Những bông hoa đẹp giữa biển khơi - Bài cuối: Tích cực dựng xây cuộc sống mới trên đảo

Suốt hành trình công tác, Đại tá Hồ Thanh Hoàn, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 1- Hải quân nhiều lần nhắc với chúng tôi về 'những chủ nhân của đảo, những linh hồn của đảo'. Nhìn ra trùng khơi xanh ngắt với nghìn con sóng vỗ, chúng tôi cứ miên man hình dung về cuộc sống của người dân trên đảo. Cho đến khi được đặt chân đến nơi đây để gặp gỡ, chuyện trò với những 'cột mốc sống' ấy, chúng tôi mới xác thực được rằng, những gì mình tưởng tượng là chưa đủ.

Đến đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh), đơn vị dân sinh đoàn ghé thăm đầu tiên là Trường Liên cấp đảo Trần. Khi chúng tôi có mặt, các thầy cô, học trò của trường và đại diện bà con nhân dân sinh sống tại đảo đã tề tựu đông đủ để đón đoàn khiến chúng tôi- những vị khách ở đất liền đến cảm thấy vinh dự. Trong bộ quần áo đẹp nhất, hàng chục cháu nhỏ sau khi được các cô, các chú của đoàn công tác tặng quà đều tỏ ra thích thú, đùa vui náo nức. Bên cạnh đó là những bậc phụ huynh, cũng là người dân sinh sống trên đảo đang chăm chú dõi theo các con bằng nụ cười ấm áp- như một cách thức thay lời cảm ơn họ muốn nói.

Đoàn công tác thăm thầy trò, người dân tại đảo Trần (xã Thanh Lân huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Đ.Quyên

Đoàn công tác thăm thầy trò, người dân tại đảo Trần (xã Thanh Lân huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Đ.Quyên

Ngồi sát chúng tôi- chị Đặng Thị Nga, quê tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đưa tay chỉnh lại cho cô con gái bộ áo dài truyền thống màu đỏ rực rỡ. Chị nói rằng, mới đó đã gần 7 năm chị và gia đình chuyển ra sinh sống tại đảo Trần. Năm 2014, được sự động viên của chính quyền địa phương, chị và chồng đã bàn bạc rồi thống nhất ra đảo gây dựng cuộc sống- khi ấy con lớn của chị vừa 5 tuổi còn đứa bé mới ở tuổi lên 2. Ra đảo chỉ có 2 bàn tay trắng, biết trước sẽ vất vả trăm bề nên anh chị bảo ban nhau phải không ngừng cố gắng. Mưu sinh ở đất liền đã khó; mưu sinh ở đảo càng khó hơn. Để nuôi 4 miệng ăn, hàng ngày chồng chị đều đặn ra khơi đánh bắt cá còn chị ở nhà chăm sóc con nhỏ và lo việc chợ búa, cơm nước. Thời gian dần trôi, 2 con đã lớn, cuộc sống trên đảo đã quen và vững vàng hơn trước rất nhiều. Niềm vui của anh chị giờ đây là 2 đứa con khôn lớn, được đến lớp đến trường đầy đủ. Được sự quan tâm của chính quyền; sự giúp đỡ của các đơn vị bộ đội đóng quân trên đảo, nhà anh chị giờ đã khang trang hơn; nhờ đó anh chị càng thêm quyết tâm bám đảo để xây dựng cuộc sống mới.

Tại đảo Trần, có một gia đình được bà con nhắc đến rất nhiều, đó là gia đình chị Nguyễn Thị Cảnh, SN 1977- gia đình đầu tiên xung phong ra đảo và bám trụ ở đảo từ đó đến nay. Sau 14 năm- từ cái ngày đầu gia đình chị Cảnh đặt chân lên đảo, đến nay đảo Trần đã có 12 hộ dân với 55 nhân khẩu. Một cộng đồng dân sinh được hình thành và ngày càng lớn mạnh; mối quan hệ của những người hàng xóm trên đảo cũng khăng khít, gắn bó hơn. Trên đảo ít người nên cái tình là thứ quý giá nhất; do vậy mọi người thường xuyên trao đổi, giúp đỡ, hỏi han, qua lại nhà nhau. Nhân dân trên đảo Trần hầu hết sinh sống bằng nghề đánh bắt cá và không có nghề phụ; tuy cuộc sống còn còn quá nhiều khó khăn, chưa có điện lưới nhưng tất cả luôn động viên nhau cố gắng, tự thân vận động để cuộc sống ngày càng ấm no, tốt đẹp hơn.

Nếu điện lưới là ước mơ của người dân đảo Trần thì tại xã Bản Sen (thuộc đảo Trà Bản, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), điện đã có từ nhiều năm nay nên cuộc sống người dân nơi đây đã đổi khác rất nhiều. Từ những ngôi nhà mới khang trang, con đường chính vào bản được bê tông hóa sạch đẹp; trường học được xây mới…, chúng tôi nghe rất rõ giai điệu vui tươi của một xã đảo đã và đang hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Một trong những điểm sáng tại đây là trường mầm non Bản Sen. Năm 2013, trường được đầu tư, xây dựng một khu mới và được đánh giá đạt chuẩn quốc gia mức độ 3. Năm học qua, trường có hơn 60 học sinh chia thành 5 nhóm lớp gồm 4 lớp mẫu giáo và 1 nhóm nhà trẻ. Học sinh đến trường đông vui, được các cô chăm sóc chu đáo, mạnh khỏe nên bố mẹ các cháu cũng yên tâm chăm lo phát triển kinh tế. Tại trường THCS Bản Sen, năm học qua có hơn 100 học sinh theo học. Đa số các em có ý thức vươn lên trong học tập và rèn luyện, phát huy được truyền thống hiếu học của địa phương; tham gia tích cực, nhiệt tình các hoạt động tập thể văn hóa- văn nghệ- thể dục, thể thao và các cuộc thi do các cấp, các ngành tổ chức. Với phương châm “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, chất lượng giảng dạy của nhà trường mỗi ngày một nâng cao.

Tiếp đoàn công tác trong niềm phấn khởi, ông Đinh Trung Kiên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bản Sen cho biết: Từ năm 2018, xã Bản Sen được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kể từ đó, các phong trào thực hiện mô hình “Xã nông thôn nâng cao”, “Khu dân cư nông thôn mới đạt chuẩn”, “Vườn đạt chuẩn”, “Hộ gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” luôn được phát huy, đẩy mạnh. Năm 2019, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban ngành, đoàn thể và nhân dân các thôn tiếp tục duy trì việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và xã đã xây dựng được các kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện đồng bộ nhiệm vụ được giao... ”.

Đến đảo Trần, đảo Trà Bản hôm nay, ngoài niềm tự hào về những người lính đảo, chúng tôi còn có thêm niềm tự hào về những người dân dũng cảm, tự nguyện rời quê hương ra đảo xa để lập nghiệp, dựng xây cuộc sống và thổi hồn cho đảo. Dẫu cho điều kiện vật chất trên đảo còn nhiều thiếu thốn; điều kiện thiên nhiên nơi đây lại vô cùng khắc nghiệt nhưng bằng tình yêu, trách nhiệm với tấc đất, tấc vàng của quê hương, những người dân trên đảo vẫn luôn gắn bó và tự tin xây dựng cuộc sống mới. Nhìn thấy vẻ đẹp của người lính, của người dân và của tình quân- dân trên đảo, chúng tôi đã có nhiều hơn những khoảnh khắc yêu thương cho mình; và càng ý nghĩa hơn khi được hiểu thêm sự thiêng liêng của mối quan hệ giữa người và người; giữa cá nhân với Tổ quốc.

Điệp Quyên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-bong-hoa-dep-giua-bien-khoi-bai-cuoi-tich-cuc-dung-xay-cuoc-song-moi-tren-dao-182358.html