Những bộ phim không thể bỏ lỡ trong ngày Nhà giáo Việt Nam

Nhân ngày 20/11, hãy cùng điểm lại những tác phẩm điện ảnh vô cùng xúc động về tình thầy trò và để lại cho người xem nhiều bài học đáng quý.

“Freedom writer” (2007)

“Freedom writer” là câu chuyện có thật kể về cô giáo Erin Gruwell (do Hilary Swank đóng). Để thay đổi tư duy, cách suy nghĩ của học trò, cô Erin đã cố gắng hết mình bằng tất cả tâm huyết và lòng cảm thông sâu sắc. Bộ phim khiến nhiều khán giả xúc động với việc khắc họa những tấm gương luôn khát khao vươn đến sự công bằng, tôn trọng và đặc biệt là tình cảm quý mến giữa thầy và trò. Điều xúc động nhất là ở ngoài đời thực, cô giáo Erin Gruwell cũng đã sáng tạo ra tổ chức “Freedom writer” nhằm giúp đỡ các học sinh, sinh viên sử dụng “cây bút” để thay đổi cuộc sống của chính mình. Và những nhân vật học sinh trong phim cũng được khắc họa dựa trên chính những học trò có thật của cô Erin Gruwell.

“Precious” (2009)

Tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết “Push” kể về Precious, cô gái da đen sống ở khu Harlem, New York. Bị mẹ ngược đãi, bố đẻ hãm hiếp, xã hội quay lưng nhưng cô vẫn vươn lên trong cuộc sống với sức mạnh phi thường. Chuyện phim đặc biệt xúc động khi sau đó Precious được nhận vào trung tâm giáo dục, đây cũng là nơi cô gặp được người giáo viên đầy tình thương và nhất mực kiên trì Blu Rain. Bộ phim đã đoạt hai giải Oscar năm 2010 cùng vô số giải thưởng tại các liên hoan phim khác.

“Good Will Hunting” (1997)

Chuyện phim xoay quanh cuộc đời của cậu bé Will Hunting bất hạnh lớn lên trong những xó xỉnh của Boston, cuộc đời Will bất ngờ rẽ sang hướng khác khi anh được nhận vào làm bảo vệ cho Học viện Công nghệ Massachusetts và một lần vì tò mò, Will đã nhìn trộm buổi học lớp toán ứng dụng của giáo sư Gerald Lambeau. Với cốt truyện ấn tượng và nhiều câu thoại trau chuốt, “Good Will Hunting” không cần sự cầu kỳ kỹ xảo hay kịch tính hành động nhưng vẫn đi vào lòng người và xuất sắc giành được hai giải Oscar danh giá.

“The karate kid” (2010)

Câu bé Dre Parker, 12 tuổi theo mẹ chuyển từ thành phố Detroit, Mỹ sang Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại đây, ngỡ ngàng với cuộc sống mới cùng sự khác biệt về ngôn ngữ, Dre vô tình gây sự đánh nhau với những học sinh giỏi kungfu Trung Quốc cùng trường. Để lấy lại danh dự và cũng để chinh phục cô bạn gái Mỹ Anh xinh đẹp, Dre quyết tâm “tầm sư học võ” và tìm đến Mr. Han, vị sư phụ do Thành Long thủ vai. Mối quan hệ giữa hai thầy trò trong phim đã lấy được cảm tình của rất nhiều người xem bởi nó không chỉ là tình sư đồ mà còn gần gũi, thân thiết như tình cảm tri kỉ giữa hai người bạn vong niên.

“Music of the heart” (1999)

“Music of the heart” là bộ phim được làm dựa trên câu chuyện có thật về một giáo viên, người đã nỗ lực truyền khát vọng sống cho những trẻ em kém may mắn thông qua âm nhạc. Câu chuyện bắt đầu khi Roberta Guaspari (Meryl Streep) rơi vào cuộc khủng hoảng tinh thần và có ý định tự tử vì bị chồng bỏ rơi nhưng với sự động viên của mẹ mình, cô đã quyết tâm làm lại cuộc đời và xin vào dạy nhạc ở một trường trung học để có tiền trang trải cuộc sống. Mặc dù là một nghệ sĩ violin tài năng nhưng Roberta lại không có kinh nghiệm trong giảng dạy, khiến cho không chỉ ban giám hiệu mà các phụ huynh cũng như học sinh đều cảm thấy nghi ngờ về lớp học âm nhạc của cô. Tuy nhiên, với nghị lực phấn đấu cùng tình thương dành cho lũ trẻ, Roberta thực sự đã truyền cảm hứng và làm thay đổi cuộc sống của rất nhiều em học sinh.

Theo Dung Nhi (Dân trí)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/nhung-bo-phim-khong-the-bo-lo-trong-ngay-nha-giao-viet-nam-d49996.html