Những bông hoa đất thép

'Những bông hoa Đất Thép' - Trung đội nữ du kích Củ Chi đã anh dũng lập nên những chiến công hiển hách trên quê hương Đất Thép Thành Đồng ghi dấu vào trang sử hào hùng của dân tộc. Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, những nữ du kích năm xưa, nay trở thành những tấm gương sáng để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Điểm chung nhất của các nữ du kích Củ Chi đi vào huyền thoại là đến với cách mạng khi còn rất trẻ (chỉ ở độ tuổi 15, 16), hăng hái, nhiệt huyết tham gia làm giao liên, đào địa đạo, nuôi giấu cán bộ, tuyên truyền vận động quần chúng ủng hộ cách mạng, rồi tham gia du kích xã…

Khi cuộc chiến bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, Trung đội nữ du kích Củ Chi trực tiếp tham gia nhiều trận đánh, lập nhiều chiến công. Nhớ về trận đánh đầu tiên của Trung đội nữ du kích Củ Chi, cựu Chính trị viên Lê Thị Sương kể: Được tin mật báo về cuộc càn bố của Mỹ-ngụy vào hướng Phú Hòa Đông, đội nữ du kích gồm: Nguyễn Thị Nê, Lê Thị Sương, Trần Thị Nhở kết hợp du kích và bộ đội thành ba mũi ém quân, chặn địch tại Cây Trắc, ấp Phú Mỹ. Lúc đó, Ban Chỉ huy dự kiến đội nữ ở giữa là mũi thứ yếu, hai mũi do nam giới đảm nhiệm là chính diện đối đầu với địch. Tuy nhiên, địch lại tiến thẳng vào mũi thứ yếu do đội nữ du kích đảm nhiệm, từ thứ yếu trở thành chính diện, không chút chần chừ, các nữ du kích nổ súng. Hai mũi còn lại phối hợp tạo thành thế gọng kìm tiến công, khiến quân địch rối loạn hàng ngũ. Kết quả trận chống càn này ta tiêu diệt được 30 tên địch, thu nhiều khẩu súng, đạn dược, quân trang quân dụng.

Ban Chỉ huy Huyện đội quyết định tặng Bằng khen Trung đội nữ du kích. Các chị, các má lớn tuổi động viên: “Tưởng đâu con gái chân yếu tay mềm không biết đánh giặc. Không dè tụi bây giỏi quá trời!”. Các má còn vận động bà con mang lương thực, thực phẩm, bánh tráng, đường, sữa tặng Trung đội nữ ăn mừng chiến thắng…

Hòa bình lập lại, Trung đội nữ du kích có 24 chiến sĩ anh dũng hy sinh. Người đội trưởng đầu tiên của Trung đội là liệt sĩ Nguyễn Thị Nê, hy sinh năm chị 24 tuổi, được Đảng, Nhà nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 30-8-1995. Cô Lê Thị Sương (Năm Sương), Chính trị viên đầu tiên của Trung đội nữ du kích khi mới thành lập, chia sẻ: “Các cô có lời hứa, sau này người sống lo cho người đã mất”. Lời hứa như lời thề minh chứng cho tình cảm đồng đội. Sau khi về hưu, cô trở lại vùng đất gắn với máu thịt mà cô đã một thời kháng chiến để tìm lại đồng đội năm xưa. Khi có Quyết định thành lập Ban liên lạc Cựu nữ du kích Củ Chi (năm 2013), ai nấy đều phấn khởi vui mừng vì có nơi để gặp gỡ, sinh hoạt với các đồng chí, đồng đội từng một thời sát cánh bên nhau. Ban liên lạc đã quy tụ được 57 cựu nữ du kích và thống nhất chọn ngày thành lập Trung đội (ngày 10-11 hằng năm) làm ngày giỗ chung cho 24 chị em đồng đội.

Những nữ du kích ngày nào, giờ đã là bà ngoại, bà nội, nhưng dưới "mái nhà chung" của Ban liên lạc càng thấm đượm tình đồng chí. Họ thường xuyên thăm nom sức khỏe của nhau, san sẻ kinh nghiệm làm ăn, vận động xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa và kịp thời giúp đỡ khi một ai đó lâm vào khó khăn, nhắc nhở chị em làm tấm gương tốt cho thế hệ con cháu. Đến nay, Ban liên lạc đã hỗ trợ sáu nhà tình nghĩa cho đồng đội, mười nhà tình thương, một ngôi nhà mơ ước cho các cựu nữ du kích bệnh tật, neo đơn, khó khăn. Các cô kể cho chúng tôi nghe về trường hợp của cựu nữ du kích Nguyễn Thị Nỉ, ở ấp Bình Hạ Tây, xã Thái Mỹ. Do di chứng của chiến tranh, cô Nỉ gầy, da chuyển sắc thành đen sạm, các ngón tay và chân co quắp, đi lại khó khăn, được người em gái chăm sóc. Hai người đàn bà neo đơn sống nương tựa nhau, Ban liên lạc phối hợp chính quyền địa phương vận động xây mới căn nhà tình thương tặng cho cô Nỉ.

Ban liên lạc đã nhiều năm cất công sưu tập để ghi lại và xuất bản cuốn ký sự “Những bông hoa Đất Thép”. Cựu nữ du kích, thành viên Ban liên lạc, cô Phan Thị Ngọc Liễu chia sẻ: Ký sự này là tâm tư, khắc khoải của tất cả chúng tôi từ ngày hòa bình. Mong muốn được ghi lại câu chuyện của đội nữ du kích, tái hiện lịch sử về đội quân tóc dài huyện Củ Chi, tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống cho đất nước cứ luôn canh cánh trong lòng. Nguyện vọng và tâm huyết đó đã được Huyện ủy Củ Chi nhiệt tình ủng hộ và hỗ trợ kinh phí in ấn. Tập ký sự “Những bông hoa Đất Thép” phát hành hơn 1.000 bản. Nhìn tác phẩm ra đời, chúng tôi cảm thấy rất tự hào, và thấy như được sống lại trong những ngày còn là nữ du kích Củ Chi: dấn thân, tự tin, tự hào và ngập tràn lòng yêu quê hương đất nước. Vinh dự và cao cả hơn hết, ngày 26-4-2018, Chủ tịch nước ra Quyết định số 623/QĐ-CTN về việc phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung đội nữ du kích Củ Chi vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37820402-nhung-bong-hoa-dat-thep.html