Những bông hoa đẹp của ngành Giáo dục Thủ đô

Cuộc vận động 'Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo' là nội dung cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của ngành Giáo dục Thủ đô. Hội nghị tổng kết 10 năm cuộc vận động này diễn ra ngày 8-11, là dịp tôn vinh sứ mệnh cao cả của những thầy giáo, cô giáo hết lòng vì các thế hệ học trò.

Giờ học chuyên đề “Thanh lịch, văn minh trong giao tiếp” của học sinh Trường THPT Sơn Tây (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Thái Hiền

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố. Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đánh giá, qua 10 năm triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã có tác động lớn đến từng nhà giáo Thủ đô trong việc trau dồi trình độ chuyên môn, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng lối sống lành mạnh, phong cách mẫu mực. Sự nỗ lực, kiên trì của mỗi nhà giáo đã góp phần làm nên những chuyển biến rõ nét về kết quả giáo dục và đào tạo của toàn ngành, tạo niềm tin vững chắc cho nhân dân.

Từ cuộc vận động, đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy, hết mình với công việc, luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, tạo ra “sản phẩm” là những thế hệ học trò có tri thức, giỏi kỹ năng, có đạo đức, nhân cách tốt. Cô giáo Cao Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) là một trong số rất nhiều nhà giáo Thủ đô như thế. Cô Nga chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức rõ, nếu mỗi học trò không trở thành một công dân tốt, sống có ích thì việc có kiến thức dù giỏi đến bao nhiêu cũng vô nghĩa. Bởi vậy, bên cạnh triển khai bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” theo thời lượng quy định, ở mỗi thời điểm, việc giáo dục kỹ năng cho học sinh được thực hiện theo “đơn đặt hàng từ cuộc sống”. Đó là khi tình hình giao thông phức tạp, mà lứa tuổi học sinh THPT đã trực tiếp tham gia giao thông hằng ngày, chúng tôi hiểu sự cấp thiết phải dạy các con chấp hành nghiêm quy định của Luật Giao thông đường bộ; là lúc nhận thấy hầu hết phụ huynh ngày càng bận rộn, việc dạy cách cư xử, nếp sống cho con em còn hạn chế, chúng tôi đã dạy các con học cách sắp xếp đồ dùng, cách giao tiếp chuẩn mực, văn minh...”.

Trong suốt 10 năm qua, hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, đội ngũ thầy, cô giáo Thủ đô đã không ngừng hoàn thiện về mọi mặt, xứng đáng với sự kính trọng của học sinh, phụ huynh và sự nể phục của đồng nghiệp.

Cô giáo Nguyễn Thị Chín, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Hà Đông) là một trong những điển hình vượt qua khó khăn để tự học, sáng tạo và gắn bó với nghề đã chọn. 28 năm gắn bó với nghề, đôi khi, bản thân cô không khỏi ngậm ngùi với thân phận “môn phụ” bởi có không ít học sinh, phụ huynh chưa thực sự quan tâm, đầu tư cho môn học. “Chính thực tế ấy thúc giục tôi nỗ lực sáng tạo, đưa mỗi bài giảng thường được coi là khô cứng gần hơn với cuộc sống. Ngoài ra, nắm bắt được sự phức tạp trong diễn biến tâm lý của học sinh THPT, tôi đã xin thành lập phòng tư vấn học đường để có cơ hội gần gũi với học sinh hơn”. Từ một người gần như không biết về máy tính, cô Chín đã tự học, đến năm học 2016-2017, cô mạnh dạn đăng ký cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử và đoạt giải Nhì cấp thành phố.

“Tôi đang cùng một nhóm học sinh thực hiện đề tài nghiên cứu về “Sự vô cảm học đường, thực trạng và giải pháp”. Tôi muốn cùng học sinh có trải nghiệm thực tế, giúp các em tiếp cận và cảm nhận được suy nghĩ của phụ huynh, của bạn học về những hành động chưa đẹp của lứa tuổi học trò, từ đó tự rút kinh nghiệm cho bản thân mình” - cô Nguyễn Thị Chín chia sẻ...

Đó chỉ là những điển hình đại diện cho hơn 100.000 nhà giáo Thủ đô đang âm thầm, miệt mài gánh vác trọng trách cao cả: Trồng người. Dù ở cương vị nào, đảm nhận công việc gì, họ đều nỗ lực không mệt mỏi, hoàn thiện mình để trở thành những nhà giáo có chuyên môn giỏi, phẩm chất tốt, phong cách mẫu mực. Những điển hình ấy là những "bông hoa đẹp" đã và đang lan tỏa, làm đẹp cho nghề giáo.

Minh Đức

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/882344/nhung-bong-hoa-dep-cua-nganh-giao-duc-thu-do