Những 'bông hồng xanh' và 'mệnh lệnh trái tim'

'Đối với các nữ nhân viên ở đây, họ vừa là nhà nghiên cứu, đồng thời cũng tham gia chống dịch, lại là quân nhân, vì vậy, khi chỉ huy huy động bất kỳ giờ giấc nào thì họ cũng phải có mặt để thực hiện nhiệm vụ. Đó là lý do mà chúng tôi vừa nể phục, vừa trân trọng, nếu có thể thì chúng tôi muốn tặng huân chương, huy chương cho tất cả các chị', PGS.TS Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự tự hào nói.

Thượng tá, PGS.TS Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thượng tá, PGS.TS Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (Học viện Quân y) có thêm nhiệm vụ phát triển bộ kit xét nghiệm COVID-19 và nghiên cứu thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19. Sau thành công của việc phát triển bộ kit thử nghiệm COVID-19, các nhà khoa học, nhân viên của Viện đang tích cực ngày đêm làm việc bởi “nhiệm vụ vaccine vô cùng nóng, được cả nước trông chờ”. Thượng tá Hồ Anh Sơn cho biết, có rất nhiều việc Viện đã phải “gói ghém” lại để tập trung vào chống dịch trước. Với 1/3 số nhân viên trong Viện là nữ, dù phụ nữ làm khoa học sẽ có phần vất vả và thiệt thòi hơn nhưng theo Thượng tá Hồ Anh Sơn, các chị đều không xem mình là “phái yếu” và luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, “có lệnh là lên đường”.

Chăm mẫu thí nghiệm như chăm “con mọn”

Là thành viên nhóm nghiên cứu thử nghiệm vaccine COVID-19, Tiến sĩ Lê Quỳnh Giang, nhà nghiên cứu của Phòng Protein độc chất tế bào khá dè dặt khi kể về công việc của mình. Công việc chính hằng ngày của chị là kiểm tra các mẫu xét nghiệm của các tình nguyện viên để sàng lọc SARS-CoV-2 trước khi tiêm vaccine và sau khi tiêm vaccine là làm định lượng để xét nghiệm nồng độ kháng thể sinh ra trong máu của tình nguyện viên.

“Do nhiệm vụ được giao khá cấp bách giữa lúc cả nước đang trông chờ nên cường độ làm việc của mọi người trong phòng cũng cao. Làm việc đến 11h đêm là bình thường, thậm chí có những hôm mọi người 2h sáng mới được về nhà”, chị Giang cho biết.

Tiến sĩ Lê Quỳnh Giang đang kiểm tra các mẫu xét nghiệm của tình nguyện viên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Do hoàn cảnh công việc, hiện chồng và con của chị Giang vẫn đang ở Huế, một mình chị công tác tại Hà Nội và tham gia vào công tác nghiên cứu chống dịch bệnh. “Việc chăm sóc và nuôi dạy con hiện mình đang nhờ hết vào ông xã, rất may ông xã mình cũng hiểu rõ tính chất công việc của mình nên cáng đáng hết công việc ở nhà. Thi thoảng con trai mình vẫn gọi điện cho mẹ, bảo rằng “mẹ cố gắng lên, con yêu mẹ”. Chỉ cần như vậy là mọi vất vả và khoảng cách giữa hai mẹ con dường như được thu hẹp lại”.

“Làm nghiên cứu khá là vất vả, phải chăm mẫu thí nghiệm như chăm “con mọn”. Dù công việc áp lực nhưng mình chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ dở giữa chừng. Vì trách nhiệm và đam mê với nghề nên dù khó khăn thế nào mình vẫn sẽ cố gắng làm hết mình”, chị Giang tâm sự.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kể về lý do lựa chọn con đường làm khoa học, chị Giang cho biết, từ khi còn là học sinh cấp 3, chị đã được các thầy cô “truyền lửa” cho tình yêu với ngành công nghệ sinh học, dù lúc đó ở Việt Nam, đây là ngành mới nổi. Cùng với sở thích làm thí nghiệm và được biết ngành này sẽ giúp ích được nhiều cho đất nước, chị đã quyết định đi theo con đường này. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị được cấp học bổng nghiên cứu sinh ở Nhật Bản và càng thêm quyết tâm đi theo công tác nghiên cứu, dù bạn bè chị cũng có người chọn con đường khác.

Trung tá Bùi Thị Thúy, kỹ thuật viên tại Viện, người thực hiện việc tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 cho các tình nguyện viên, cho biết, từ khi dịch bùng phát, công việc của chị thay đổi hơn trước nhiều. So với thường ngày, chị cùng mọi người phải làm thêm giờ, có khi thứ 7, Chủ nhật cũng không được nghỉ. Với tinh thần chỉ đạo của cấp trên là thời gian thử nghiệm gấp rút nên 100% quân số của Viện phải đi làm cả 2 ngày cuối tuần.

Chị Bùi Thị Thúy tiêm vaccine thử nghiệm cho tình nguyện viên - Ảnh: VGP/Vũ Phong

“Mọi người cũng xác định phải gác công việc gia đình lại để làm việc. Nhiều lúc giờ giấc xáo trộn, đối với chị em, có người gầy sút đi nhưng mọi người vì mục đích nhân văn của nhiệm vụ được giao nên lấy đó làm niềm vui và phấn đấu hoàn thành tốt nhất công việc”, chị Thúy cho hay.

Chị Thúy tâm sự: “Mình có hai con đều là bác sĩ, hai con cũng động viên, nếu dịch bệnh còn kéo dài thế này, thì toàn dân khổ, ngành y cũng khổ, bản thân các con cũng tham gia chống dịch mấy tháng trời không được về nhà, mẹ cũng phải cố gắng lên”.

“Bố mẹ biết mình ít về quê thăm nhà vì lý do công việc nên cũng chỉ thi thoảng gọi điện, gọi điện cũng không dám nói nhiều vì biết là con đang làm việc, nên thôi chỉ thăm hỏi sức khỏe. Thực ra bọn mình là bộ đội thì cuộc sống cũng đơn giản, có lệnh của chỉ huy là lên đường thôi. Dù nhà có công có việc, như bố bảo là kỷ niệm 50 năm ngày cưới của bố mẹ nhưng vì chỉ huy quán triệt phải có mặt tại đơn vị nên mình cũng chấp hành lệnh của chỉ huy thôi, không ai ca thán điều gì”.

“Người khác còn vất vả hơn nhiều”

Gặp lại Đại úy, Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng, người phụ nữ đã “nhẵn mặt” trên các tờ báo và được khen ngợi trên rất nhiều diễn đàn suốt một năm qua vì là thành viên chủ chốt trong nhóm phát triển bộ kit xét nghiệm COVID-19 “made in Vietnam”, chị vẫn tỏ ra khiêm tốn khi tiếp xúc với phóng viên.

Hiện Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng cùng các đồng nghiệp của mình vẫn tiếp tục phụ trách việc đánh giá bộ kit xét nghiệm COVID-19 đối với các biến chủng của SARS-CoV-2 để xem bộ kit có thể phát hiện ra virus không.

Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng (ngồi) làm việc cùng các đồng nghiệp - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chị cho biết: Công việc hiện tại cũng đỡ áp lực hơn thời gian đầu. Thực ra việc nghiên cứu có lúc phải có sự tĩnh tâm để nhìn lại, không thể lúc nào cũng đặt vào áp lực được.

“Mình may mắn được gia đình, bố chồng hỗ trợ trong việc chăm sóc con cái, nhưng quả thực để dành thời gian cho các con là hơi khó do tính chất công việc. Tuy nhiên, công việc của bọn mình như thế này không thể vất vả bằng các bác sĩ tuyến đầu chống dịch được. Mình thấy mình làm nghiên cứu nhưng so với việc điều trị chẳng hạn, các bác sĩ nữ còn vất vả hơn rất nhiều. Đại dịch đang diễn ra, ai cũng có công việc và áp lực, nhưng mọi người đều không nề hà, cố gắng làm hậu phương vững chắc cho tuyến đầu chống dịch”, chị Hằng chia sẻ.

Còn chị Bùi Thị Thúy cũng tâm sự, đã xác định gắn bó rồi thì luôn phải yêu ngành, yêu nghề, bởi chỉ có như vậy mới giúp mình vượt qua vất vả, không làm gián đoạn công việc và ảnh hưởng đến cả ê-kip chung. “Thực ra các thầy trong ban nghiên cứu sẽ vất vả hơn nhiều, bọn mình là kỹ thuật viên thì cũng chỉ là góp một phần nhỏ thôi, làm sao để nghiên cứu thành công một loại vaccine cho toàn dân thì bọn mình cũng muốn đóng góp một phần sức lực vào công cuộc này”, chị Thúy nói.

PGS.TS Hồ Anh Sơn cho biết, những nhân viên nữ trong đơn vị đều có tinh thần trách nhiệm cao, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các anh chị em cùng chung vai gánh vác, cùng chia sẻ. “Thực ra Viện không có đủ quyền hạn để khen thưởng hết nhưng tôi cũng phải công nhận rằng tất cả chị em đều xứng đáng được khen thưởng và không chỉ khen thưởng một lần. Đối với nhân viên ở đây, họ vừa là nhà nghiên cứu, đồng thời còn tham gia chống dịch, lại là quân nhân, vì vậy khi chỉ huy huy động bất kỳ giờ giấc nào họ đều có mặt để thực hiện nhiệm vụ. Đó là lý do mà chúng tôi vừa nể phục, vừa trân trọng, muốn tặng huân chương, huy chương cho tất cả các chị”.

Những người phụ nữ, những quân nhân nghiên cứu khoa học, cống hiến cho cuộc chiến chống đại dịch của đất nước, nhưng chắc hẳn các chị chưa bao giờ nghĩ đến việc được tặng thưởng hay tung hô, bởi như chị Bùi Thị Thúy từng tâm sự, “vì mục đích nhân văn của công việc nên chúng tôi đều cố gắng hết mình”.

Vũ Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/nhung-bong-hong-xanh-va-menh-lenh-trai-tim/424883.vgp