Những bình minh thứ nhất

Quý giá làm sao, những buổi sáng đầu tiên năm mới. Một năm có 365 ngày, chỉ một sáng mồng Một tinh khôi trong lành, nguyên khiết nhất. Không ai biết chắc đời mình tất thảy bao nhiêu buổi sáng, ai nhớ rõ những buổi sáng đã qua. Những bình minh đầu năm là vô giá.

Chắc chắn hầu hết mọi người, dù cường độ nhớ và biểu cảm khác nhau, đều đồng cảm bồi hồi, tâm niệm thiện thanh về những bình minh đầu tiên năm mới.

Minh họa: Thành Chương

Nhờ kiêng cữ, con người sống chậm, trầm lắng hơn

Dường như mọi kiêng cữ đều trọng tâm dồn vào mồng Một Tết. Không đổ rác kẻo mất lộc cả năm. Không cáu gắt nóng giận cãi nhau. Không làm lụng quá nhiều để cả năm vất vả. Không lục tìm, tranh chấp, không cắt tóc, không mặc đồ đen, không khóc than, buồn bã. Ai nhà có tang trong năm thì không đến đám cưới hoặc chúc Tết nhà ai khác ...

Nếu vi phạm những điều kiêng trên thì sẽ bị dớp cả năm. Sợ, và biết sợ, hay ít nhất tin tín ngưỡng có kiêng có lành, mỹ tục kiêng thành chế định mà toàn dân đều biết, nhắc nhau thực hiện. Nhờ mỹ tục này, con người trở nên nhẫn nhịn, kiềm chế, điều hòa mình trong cư xử với gia đình và xung quanh, kể cả với người mới quen, gặp trên đường hay kẻ lạ, hỷ xả chúc chào, tránh nặng lời, xung đột. Nhờ kiêng, mà mỗi người như sống chậm, trầm lắng hơn, cảm nhận được sự êm đềm hiếm hoi chỉ có vào ngày đầu năm mới.

Mỗi chúng ta, sẽ có các vỉa ký ức khác nhau, song chắc chắn, tôi tin, không riêng ở Việt Nam mà trên khắp thế giới này, nhân loại cùng chung một tâm lý (dù khác biệt về mức độ, lý do): Mỗi khi quây quần đón năm mới sẽ nhớ về cái Tết đã qua, kỷ niệm tuổi thơ, tuổi trẻ. Với các quốc gia ăn Tết theo lịch Mặt trăng (Nguyệt lịch, nông lịch), như Việt Nam, Trung Hoa, như được hưởng 2 lần năm mới, Tết Dương lịch và Tết cổ truyền và có thể coi là có “hai buổi sáng” đầu năm. Theo tâm lý, tâm linh Á Đông, sáng mồng Một lịch trăng là thiêng liêng nhất. Đó là sáng mở đầu năm mới, tháng mới, mùa Xuân, sáng mà mọi lời nói, cử chỉ, thậm chí ý nghĩ, ước mơ, có thể định đoạt, ảnh hưởng đến 364 ngày còn lại.

Kiêng cữ đầu năm là một mỹ tục đẹp của văn hóa Việt Nam. Không riêng mồng Một, mà trong cả dịp Tết, thậm chí cho đến Rằm và cả tháng Giêng, khi khí Tết và hơi Xuân vẫn làm người ta cảm hứng thì tâm thế chỉ muốn hiền hòa vui vẻ từ trong nhà ra đến xã hội. Số đông cho rằng, Tết Nguyên đán mỗi năm một nhạt dần, vì những món ăn của Tết có quanh năm, nên không còn hăng hái lo liệu như thời bao cấp, hay khi thiếu thốn. Nếu chuẩn bị kỹ, thì chỉ với gia đình có người già, trẻ nhỏ, chiều hai đối tượng đặc biệt ấy. Không còn chú trọng ăn Tết, xu hướng thời thượng là chơi Tết, du Xuân. Lên miền núi phía Bắc, xem ra hấp dẫn hơn cả vì hoa, phong tục và không gian khoáng đạt so với chốn chật chọi chen chúc thị thành.

Để không ai bị bỏ quên…

39 năm tôi chưa từng xa nhà dịp Tết. Tư duy sáng tác hiện đại, tư duy sống của tôi lại trọng tinh hoa kinh điển nên Tết Nguyên đán là một lễ tiết quan trọng nhất, là bởi lý do sum họp, tưởng nhớ, quan tâm, vì người khác. Đây là dịp người ta không chỉ muốn chu đáo, tròn vẹn với người ruột thịt, mà rộng lượng với nhân quần. Các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tập thể, cá nhân đồng tâm chăm lo cho người neo đơn, nghèo khó để cố gắng không ai bị bỏ quên, ít nhất cũng có cái Tết ở mức tối thiểu: bánh chưng, hộp mứt, chai rượu, khăn quàng, áo ấm.

“Trẻ có bát canh, già manh áo mới”. Tổ Tiên, ông bà nội tôi được con cháu mời về nhà theo khói hương khấn nguyện, mình đóng cửa đi vắng suốt thì ông bà sẽ lạnh, cô đơn. Tôi không phản bác ai mua tour du lịch từ trước Tết và đến hết Tết mới trở về, họ muốn thay đổi không khí, cảm giác, hay muốn xả hơi, kể cả trốn việc, trốn thăm viếng chúc tụng.

Tôi không muốn xa Hà Nội những ngày chính Tết, vì ý nghĩa sum họp, và muốn hưởng buổi sáng đầu tiên trong vắt và yên tĩnh tuyệt vời mà mỗi năm Hà Nội chỉ có một lần duy nhất. Gia đình tôi thăm họ hàng trong thành phố từ mồng Hai. Chúng tôi thích không khí sáng mồng Một vắng lặng, còn chiều và tối xuất hành, thường là bát phố, không vào nhà ai, giữ ý kiêng kỹ cho người khác và cũng tránh cho mình trách nhiệm vô tình là kẻ xông nhà.

Bởi Tết nhắc tất cả trở về sum họp. Xa xứ nhớ quê Việt, tha hương mong được về trước Tết, kịp thắp hương mộ người thân, sum họp gia tộc, họ hàng. Cố gắng, chậm nhất, cũng về kịp ăn bữa cơm tất niên, nâng ly chúc (và mong) điều tốt đẹp khi năm mới đến sau vài tiếng nữa, kịp đón Giao thừa nơi thân thương, gắn bó. Tình ruột thịt, ký ức Tết và cả khát khao được hưởng sáng mồng Một bình yên thanh thản, ấm áp bên gia đình trong ngôi nhà thân thuộc. Đây là bình minh đem lại hưng phấn sống hơn mọi ngày. Lạc quan, tin tưởng ở tương lai, tinh thần ấy là nền tảng, khởi động, lấy đà cho một năm muốn nỗ lực và đạt thành quả hơn năm cũ.

Sống tử tế hơn, đẹp hơn cho một năm mới

Những tham vọng nổi tiếng, vượt lên, chinh phục, lãnh đạo số đông, nổi trội hơn người... sẽ làm người ta náo loạn trí não. Sự khẳng định và công nhận luôn đến với những cống hiến đích thực tận lực say mê. Tôi yêu sáng mồng Một Tết mỗi năm, còn vì nó ít người. Như kiệt tác “Mùa Thu vàng” (1889) và nhiều tác phẩm của I. Levitan (1860 - 1900) không có người. Như tranh Hà Nội phố của Bùi Xuân Phái (1920 - 1988) rất ít vẽ người. Và tranh Đào Hải Phòng: nhà, cây, núi, đồi, cỏ... gam màu mạnh, chói chang, rực rỡ, nhưng vắng lặng.

Loài người còn khổ, bi kịch chính vì sự không thỏa mãn tham vọng. Chỉ cần được lành lặn, mạnh khỏe là may mắn. Ngoài kia, thế giới còn 60 triệu người phải gắn cả đời trên xe lăn. Trái tim ta đập 100.000 lần/ngày, không ai đủ bác ái và năng lượng siêu thường để lo, giải quyết hết các thân phận thiệt thòi, nghèo đói, song mỗi người đều có thể chung tay, góp sức để tha nhân bớt lạnh giá, bi quan.

Gấp gáp mệt nhọc, quay cuồng trăm việc có tên và không tên kỳ áp Tết, những ngày mà đồng hồ như chạy nhanh gấp mấy ngày thường, tưởng như 48 giờ/ngày vẫn làm không xuể, tất cả cùng cố gắng xong xuôi mọi việc trước Giao thừa, cuộc hẹn lớn của con người với Trời Đất thiên nhiên vũ trụ, với chính mình và đại chúng, với Tương lai mà Quá khứ như đồng hiện. Tắm gội sạch sẽ, thơm tho, vệ sinh thân thể, thanh lọc tâm hồn, để dọn mình trước lúc đón thời khắc sang năm mới.

“Sang năm”, một mốc thời gian vừa xa vừa gần, lạ kỳ thay, chỉ một chớp mắt năm cũ thành năm mới, một tích tắc hôm qua thành hôm nay và sớm mai. Trong lúc tiếng pháo hoa bừng lên và bầu trời lộng lẫy sáng rực, tôi lại yêu sự im lặng trong tâm hồn, lòng mình thư thái và tin ở ngày mai.

Như nữ thi sĩ Ba Lan, Wislawa Szymborska (1923 - 2012, Giải Nobel Văn học năm 1996) viết: “Thời khắc từ đêm sang ngày/Thời khắc trở mình trằn trọc/Thời khắc của tuổi ba mươi/Thời khắc, khi đất đai chối bỏ con người/Thời khắc bật lên trong giờ gà gáy/ Thời khắc, thế sau ta có những gì còn lại?/Thời khắc lặng im/Thời khắc trống vắng/Tận cùng đáy của ngày đêm/ Lúc bốn giờ sáng chẳng có ai bình yên/ Nếu bầy kiến lúc 4 giờ thanh thản/Ta mừng cho kiến. Và 5 giờ sẽ đến/Nếu như ta sống tiếp cuộc đời mình”.

Số lượng bình minh thứ nhất là số năm mỗi người được sống trên đời. Mang bản thân, sạch sẽ về thân thể, sáng trong về tâm hồn tới Giao thừa, sang bình minh thứ nhất là cách để sống tử tế hơn, đẹp hơn cho một năm mới, cho những năm tới của cuộc đời mong tận hiến một kiếp sống ý nghĩa. Chỉ như thế, thì những khát khao mơ ước của bình minh thứ nhất hay thứ bao nhiêu trong đời mới có khả năng linh nghiệm.

Tùy bút của Vi Thùy Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/nhung-binh-minh-thu-nhat/797903.antd