Những bông hoa tươi thắm của tuổi trẻ dân tộc thiểu số

Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu năm 2019 diễn ra ngày 12-11, tại Hà Nội, là nơi quy tụ những gương mặt trẻ tuổi người DTTS với nhiều thành tích trong học tập và lao động sản xuất. Họ chính là niềm tự hào của nhiều bản làng xa xôi, hẻo lánh với những việc làm ý nghĩa, thành tích học tập xuất sắc. Báo Biên phòng giới thiệu một số gương mặt trẻ tuổi người DTTS đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng và xã hội, được vinh danh lần này.

Mang con chữ đến với bà con dân bản

Trung úy Vàng Lao Lừ, công tác tại Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La là một trong số 6 thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương lần này. Anh là người thầy thân thương của bà con dân bản vùng biên giới Mường Lạn. Từ thực tế, nhiều gia đình không quan tâm đến việc cho con em đến trường học đầy đủ, năm 2017, Trung úy Lừ chủ động tham mưu cho chỉ huy đơn vị phối hợp với chính quyền xã và Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Sốp Cộp khảo sát mở 1 lớp xóa mù chữ tại bản Co Muông với 36 học sinh.

Sau thành công của lớp học đầu tiên, anh tiếp tục đứng lớp giảng dạy cho 39 học sinh bản Nong Phụ. Ngoài ra, qua công tác nắm tình hình, Trung úy Lừ đã trực tiếp phát hiện, phối hợp, tham gia giải cứu thành công em Vàng Thị Sênh, sinh năm 2000, trú tại bản Co Muông, bị các đối tượng lừa, dụ dỗ về Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), chuẩn bị đưa lên Lào Cai để bán sang Trung Quốc.

Học để góp sức mình bảo vệ biên cương Tổ quốc

Đó là tâm niệm của học viên năm thứ nhất Học viện Biên phòng Giàng A Thắng, dân tộc Mông, quê ở xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhiều bữa phải đến trường với cái bụng đói, nhưng chưa khi nào Thắng nghĩ tới việc bỏ học giữa chừng. Ngoài giờ đến trường, em còn giúp bố mẹ làm nương, làm rẫy, chăn trâu. Nhờ chăm chỉ và cần mẫn, Thắng luôn đạt điểm cao trong học tập. 3 năm học trung học phổ thông, cậu học sinh này đều tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Năm lớp 10, Thắng đoạt giải Ba môn Vật lý, cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Sang lớp 11, em tập trung học các môn xã hội để thực hiện ước mơ thi vào Học viện Biên phòng. Kết quả, em đoạt giải Ba cuộc thi học sinh giỏi tỉnh môn Sử năm lớp 11 và giải Ba năm lớp 12. Với kết quả học tập tốt, năm 2019, Thắng được xét tuyển vào Học viện Biên phòng. Thắng tâm sự: “Em cảm thấy vinh dự và hạnh phúc khi được học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội. Em thích màu áo Biên phòng từ thủa nhỏ nên quyết tâm vào học tại Học viên Biên phòng. Em mong sau này góp được sức mình bảo vệ biên cương Tổ quốc”.

Làm những gì mình thích không bao giờ là muộn

Giành giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý và đạt 26 điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, Vi Thị Mai Trang, người dân tộc Thái, đến từ tỉnh Nghệ An được tuyển thẳng vào Đại học Kiểm sát Hà Nội. Học chuyên Văn nhưng Trang có đam mê đặc biệt với môn Địa lý, em tò mò và khao khát được đặt chân tới những miền đất trên bản đồ.

Để bồi đắp kiến thức về môn Địa lý hiệu quả nhất, Trang chọn cách học cuốn chiếu, học đến đâu, chắc đến đó, sau đó hệ thống lại một lượt các kiến thức đã học và không ngừng tìm tòi trên mạng internet, qua sách báo, học hỏi thầy cô, bạn bè. Vì thế, ngay từ năm lớp 11, Trang đã mạnh dạn tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đoạt giải Ba. Năm lớp 12, Trang tiếp tục giành giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý. Chia sẻ về đam mê của mình, Trang vui vẻ nói: “Với em, làm những gì mình thích không bao giờ là muộn”.

Đam mê lịch sử từ những câu chuyện quá khứ

Cô gái người dân tộc Tày Triệu Huyền Trang, đến từ tỉnh Tuyên Quang đoạt giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử năm 2019 và giành 27,25 điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, nhờ đó, em được tuyển thẳng vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Triệu Huyền Trang cho biết, những câu chuyện lịch sử về quá khứ hào hùng của dân tộc, những giai thoại về anh hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước luôn cuốn hút em.

Chia sẻ kinh nghiệm học môn Lịch sử của mình, Trang cho biết: “Trên lớp, em chăm chú nghe cô giáo giảng bài rồi về nhà, đọc lại để nhớ hơn. Em học từ khóa, sau đó học theo cách hiểu, tham khảo nhiều nguồn tài liệu, tìm kiếm thông tin trên mạng internet, sưu tầm những bộ phim dựng lại từ lịch sử. Đồng thời, trước khi học bài mới, em đã tìm hiểu các tài liệu để nắm được diễn biến, kết quả và ý nghĩa của từng sự kiện”. Bật mí về ước mơ sau này, Trang chia sẻ, nếu có cơ hội, em muốn tiếp tục nghiên cứu về lịch sử.

Vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề xã hội

Lưu Quỳnh Anh, dân tộc Pà Thẻn ở xã Hùng An, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang gây ấn tượng với bạn bè xung quanh bởi thành tích học tập đáng nể - 12 năm liền đều đạt học sinh giỏi, cùng với rất nhiều giải thưởng, như giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh; giải Khuyến khích cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong nhà trường phổ thông...

Hiện nay, Quỳnh Anh đang theo học năm thứ hai tại Khoa Kinh tế và Quản lý (Đại học Điện lực). Chia sẻ về bí quyết học tập, Quỳnh Anh cho biết, trên lớp, em luôn chú ý nghe giảng, về nhà, em phân bố thời gian khoa học để học được đủ các môn học, dành thời gian đọc sách và tìm hiểu thêm kiến thức trên mạng internet.

Không chỉ học giỏi, Quỳnh Anh còn tích cực tham gia các hoạt động do nhà trường phát động. Trăn trở với những vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống thường ngày, Quỳnh Anh đã tham gia nghiên cứu khoa học, thực hiện đề tài vận dụng các kiến thức chuyên môn để giải quyết những vấn đề trong xã hội. Cụ thể là vận dụng kiến thức địa lý, lịch sử, giáo dục công dân để giải quyết vấn đề rác thải thông qua tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức.

Bích Nguyên - Thùy Trang (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-bong-hoa-tuoi-tham-cua-tuoi-tre-dan-toc-thieu-so/