ở ngõ Gạch. Bận rộn là vậy nên “ăn ngủ cũng trên đống hàng”. Ngày nào cũng phải 10 giờ chị mới được ăn sáng, 2 giờ chiều ăn trưa, 8-9 giờ mới ăn bữa tối. “Đi ngủ cũng mơ thấy khăn, ngủ dậy đã sờ vào khăn”…

Chị Cương không thể nào quên dạo Tết năm ấy. Vì ôm một khối hàng rất lớn nên sáng mùng 1 Tết, hai vợ chồng chưa kịp đánh răng, rửa mặt đã có người đến bấm chuông. Và cứ thế khách hàng ào ào kéo đến...

Trước tình cảnh trên, máu kinh doanh lại nổi lên, chị đành phải mua cơm nắm cho con ăn, vợ chồng ăn uống qua loa rồi thay nhau bán hàng. Khi ngẩng đầu lên thì đã 9 rưỡi tối, trời lạnh dần và rét đến 6 độ C. Cứ thế đến mùng 6 Tết hai vợ chồng chị bán hết số hàng. Kiếm được khoản tiền lớn nhưng chị cũng thấy tủi thân vì bỏ lỡ những khoảnh khắc ấm cúng, ý nghĩa thường niên với đại gia đình…

Doanh nhân Cao Thị Thanh Cương.

Cùng với nhịp sống hối hả, bận rộn và những áp lực của công việc thời cách mạng công nghiệp 4.0, những bữa cơm thường nhật của mỗi người cũng thưa vắng dần, đối với các doanh nhân cũng vậy. Nhưng trong tiềm thức của họ, bữa cơm gia đình vẫn vẹn nguyên ý nghĩa.

Nếu như Doanh nhân Thanh Cương cảm thấy “tủi thân” vì bỏ lỡ bữa tiệc tất niên đoàn viên cùng gia đình thì Hồ Tài, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị và Xây dựng Hồ Gia – một nam doanh nhân 44 tuổi ngành xây dựng, từng bôn ba xuôi ngược Bắc – Nam với những chuyến công tác liên miên, dài ngày lại “thèm vô cùng bữa cơm gia đình do chính tay mẹ nấu và được ôm tấm lưng gầy của mẹ”.

Bởi chỉ có mẹ mới hiểu sở thích, khẩu vị và thói quen ăn uống của anh và mẹ là người thấu hiểu, thông cảm, thương yêu anh vô bờ bến. “Dù có thành công đến đâu, tôi chỉ mong trở lại tuổi thơ, được mẹ nấu cơm và được mẹ ôm vào lòng. Cảm giác đó không gì sánh bằng!” – anh xúc động chia sẻ.

“Hạnh phúc khi tự tay nấu cơm cho người thân”

Với Doanh nhân Hồ Tài, bữa cơm gia đình là rất cần thiết đối với mỗi người. Là một doanh nhân giữ vai trò trụ cột trong gia đình anh luôn kiến tạo một không khí ấm cúng, sum họp trong gia đình, cũng như tạo nên những bữa ăn đoàn viên để có cơ hội gần gũi vợ con, gắn kết các thành viên trong gia đình, giáo dục con cái về đạo đức gia phong.

“Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng dân số, phương tiện giao thông hiện nay của Thủ đô, cộng với những áp lực của công việc (Quản lý, vận hành công ty; Gặp gỡ đối tác; Thị sát công trình; Đưa đón con…), để có một bữa cơm gia đình đầy đủ các thành viên trong gia đình là vô cùng khó. Chính vì lẽ đó, tôi phải quy hoạch về thời gian và sử dụng công nghệ 4.0 để giám sát và điều hành từ xa, giảm thời gian đi lại… để có nhiều hơn những bữa cơm gia đình đoàn tụ, ấm áp, yêu thương…”.

Những hình ảnh thân thương, ấm áp và mong muốn được sum tụ trong bữa cơm đoàn viên gia đình Doanh nhân Hồ Tài và Cao Thị Thanh Cương chúng ta dễ dàng bắt gặp ở rất nhiều gia đình doanh nhân khác.

Theo quan điểm của Doanh nhân Chu Văn Tấn – Phó Giám đốc Công ty Glink Việt Nam, bữa cơm gia đình đặc biệt quan trọng với anh vì nó giúp các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau và có thời gian cùng nhau trò chuyện để hiểu về công việc hàng ngày, cũng như chuyện học hành của con cái.

Vào bếp nấu ăn phục vụ các thành viên trong gia đình là niềm hạnh phúc của Doanh nhân Hồ Tài.

Chu Tấn chia sẻ: Thường thì vợ chồng anh không phân công việc nấu ăn mà ai sắp xếp về nhà trước thì người đó sẽ nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa. Bản thân anh thi thoảng mới đi tiếp khách, còn buổi tối anh về ăn cơm cùng gia đình. Đặc biệt anh rất thích tự tay vào bếp nấu những món ăn ngon phục vụ gia đình.

“Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi tự tay chăm sóc gia đình, nấu cho vợ con những món mà họ thích. Qua đó giáo dục con cái qua những việc làm thiết thực hàng ngày để làm tấm gương cho chúng noi theo!” – anh cho hay.

“Với tôi, bữa cơm gia đình luôn thiêng liêng và ấm áp nhất. Đó là lý do dù bận thế nào, cả nhà tôi cũng luôn sắp xếp ăn cơm cùng nhau”, chị Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát, kiêm Giám đốc sản xuất phim “Mỹ nhân vào bếp” đã từng tâm sự.

Chia sẻ về ý nghĩa, nội dung bộ phim mà mình tâm đắc sản xuất, cũng như quan điểm của mình về bữa cơm gia đình, nữ doanh nhân cho biết: “Tôi mong muốn tôn vinh các giá trị gia đình. Xã hội càng hiện đại thì cuộc sống càng bận rộn. Thời gian vợ chồng dành cho nhau, bố mẹ ở bên con cái, các cặp đôi bên nhau là rất ít. Bởi thế, cùng nhau nấu ăn, quây quần bên mâm cơm là cách tốt nhất để giữ lửa hạnh phúc.

Bên cạnh đó, xã hội hiện nay đã thay đổi một số quan điểm xưa cũ. Hình ảnh phụ nữ nấu ăn chờ chồng dần thay bằng những hoạt động tích cực ngoài xã hội, các cô cũng kinh doanh, kiếm tiền như đàn ông. Tương tự, việc đàn ông xắn tay vào bếp không còn tạo cảm giác yếu đuối mà chính là sự quan tâm, chăm sóc, chia sẻ công việc thường ngày, đỡ đần những người mình yêu thương”.

Gia đình Doanh nhân Chu Văn Tấn trong một bữa cơm đoàn viên.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát: “Có thể vì cuộc sống bận rộn nên bữa cơm gia đình, nhất là các gia đình tại thành phố, ít đi so với ở quê. Tuy nhiên, ý nghĩa thiêng liêng của bữa ăn gia đình không vì thế mà mất đi.

Bữa cơm là nơi chúng ta chia sẻ, trò chuyện với nhau, nó hiện thân cho sự gắn kết và yêu thương. Khi đi xa, chúng ta chỉ muốn về nhà ăn một bữa cơm với gia đình là vì vậy. Với tôi, bữa cơm gia đình luôn thiêng liêng và ấm áp nhất. Đó là lý do dù bận thế nào, cả nhà tôi cũng luôn sắp xếp ăn cơm cùng nhau”...

Không chỉ là bữa cơm gia đình, có những doanh nhân còn nâng tầm những dịp hội tụ, không gian riêng tư ấy thành một đại gia đình, khi tổ chức những bữa liên hoan tập thể tại gia. Đó chính là những bữa cơm đại gia đình đông vui, ấm áp, đoàn kết tổ chức tại gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Liên - Phó Giám đốc Công ty CP Á Châu và Luật sư Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái & Đồng nghiệp.

Thường thì những bữa tiệc đó được tổ chức vào những dịp tổng kết cuối năm của công ty, hay dịp sinh nhật mỗi thành viên và những ngày lễ kỷ niệm (20/10; 8/3; Rằm Trung thu; Gặp mặt đầu Xuân…).

“Tuy bận rộn nhưng các thành viên công ty đều cố gắng thu xếp thời gian để tham dự những buổi sinh hoạt tập thể ấy. Không chỉ tiết kiệm kinh phí khi tổ chức ở các nhà hàng lớn, những dịp này có ý nghĩa vô cùng lớn đối với chúng tôi. Nó gắn kết các thành viên lại với nhau và tạo động lực để chúng tôi đạt kết quả cao hơn trong công việc, góp phần đưa công ty ngày càng phát triển và phát triển bền vững!” – chị Hồng Liên khẳng định.

“Xã hội hiện nay đã thay đổi một số quan điểm xưa cũ. Hình ảnh phụ nữ nấu ăn chờ chồng dần thay bằng những hoạt động tích cực ngoài xã hội, các cô cũng kinh doanh, kiếm tiền như đàn ông. Tương tự, việc đàn ông xắn tay vào bếp không còn tạo cảm giác yếu đuối mà chính là sự quan tâm, chăm sóc, chia sẻ công việc thường ngày, đỡ đần những người mình yêu thương…”.

Đoan Trang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/doanh-nhan/nhung-bua-com-nha-cua-cac-doanh-nhan-ban-ron-474857.html