Những bông hoa đẹp trong vườn hoa làm theo lời Bác

Thực hiện Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị (khóa XII) 'Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh', những năm qua đã có nhiều tấm gương tiêu biểu đại diện cho nhiều tập thể và cá nhân trên khắp cả nước. Mỗi tập thể, cá nhân có những cách học tập và làm theo gương Bác một cách khác nhau nhưng tựu trung đều hướng tới chân, thiện, mỹ.

Trao kỷ niệm chương cho các điển hình tiêu biểu trong “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ảnh: PHẠM ĐÔNG

Dự chương trình giao lưu cùng các gương điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Thành ủy Hà Nội tổ chức (tối 24.8) có đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Người mẹ của những trẻ lang thang, cơ nhỡ

Tại buổi giao lưu nhiều khán giả đã rất xúc động khi được nghe câu chuyện của sư cô Thích Nữ Uyên Liên - Trụ trì chùa Phổ Quang, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Sư cô Thích Nữ Uyên Liên là người luôn kêu gọi cộng đồng phật tử chung tay chia sẻ khó khăn với người nghèo, trẻ em cơ nhỡ, người già neo đơn và đồng bào bị lũ lụt thiên tai, tiếp nhận, nuôi dưỡng các em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ và trẻ bị bỏ rơi, hy vọng bù đắp phần nào cho các em, giúp vơi đi nỗi buồn, thiệt thòi trong cuộc sống. Chùa Phổ Quang trở thành nơi nương tựa của hơn 40 trẻ em lang thang, mồ côi, cơ nhỡ. Sư cô Uyên Liên đã dang rộng vòng tay bao bọc, nuôi dưỡng, đặt tên cho các em…

Sư cô Thích Nữ Uyên Liên tâm niệm: “Con người ta không chỉ mang an lạc cho mỗi bản thân mà cần sẻ chia với tất cả mọi người. Gieo vào tâm hồn các em những suy nghĩ tích cực, bồi thêm niềm tin yêu vào cuộc sống”.

Nói về quá trình chăm sóc những đứa trẻ, sư cô cho biết, để chăm sóc, nuôi dưỡng được hơn 40 đứa trẻ với mọi lứa tuổi là thách thức rất lớn. Tuy nhiên, với tình thương, tình yêu lớn quá nên chúng tôi đã cố gắng vượt qua tất cả điều đó. Trăn trở lớn nhất của chúng tôi đó là dạy dỗ các em nên người. “Có những em vừa mới đẻ ra đã bị bỏ rơi, cân nặng chỉ có 1kg, người rất yếu, hơi thở yếu ớt. Lúc phát hiện ra em, tôi đã không biết làm cách nào, chỉ có thể ôm ấp con vào lòng và mang về chăm sóc. Hiện nay bé đã gần 3 tuổi và sống rất khỏe mạnh” - sư cô tâm sự.

Hết lòng trong công tác tìm kiếm cứu nạn

Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Anh Vũ - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam. Ông Vũ cho biết, trung bình mỗi năm, Trung tâm thu nhận và xử lý từ 500 đến 600 vụ việc tìm kiếm cứu nạn, trong đó trực tiếp cứu và hỗ trợ hàng nghìn người bị nạn trên biển, thực hiện hàng trăm lượt tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng xuất kích đi cứu nạn tại các vùng biển xa, vùng biển các đảo, quần đảo của
tổ quốc.

“Các vụ cứu nạn diễn ra trong điều kiện thời tiết rất xấu, nhưng các chiến sĩ đã liều mình vượt bão. Chúng tôi luôn mang trong mình tâm niệm phải cứu bằng được người bị nạn, xem họ như những người thân trong gia đình. Với tinh thần hết lòng vì người bị nạn, các thuyền viên tàu cứu nạn đã vượt qua tất cả khó khăn, sẵn sàng thực hiện công việc bất cứ lúc nào” - ông Vũ nói.

Theo lời kể của ông Vũ, tháng 11.2017, đơn vị đã cứu nạn thành công 13 ngư dân Bình Định trước thời điểm cận kề cơn bão. Điều trăn trở của ông cũng như những ngư dân là con tàu - cơ nghiệp của họ phải bỏ lại biển khơi. Ưu tiên hàng đầu trong cứu nạn là cứu người còn sống. Đối với những người đã chết trôi dạt trên biển, hoặc nằm trong những con tàu chìm dưới đáy đại dương, lực lượng cứu nạn hàng hải cũng phải quyết tâm tìm kiếm với hết tất cả khả năng của mình để an ủi một phần nào nỗi đau của gia đình những người đã mất.

PHẠM ĐÔNG - TRẦN VƯƠNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/nhung-bong-hoa-dep-trong-vuon-hoa-lam-theo-loi-bac-627524.ldo