Những 'bóng hồng' tận tâm, tận lực với học viên cai nghiện

Công tác tại trung tâm cai nghiện là một trong những công việc phức tạp, đòi hỏi sự kiên nhẫn, không ngại gian khó. Tuy nhiên, tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh), một số nữ thanh niên xung phong đã tình nguyện gắn bó với công việc này nhằm hỗ trợ những người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng.

Một trong những nữ thanh niên xung phong tận tâm với công việc hỗ trợ người cai nghiện là chị Vũ Hồng Thúy, cán bộ tổ nữ Khu hỗ trợ cắt cơn, Cơ sở xã hội Nhị Xuân. Sinh năm 1991, khi vừa tốt nghiệp ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Lao động - Xã hội vào năm 2017, chị Vũ Hồng Thúy đã quyết định xin vào công tác tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân nhằm hỗ trợ những học viên cai nghiện mà chị đã có dịp tiếp xúc khi đi thực tập tại cơ sở lúc còn là sinh viên năm thứ 4.

Chị Vũ Hồng Thúy, cán bộ tổ nữ Khu hỗ trợ cắt cơn, Cơ sở xã hội Nhị Xuân động viên nữ học viên cai nghiện tự nguyện.

Chị Vũ Hồng Thúy, cán bộ tổ nữ Khu hỗ trợ cắt cơn, Cơ sở xã hội Nhị Xuân động viên nữ học viên cai nghiện tự nguyện.

Khi mới vào làm, Hồng Thúy được đơn vị cho học nghiệp vụ về cách sơ cấp cứu khi học viên xảy ra sự cố; về công tác tham vấn, tư vấn, vệ sinh an toàn thực phẩm, cách phòng chống các bệnh truyền nhiễm và đặc biệt là môn võ để tự vệ. Trong thời gian đầu công tác, Hồng Thúy gặp phải một số học viên không chấp hành quy định, nội quy giờ giấc, tỏ ra khó chịu, chửi thề, gây mâu thuẫn nội bộ trong phòng với các học viên khác và đặc biệt có hành vi chống đối. Bên cạnh việc nhờ đến giúp đỡ của đồng nghiệp, Hồng Thúy dành nhiều thời gian để tiếp xúc, lắng nghe học viên một cách chân thành, gần gũi. Từ từ, các học viên cũng tự nhìn nhận và thay đổi, chấp hành nội quy của cơ sở.

Hồng Thúy chia sẻ: Khó khăn trong công tác quản lý học viên cai nghiện là nắm bắt tâm lý, giúp học viên tuân thủ nền nếp tại cơ sở để quá trình cắt cơn, cai nghiện được thuận lợi. Nhiều học viên có mâu thuẫn từ trước hoặc khi vào cơ sở nảy sinh mâu thuẫn rồi cự cãi nhau, tôi phải luôn tìm cách giải quyết mâu thuẫn bằng cách tách riêng từng học viên, làm việc riêng với học viên, giảm chế độ đi mua đồ căng-tin, gọi điện về nhà đối với những học viên không chấp hành tốt.

Trong khi đó, đối với bản thân, tôi phải thường xuyên học tập kinh nghiệm, cũng như cách vượt qua khó khăn của các anh chị trong cơ sở. Làm việc xa gia đình (quê ở tỉnh Thanh Hóa), đặc thù công việc không được nghỉ ngày lễ, Tết để về thăm gia đình, nhưng nhận được sự động viên của đồng nghiệp và gia đình nên tôi luôn cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với Hồng Thúy, sự thay đổi về nền nếp, lối sống, cũng như ý chí bắt đầu cuộc sống mới không có ma túy của các học viên là động lực để chị tiếp tục cống hiến và giúp đỡ những người từng vướng vào ma túy.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hợp, y sĩ Phòng Y tế, Cơ sở xã hội Nhị Xuân đã có gần 20 năm gắn bó với học viên cai nghiện. Không giống như các y, bác sĩ làm việc ở các bệnh viện, các y, bác sĩ làm việc tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân thường phải đối mặt với những nguy hiểm nhất định khi thường xuyên tiếp xúc với học viên sử dụng ma túy, ngáo đá, có hành vi chống đối.

Trong công tác khám chữa bệnh, chị Nguyễn Thị Hợp luôn phải đối mặt với học viên tìm cách gây hấn, dùng những từ ngữ khó nghe. Có trường hợp học viên trong lúc đến phòng khám bệnh thì lên cơn kích động, đập phá cửa, đòi được về để mua ma túy. Gặp những trường hợp như vậy, chị Hợp vừa phải kiên định, vững vàng trong hành động, vừa phải nhỏ nhẹ, xoa dịu học viên, giảm kích động rồi kê những toa thuốc phù hợp.

Đối với những y sĩ tại cơ sở cai nghiện như chị Nguyễn Thị Hợp, công việc dường như càng tất bật vào những ca trực đêm để giải quyết những vấn đề sức khỏe của người đang cai nghiện như nhức đầu, cảm sốt, đau bụng, cũng như tiếp nhận và xử lý những trường hợp phê ma túy, ngáo đá, do lực lượng công an đưa đến.

Chăm sóc sức khỏe cho học viên cai nghiện không chỉ đơn thuần là khám bệnh, kê thuốc, mà phải quan tâm cả về môi trường sinh hoạt, động viên tinh thần, giải thích nhiều vấn đề để học viên nắm bắt và tuân theo để cắt cơn, tự nguyện tránh xa ma túy. Với thái độ ân cần, luôn sẻ chia của chị Hợp, dần dần học viên không chỉ xem chị là một người thầy thuốc, mà còn là người đáng tin tưởng như người thân trong gia đình, luôn chia sẻ với chị những vấn đề gặp phải trong quá trình cắt cơn, cai nghiện và thường thăm hỏi về gia đình và công việc vất vả của chị.

Chị Nguyễn Thị Hợp cho biết: Tính chất công việc đặc thù nên các y bác sỹ tại đây thường xuyên đối mặt với nhiều bệnh nhân tâm lý bất thường, rủi ro luôn rình rập, đòi hỏi người thầy thuốc phải nỗ lực nhiều hơn trong công tác, nắm bắt tâm lý, tinh thần người bệnh để tìm cách xoa dịu. Nhìn những học viên tiến bộ từng ngày trong quá trình cắt cơn, cai nghiện, đủ sức khỏe để học tập và lao động, bắt đầu cuộc sống mới khi trở về với gia đình, các y bác sỹ tự nhủ phải nỗ lực nhiều hơn để luôn sát cánh hỗ trợ học viên sửa chữa sai lầm, tái hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội.

Chị Vũ Hồng Thúy, cán bộ tổ nữ Khu hỗ trợ cắt cơn sinh hoạt cùng học viên cai nghiện tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân.

Chia sẻ về công tác của cán bộ tại cơ sở cai nghiện, ông Ngô Quốc Việt, Phó Giám đốc Cơ sở xã hội Nhị Xuân cho biết: Cơ sở xã hội Nhị Xuân hiện có trên 1.500 học viên cai nghiện tự nguyện và bắt buộc, trong khi lực lượng phụ trách không nhiều đòi hỏi các cán bộ, nhân viên phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì tính chất công việc đặc thù, nên các cán bộ, nhân viên tại đây thường không có ngày nghỉ cuối tuần, không được nghỉ dịp lễ, Tết và thường xuyên đối diện với những nguy cơ rủi ro. Với lòng yêu nghề và quyết tâm hỗ trợ học viên trong quá trình cai nghiện, các thanh niên xung phong tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân phấn đấu vượt qua khó khăn, động viên, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Nguyễn Xuân Dự (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/nguoi-tot-viec-tot/nhung-bong-hongtan-tam-tan-luc-voi-hoc-vien-cai-nghien-20190519141203677.htm