Những bữa ăn miễn phí, đúng quy trình (!)

Nếu mang một dịch vụ dù tốt, đến với người có ý thức kém, anh ta có thể gây ra những thứ tai hại. Nó cũng như việc trao quyền cho những người không đủ năng lực chỉ dựa vào người khác để thăng tiến. Một dạng “ăn cơm” nhưng không phải của mình...

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình mới đây đã yêu cầu Bộ Công thương kiểm tra làm rõ căn cứ pháp lý, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục liên quan tới việc tuyển dụng, bổ nhiệm hàm vụ phó, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, đối với ông Vũ Quang Hải.

Nhân chuyện này lại nhớ hai năm trước, tờ New York Post có đưa tin về một vị khách người Trung Quốc, mua một vé máy bay hạng nhất của hãng Hoa Đông. Sau đó, anh ta vào sân bay ăn uống miễn phí chán chê, rồi đổi vé sang ngày hôm sau. Vì với chiếc vé hạng nhất anh ta có thể đổi được ngày giờ bay thoải mái và được vào phòng chờ VIP để ăn miễn phí.

Tổng cộng số lần đổi vé của anh ta lên tới 300 lần, đồng nghĩa với việc anh này đã ăn 300 bữa ăn miễn phí. Sau đó, khi nhận ra mình bị nghi ngờ, anh ta liền trả vé và lấy lại tiền không thiếu một xu.

Câu chuyện này cho thấy nếu mang một dịch vụ dù tốt, đến với người có ý thức kém, anh ta có thể gây ra những thứ tai hại thế nào. Nó cũng như việc trao quyền cho những người không đủ năng lực chỉ dựa vào người khác để thăng tiến. Một dạng “ăn cơm” nhưng không phải của mình. Điều đó nói lên quy trình đã bộc lộ lỗi, cần phải sửa.

Một năm với 300 bữa ăn sang trọng miễn phí là một con số đáng lưu ý. Nhưng có một vài con số còn đáng lưu ý hơn xuất hiện ở Việt Nam. Như là chỉ tính riêng số tiền thất thoát trong vụ Trịnh Xuân Thanh đã đủ miễn thuế đất cho nông dân trong 100 năm. Hay là chuyện ông Vũ Quang Hải, con trai cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, đã thăng tiến nhanh chưa từng có, chỉ trong gần 2 năm từ 5/2013 đến 2/2015.

Đầu tiên là kiểm soát viên của Tập đoàn Vinataba, sau đó là chức danh phó vụ trưởng và cuối cùng là chức danh thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Sabeco. Trước đó, thì trong khoảng gần 2 năm, từ 2011-2012, công ty mà anh ta làm Tổng giám đốc là PVFI đã thua lỗ trên 200 tỷ đồng.

Cả mấy câu chuyện trên đều có điểm chung, thứ nhất là về mặt quy trình. Tất cả đều được những người liên quan, chịu trách nhiệm, phân bua rằng đúng quy trình, bổ nhiệm đúng quy trình và hủy chuyến, ăn miễn phí cũng đúng quy trình. Thứ hai là đều ăn, đều làm thua lỗ và thiếu sòng phẳng, nhận những thứ không phải của mình.

Còn điểm riêng có lẽ chỉ nằm ở mức độ thiệt hại. Với các hãng hàng không, 300 bữa ăn chỉ là một con số nhỏ, nghĩa là về mặt thiệt hại sẽ không quá lớn. Trong khi đó, bổ nhiệm người không đủ năng lực vào một vị trí lãnh đạo quan trọng sẽ gây thất thoát, thua lỗ cho đất nước hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng tới hàng triệu người.

Việc Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công thương kiểm tra làm rõ căn cứ pháp lý, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục liên quan tới việc tuyển dụng, bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, có ý nghĩa rằng Chính phủ đã nhận ra những điều khuất tất, mờ ám, bị lỗi, trong cái “đúng quy trình” kia.

Người Mỹ thường nói “Không có bữa trưa nào miễn phí”, với hàm ý rằng sự sòng phẳng là thuộc tính cơ bản trong mọi công việc. Điều đó đúng, vì ngay khi vị hành khách người Trung Quốc “lách luật” để cố tình ăn 300 bữa ăn miễn phí, thì cũng đồng thời, anh ta đã mất đi thứ gì đó như là sự trung thực trong lương tâm của chính mình.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nhung-bua-an-mien-phi-dung-quy-trinh--post176625.html