Phấn đấu sớm đưa Đô Lương trở thành thị xã

Năm 2017, tổng giá trị sản xuất huyện Đô Lương đạt 14.197,37 tỷ đồng, tăng 19,01% so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng đạt 15,11%; thu nhập bình quân đầu người đạt 39,96 triệu đồng/năm. Thu ngân sách nhà nước đạt 223 tỷ đồng, tăng 12,6% so với dự toán.

Một góc thị trấn Đô Lương.Ảnh: Tư liệu

Một góc thị trấn Đô Lương.Ảnh: Tư liệu

Phóng viên: Được biết, năm 2017, huyện Đô Lương đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Theo đồng chí, những điểm nhấn đáng chú ý là gì?
Đồng chí Ngọc Kim Nam: Năm 2017, Đảng bộ huyện Đô Lương triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong điều kiện có những thuận lợi: Các hoạt động thi đua chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Huyện nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành đoàn thể... Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có nhiều nỗ lực, nên kết thúc năm 2017 trên nhiêù̀ chỉ tiêu kinh tế- xã hội giành được những kết quả đáng khích lệ.
Tổng giá trị sản xuất đạt 14.197,37 tỷ đồng, tăng 19,01% so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng đạt 15,11%; thu nhập bình quân đầu người đạt 39,96 triệu đồng/năm. Thu ngân sách nhà nước đạt 223 tỷ đồng, tăng 12,6% so với dự toán. Năm 2017, toàn huyện đạt 518 tiêu chí nông thôn mới, tăng 63 tiêu chí so với năm 2016, bình quân mỗi xã đạt 16,18 tiêu chí; có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 12 xã.
Huyện phối hợp các nhà đầu tư thực hiện các dự án: Nhà máy may Minh Anh tại xã Quang Sơn (đi vào hoạt động giai đoạn 1- thu hút 1.000 lao động); tiến hành các bước để thu hút dự án “Khu trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống tại Yên Sơn và thị trấn của HTX Hải An”, Khu liên hiệp chăn nuôi công nghệ cao Việt Đức tại xã Mỹ Sơn; Nhà máy sản xuất vật liệu tấm nhôm tổng hợp tại cụm công nghiệp Lạc Sơn, Nước khoáng nóng Giang Sơn, Đường giao thông BT và đầu tư xây dựng khu dân cư đô thị mới Vườn Xanh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Tràng Sơn (Đô Lương). Ảnh: Hữu Hoàn

Chất lượng giáo dục năm học 2016 - 2017 tiếp tục giữ vững tốp đầu của tỉnh: Có 36 em đạt giải học sinh giỏi quốc gia ở các cấp học, nhiều hơn năm học trước 15 em và có 217 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, đứng thứ 3 trong toàn tỉnh về đội tuyển học sinh giỏi khối 9. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đạt 99,1% và có số thí sinh đạt điểm cao (từ 28 điểm trở lên) là 45 em.
Cùng đó, huyện tổ chức thành công Đại hội Thể dục, thể thao cấp cơ sở và cấp huyện lần thứ VIII. Đặc biệt, lần đầu tiên huyện đón tiếp các đoàn nghệ thuật quần chúng 6 tỉnh về tổ chức hoạt động tuyên truyền lưu động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ được đánh giá rất cao trong khâu tổ chức. Nhằm phát huy giá trị di tích lịch sử, trong năm 2017, huyện huy động xã hội hóa được 1,5 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các hạng mục của Di tích lịch sử Quốc gia đền Quả Sơn.
Công tác quốc phòng - an ninh - quân sự địa phương được tăng cường, củng cố, giữ vững được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Phóng viên: Một trong những điểm nhấn thành tựu của Đô Lương trong năm 2017 đó là thu hút đầu tư. Theo đồng chí, lĩnh vực này đóng góp như thế nào vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện?
Đồng chí Ngọc Kim Nam: Huyện có một số dự án nổi bật, đó là: Nhà máy may vốn đầu tư nước ngoài tại Cụm Công nghiệp Lạc Sơn, Nhà máy Xi măng Sông Lam tại xã Bài Sơn. Cùng đó đang tích cực phối hợp với các nhà đầu tư triển khai các dự án như: Nhà máy Minh Anh tại xã Quang Sơn, Khu trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống tại xã Yên Sơn và thị trấn của HTX Hải An, Khu liên hiệp chăn nuôi công nghệ cao tại xã Mỹ Sơn, dự án suối nước nóng tại Giang Sơn...
Dự án đang được huyện tập trung triển khai đó là Nhà máy Minh Anh với quy mô lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ. Hiện nhà máy đang đào tạo nghề miễn phí cho 1.000 lao động, sẽ cho ra những sản phẩm may mặc đa dạng, phục vụ trong nước và xuất khẩu đi các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu. Nếu nhà máy đi vào hoạt động ổn định sẽ giải quyết việc làm cho 6.000 - 7.000 lao động không chỉ huyện Đô Lương mà các huyện lân cận như Yên Thành, Nghi Lộc, Anh Sơn, Thanh Chương.

Đua thuyền ở Lễ hội Đền Quả Sơn. Ảnh Hữu Hoàn

Để thu hút các nhà đầu tư, thời gian tới huyện tiếp tục kêu gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Đồng thời, công khai quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch sử dụng đất cho các doanh nghiệp lựa chọn vị trí phù hợp với ngành nghề, dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và hưởng các chính sách ưu đãi hỗ trợ của tỉnh và huyện; tạo quỹ đất, mặt bằng và cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đã đầu tư vào địa bàn phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Phóng viên: Để tạo đột phá trong năm 2018 và những năm tiếp theo huyện Đô Lương sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Ngọc Kim Nam: Năm 2018, huyện Đô Lương kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Xác định đây là năm quan trọng, then chốt, sẽ đánh giá kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ, theo đó huyện xác định những giải pháp trọng tâm chỉ đạo điều hành sau:
1. Tiếp tục rà soát các cơ chế, quy định để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước về đầu tư vào địa bàn huyện. Thực hiện tốt các dự án, chương trình trọng điểm, các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2018 khoảng 11,5 - 12%;

Động thổ xây dựng Nhà máy Minh Anh (Đô Lương). Ảnh: Hữu Hoàn

2. Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, xây dựng cánh đồng sản xuất chuyên canh, tập trung tạo sản phẩm nông nghiệp an toàn để gia tăng giá trị, tăng hiệu quả kinh tế. Huy động các nguồn lực, phát triển nguồn thu, khai thác tốt tiềm năng nội lực để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp.
3. Chú trọng chỉ đạo trong lĩnh vực văn hóa - du lịch: Vận động các nguồn vốn từ xã hội hóa, vốn ngân sách để từng bước tu bổ, tôn tạo Dự án “Bảo tồn tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa đền Quả Sơn”; phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa du lịch tâm linh theo tuyến “Quê Bác- Truông Bồn - quần thể Di tích đền Quả Sơn - chùa Bà Bụt”, kết hợp với suối nước nóng Giang Sơn - Cột mốc số 0 - Tân Kỳ.
4. Ưu tiên trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; giữ vững chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn luôn đứng tốp đầu của tỉnh.
5. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng quân sự địa phương; chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh, không để xảy ra điểm nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
6. Tiếp tục phát huy truyền thống của địa phương, đoàn kết nhất trí, đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ; tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu sớm đưa Đô Lương trở thành thị xã trong tương lai.
Phóng viên: Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Thanh Thủy

(Thực hiện)

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/phan-dau-som-dua-do-luong-tro-thanh-thi-xa-181736.html