Những bông hoa thép ở Đông Ngàn

Vào thời điểm đất nước sục sôi trong khói lửa chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc được thành lập, bảo vệ yết hầu vùng trung chuyển quân lương, đạn dược trên cung đường biển phục vụ cho chiến trường miền Nam. Những cô gái tuổi vừa đôi tám đã dốc hết sức lực vì lòng yêu nước nồng nàn và trở thành Trung đội nữ dân quân đầu tiên ở miền Bắc bắn hạ máy bay Mỹ bằng súng bộ binh.

Những “bông hoa thép” ở Hoa Lộc năm xưa.

Những “bông hoa thép” ở Hoa Lộc năm xưa.

Lăn xả vì lòng căm thù

Tôi ví von những người tham gia vào Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc như những “bông hoa thép” bởi ở tuổi thất thập rồi nhưng khi nhớ về kỷ niệm xưa, trên nét mặt họ vẫn rạng ngời niềm kiêu hãnh, tự hào đến lạ. Ngồi đối diện với tôi trong căn nhà khang trang, cô Nguyễn Thị Thứ, trú thôn Hoa Trung, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), năm nay bước sang tuổi 73 nhớ rành rọt: “Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc được thành lập đúng ngày Quốc tế thiếu nhi năm 1967. Các cô có khoảng 10 ngày để vừa học lý thuyết, vừa thực hành cách thao tác tháo lắp, kỹ chiến thuật sử dụng súng. Con số duy trì của trung đội gồm 14 người nhưng thực tế có 32 thiếu nữ luân phiên tham gia để phục vụ ba khẩu 12 ly 7”.

Kết thúc khóa huấn luyện cấp tốc, Trung đôii nữ dân quân Hoa Lộc được giao nhiệm vụ lập lán tại cồn Đông Ngàn. Những ngày đầu đầy gian khó, đơn vị thay nhau trực chiến, sẵn sàng chống trả sự tấn công, xâm lược của kẻ thù. Buổi tối, khi công việc tạm gác lại, các chị tranh thủ học văn hóa, tăng gia sản xuất, cấy lúa, trồng khoai để duy trì sinh hoạt. “Đất nước trong thời bom đạn, khó khăn lắm. Chị em chúng tôi thường hái rau khoai làm thức ăn, cán bộ xuống kiểm tra phải giấu đi để mọi người khỏi lo lắng. Ở gần Đông Ngàn có kho lương thực, thực phẩm, họ làm thịt lợn rán mỡ gửi vào Nam, thỉnh thoảng trung đội xin được ít tóp, chị em vui lắm rồi”, Trung đội phó Trịnh Thị Cần nhớ lại.

Nhưng vì lòng căm thù, muốn được đóng góp công sức của mình vào công cuộc đánh đuổi giặc Mỹ, chị em trong Trung đội luôn sẵn sàng lăn xả, bất chấp hiểm nguy, không quản mọi gian khó. Hàng ngày, máy bay Mỹ liên tục lượn qua, lượn lại rà soát các địa điểm chúng nghi ngờ để thả bom. Trung đội miệt mài ngày đêm theo dõi, quan sát để rút ra quy luật hoạt động của chúng.

Cô Thứ nói: “Trận địa Đông Ngàn là yết hầu bảo vệ âu thuyền cho tàu ra vào bốc hàng, bảo vệ kho lương thực, thực phẩm nên chị em viết quyết tâm thư “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không rời trận địa”. Nhiều hôm, máy bay tiêm kích Mỹ bay thấp xuống dưới tầm rặng phi lao rồi lại vụt đi nhưng chị em vẫn bền gan mai phục. Đời thường, chị em giản dị, vô tư lắm vì vẫn đang tuổi ăn, tuổi lớn. Nhưng trước quân thù thì hoàn toàn ngược lại, cả trung đội nhanh như cắt, luôn sẵn sàng trực vị trí để quyết chiến với quân xâm lược”.

Sống lại tuổi đôi mươi

Bữa nay, sắp dịp kỷ niệm ngày giải phóng đất nước, các cô gọi điện rồi kéo về gia đình cô Nguyễn Thị Thứ trò chuyện rất rôm rả. Tôi tưởng tượng, dường như họ đang sống lại tuổi đôi mươi, những ký ức của thời hoa lửa cứ thế ùa về. Cô Trịnh Thị Cần, Trung đội phó Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc kể: Việc tập bắn súng đối với phụ nữ khó lắm, súng lại có nhiều bộ phận phức tạp nhưng ai cũng quyết tâm rèn luyện nên nhanh chóng thuần thục. Không phải chờ đợi lâu, chỉ hơn chục ngày sau kể từ khi trung đội ra đời, những “bông hoa thép” đã giành được chiến công đầu tiên vô cùng oanh liệt.

Trong tâm trí cô Nguyễn Thị Thứ vẫn còn in nguyên ký ức lần đầu tiên đơn vị bắn hạ máy bay Mỹ. Vào khoảng 15h chiều ngày 16/6/1967, trong khi cả trung đội đang luyện tập thì trên bầu trời bất ngờ xuất hiện hai tốp máy bay của địch, bay vòng vào trận địa. Dưới sự chỉ đạo của trung đội trưởng, ba khẩu súng 12 ly 7 đồng loạt nhả 21 viên đạn. Một chiếc máy bay A4D “dính đòn”. Thấy vậy, cả tốp máy bay quay đầu tháo chạy ra biển. Sau đó, cả làng hò reo, còn cả trung đội thì vui mừng đến mức chỉ biết ôm nhau khóc nức nở. Chiếc máy bay trúng đạn, vĩnh viễn vùi xác dưới đáy biển ở khu vực đảo Nẹ.

Cô Nguyễn Thị Thứ hoài niệm về một thời hoa lửa.

Chiến công của những cô gái vùng đất Hoa Lộc nhân lên gấp bội tinh thần quật cường, khi được Bác Hồ gửi thư khen. Cô Thứ chia sẻ: “Tôi còn nhớ như in lời của Bác trong lá thư gửi cho trung đội: “Bác rất vui lòng khen các cháu đã chiến đấu giỏi và bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ. Bác gửi tặng mỗi cháu một huy hiệu. Bác mong các cháu hãy phát huy những điểm tốt: Chăm học, chăm làm, sản xuất giỏi, đánh giặc giỏi cùng với bà con địa phương giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa…”.

Sự động viên kịp thời của Bác Hồ tiếp thêm nguồn sức mạnh, tạo động lực giúp chị em trong trung đội mạnh mẽ hơn, không sợ khó, sợ khổ, hăng say luyện tập để nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, đề cao cảnh giác, sẵn sàng đánh trả sự xâm lược của kẻ thù. Năm tháng sau đó, vào ngày 2/11/1967, Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc bắn rơi chiếc máy bay thứ hai. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn với vũ khí bộ binh thô sơ nhưng đơn vị này đã lập nên thành tích nể phục, khiến quân thù hoảng sợ.

Xây dựng tượng đài ghi công

Chiến công hiển hách của những “bông hoa thép” ở Hoa Lộc đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, tặng Huân chương Lao động hạng Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Các cô Cần, cô Thứ, cô Mợi, cô Nghi... vinh dự được kết nạp đảng ngay tại trận địa. Cô Thứ nhớ lại: Nhiều chị em trong trung đội sau khi lập chiến công được sang Liên Xô, Bungari, Triều Tiên tuyên truyền về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc để cả thế giới hiểu rõ bản chất, ủng hộ Việt Nam, phản đối cuộc xâm lược phi nghĩa của kẻ thù. Trung đội phó Trịnh Thị Cần kể: “Tôi sang Liên Xô sau lần bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên. Mình sang đó để vận động những người ưa chuộng hòa bình phản ứng mạnh mẽ việc Mỹ xâm lược Việt Nam”.

Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, những đóng góp xương máu của bậc cha anh để giành lại độc lập cho dân tộc luôn được các thế hệ tiếp nối trân trọng và tôn vinh. Để tri ân những đóng góp của các cô gái dân quân xã Hoa Lộc, tháng 4/2018, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng mô hình trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc. Dự án được dự kiến xây dựng với thời gian không quá 3 năm (2019-2022), trên diện tích trên 1,1ha với các hạng mục chính: Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn, phục hồi, tái hiện các công trình như: Ụ pháo, pháo, giao thông hào, hầm chữ A, lều tranh, cảnh quan trong khu vực...); công trình Tượng đài Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc; nhà truyền thống kết hợp đón tiếp khách; hạng mục ao (hố bom)…

Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Dự án nói trên có ý nghĩa quan trọng, đây là công trình tri ân, tôn vinh những cống hiến, chiến công trong chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước của Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc, trung đội đầu tiên của miền Bắc đã bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh. Về việc này, những “bông hoa thép” năm xưa mong muốn công trình sẽ sớm được khởi công xây dựng. Cô Trịnh Thị Cần chia sẻ: “Được biết tỉnh, huyện chuẩn bị xây dựng di tích Trận địa Đông Ngàn và tượng đài Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc, chúng tôi rất tự hào, xúc động”.

Về việc này, mới đây nhất, vào đầu tháng 2/2020, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nghe huyện Hậu Lộc báo cáo tổng thể chi tiết dự án về tượng đài và cả khu di tích. Theo đó, công trình dự kiến được đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Tỉnh sẽ hỗ trợ 3 tỷ, còn lại huyện huy động bằng nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên đây là di tích cách mạng, nên việc huy động nguồn vốn sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đang yêu cầu huyện Hậu Lộc điều chỉnh lại dự án, với hy vọng đạt mức khả thi về nguồn tài chính, để công trình sớm được triển khai xây dựng.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-mat-tran/nhung-bong-hoa-thep-o-dong-ngan-tintuc464970