Những bộ phim khiến chúng ta nhận ra mỗi ông bố là một người hùng

Đằng sau nét mặt nghiêm nghị, khó tính và kiệm lời của cha là cả tấm lòng yêu thương con vô bờ bến. Dù có chuyện gì xảy ra, vì con mà cha có thể làm tất cả. Nhân Ngày của cha (16/6), hãy cùng Đẹp nhìn lại những thước phim ý nghĩa nhất, tôn vinh tình phụ tử thiêng liêng.

Đằng sau vẻ nghiêm nghị, khó tính và kiệm lời của cha là cả tấm lòng yêu thương con vô bờ mà không từ ngữ nào diễn tả được. Hình tượng các ông bố cũng được khai thác cực kỳ cảm động trên màn ảnh rộng. Hãy cùng Đẹp Online điểm qua những bộ phim về tình phụ tử mà bạn có thể xem đi xem lại nhiều lần mà vẫn không cảm thấy chán.

“The Kid” (1921): bộ phim về tình cha con hay nhất của kỷ nguyên phim câm

Đây là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của “vua hề” Charlie Chaplin – người đã khiến khán giả xúc động với câu chuyện nhân văn về một “gã lang thang” cố gắng bảo vệ đứa con nuôi khỏi trại trẻ mồ côi.

“The Kid” là một trong những bộ phim tuyệt vời của Charlie Chaplin

“The Kid” là một trong những bộ phim tuyệt vời của Charlie Chaplin

Charlie vào vai anh chàng lang thang “The Tramp” vụng về cố gắng xoay xở bằng mọi cách với mong muốn nuôi dạy đứa bé trở thành một người tử tế, biết cách tồn tại trong xã hội khi không có gia đình. Những phân cảnh hành động phạm pháp của “vua hề Sác Lô” để kiếm thức ăn nuôi con mang lại tiếng cười cho khán giả, nhưng phần nào cũng cho thấy bi kịch của con người trong xã hội.

Bên cạnh những giây phút hài hước, “The Kid” còn chứa đựng nhiều khoảnh khắc xúc động. Dù không cùng huyết thống nhưng chính lòng yêu thương chân thành của hai nhân vật đã tăng thêm giá trị thông điệp của tác phẩm. Cũng giống như dòng chữ giới thiệu bộ phim mà chính Charlie gửi gắm: “Một bộ phim với một nụ cười và có lẽ, một giọt nước mắt”.

“Kramer vs Kramer” (1979): tình cảm cha con là điều thiêng liêng nhất

Ra mắt vào thập niên 1970, “Kramer vs. Kramer” là một bộ phim thách thức những định kiến bấy giờ về vai trò, vị trí của đàn ông và phụ nữ trong gia đình. Trước đây, nếu xảy ra một vụ ly di, chắc chắn, đứa con sẽ được mẹ chăm sóc, người cha chỉ có nhiệm vụ chu cấp mỗi tháng. Nhưng “Kramer vs. Kramer” thì khẳng định rằng: đàn ông cũng có thể chăm sóc cho con cái chu đáo chẳng thua gì phụ nữ.

Sức sống của “Kramer vs Kramer” mãi trường tồn vì những bài học về giá trị của tình cảm cha con, gia đình mà bộ phim mang lại

Chuyện phim kể về hành trình “học làm bố” của Ted Kramer (Dustin Hoffman), người đàn ông yêu công việc hơn gia đình. Bỗng một ngày, Joanna, vợ anh đột ngột đòi ly hôn. Cô để lại cậu con trai Billy 5 tuổi cho Ted chăm sóc.

Ted không phải là người cha lý tưởng. Anh vụng về trong mọi thứ: đánh rơi cả vỏ trứng vào bát, đi siêu thị nhưng không biết mua đồ gì hay thậm chí không nhớ nổi con trai mình đang học lớp mấy… Tuy nhiên, tình yêu dành cho con đã dạy anh cách trở thành một người cha thực thụ. Anh bắt đầu biết dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với con trai, dạy con tập xe đạp,… Sự tận tụy của một người cha đã khiến Ted bị sa thải. Nhưng anh cũng học được rằng, tình cảm cha con mới là thứ đáng giá, thiêng liêng nhất.

Bộ phim đã giành đến 5 giải Oscar 1980 ở những hạng mục quan trọng như đạo diễn, kịch bản chuyển thể, nam chính, nữ phụ và phim xuất sắc nhất.

Nhưng lúc Ted đã ổn định cuộc sống cùng Billy thì cũng là lúc Joanna, vợ cũ của anh quay về giành quyền giám hộ đứa bé. Như một bản năng của người bố, Ted vùng lên chiến đấu để được ở cạnh con trai.

“Big Fish” (2003): tình cha con được dệt lên từ những câu chuyện cổ tích

“Big Fish” là bộ phim về tình cha con được đạo diễn Tim Burton thực hiện sau khi cả cha và mẹ ông qua đời trước đó. Tác phẩm đạt doanh thu 122,9 triệu USD và nhận bốn đề cử Quả Cầu Vàng, đặc biệt là “Phim hài/nhạc kịch xuất sắc”. “Big Fish” được xem là một trong những tác phẩm thành công nhất của Tim Burton.

“Big Fish” là một câu chuyện giàu trí tưởng tượng dựa trên tình phụ tử

Nhân vật chính của bộ phim là cậu con trai William. Suốt tuổi thơ của mình, William đã được nghe người cha Edward Bloom kể về chuyến phiêu lưu thời trẻ vừa thực vừa ảo của ông. Trong những câu chuyện ấy luôn hiện hữu các nhân vật phi thường như người khổng lồ, phù thủy, người sói,…

Khi trưởng thành, Will không còn tin vào những lời kể ấy và cho rằng tất cả chỉ là bịa đặt. Mãi đến khi biết tin cha sắp qua đời, anh mới quyết tâm tìm hiểu sự thật đằng sau câu chuyện huyền bí ấy để rồi William bị cuốn vào chuyến du hành đặc sắc.

“Finding Nemo (2003): hãy yêu thương con cái đúng cách

Là một trong những phim hoạt hình kinh điển của hãng Disney, “Finding Nemo” là hành trình tuyệt vời, khắc họa tình cảm cha con đầy thiêng liêng.

Marlin chính là hình mẫu để các bậc phụ huynh có cái nhìn đúng đắn hơn về cách dạy con: chăm sóc con quá kỹ lưỡng khiến đứa trẻ dần trở nên tự ti, không thể bảo vệ nỗi chính mình.

Tận sâu dưới đáy đại dương là gia đình nhỏ của cá hề Nemo. Vì mồ côi mẹ từ nhỏ, nên Nemo luôn được bố Marlin yêu thương và hết mực chăm sóc. Chính vì nỗi sợ hãi trong lòng mà Marlin trở nên dè dặt, khô khan, bảo vệ Nemo tới mức cực đoan.

Và khi Nemo lạc đến bên kia của đại dương, Marlin đã quyết tâm lên đường tìm kiếm con trai dẫu không hề có bất kỳ manh mối nào. Những khoảnh khắc Marlin vùng vẫy chiến đấu với cá mập, hay cố gắng vượt qua đàn sứa độc đã để tìm Nemo khiến người xem không khỏi xúc động.

“Miracle In Cell No.7” (2013): bản giao hưởng nhẹ nhàng của tình cha con nơi phòng giam ảm đạm

Bộ phim từng lấy không ít nước mắt khán giả Hàn Quốc lẫn Việt Nam khi được ra mắt. Câu chuyện cảm động về người cha thiểu năng và cô con gái nhỏ tuổi nhưng thông minh nơi phòng giam mang đến cho người xem những khoảnh khắc hài hước pha lẫn nước mắt. “Miracle In Cell No.7” khiến chúng ta nhận ra rằng, dẫu trong bất kỳ hoàn cảnh nào các ông bố vẫn luôn bảo vệ những đứa con bằng mọi giá, kể cả có phải đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình.

Bộ phim là một bài ca đẹp về tình người, tình phụ tử

“Train to Busan” (2016): vì con, cha có thể làm tất cả!

Seo Wook được mô tả là người đàn ông của công việc khi phần lớn thời gian chỉ để nghiên cứu làm sao hoàn thành chỉ tiêu của công ty thay vì chăm sóc gia đình nhỏ. Chính vì thế mà khoảng cách của anh và cô con gái nhỏ Su An ngày càng lớn. Để bù đắp cho con gái, Seo Wook đưa Su An về thăm mẹ ở Busan mà không hề biết rằng, chờ đón họ trên chuyến tàu ấy là binh đoàn zombie khát máu sẵn sàng tấn công bất kỳ ai mà chúng thấy.

Không chỉ là bộ phim Zombie đơn thuần, “Train to Busan” còn khắc hoạc rõ nét tình cảm cha con lúc sinh tử.

Thời khắc sinh tử đã kéo hai cho con lại gần nhau hơn và giúp Seo Wook hiểu ra rằng anh đã quá lãng phí thời gian cho tiền bạc, công việc mà bỏ rơi gia đình lẫn Su An. Đến cuối cùng để bù đắp cho sự vô tâm hời hợt trước đây, và trên hết là để con gái được sống một đời bình an, Seo Wook đã quyết định dùng sinh mạng đối đầu với zombie.

Bài: Trung Hiếu

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/nhung-bo-phim-khien-chung-ta-nhan-ra-moi-ong-bo-la-mot-nguoi-hung/