Những biến số trong lệnh ngừng bắn hoàn toàn tại miền Đông Ukraine

Vừa qua, thỏa thuận ngừng bắn mới ở đông Ukraine đã được ký kết, liệu nó sẽ có hiệu quả thực chất để chấm dứt tình trạng xung đột liên miên tại 'vùng đất khói lửa' này?

Lệnh ngừng bắn hoàn toàn ở vùng Donbass đông Ukraine bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27/7, đây được cho là động thái mang tính thực chất của cả Nga và Ukraine nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình tại “vùng đất khói lửa” này, đồng thời lệnh ngừng bắn có tác dụng làm dịu căng thẳng Nga-EU. Tuy nhiên, những toan tính của các bên và vấn đề chủ quyền lãnh thổ giữa Nga và Ukraine khiến hiệu lực và kết quả của lệnh ngừng bắn vẫn còn là câu hỏi chưa có câu trả lời.

Xe tăng của quân đội Ukraine ở khu vực Donbass. Nguồn: people.com.cn.

Xe tăng của quân đội Ukraine ở khu vực Donbass. Nguồn: people.com.cn.

Một bước quan trọng đối với hòa bình

Vừa qua, nhóm liên lạc ba bên về Ukraine (Ukraine, Nga, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với đại diện của các lực lượng vũ trang ở Donbass. Các bên đã đạt được thỏa thuận về việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn toàn diện trong khu vực.

Theo thỏa thuận, sau khi ngừng bắn hoàn toàn, lực lượng chính phủ Ukraine và lực lượng vũ trang ở phía đông sẽ chấm dứt các hoạt động tấn công, trinh sát và phá hoại, cấm sử dụng tất cả các hỏa lực và không được bố trí các trang thiết bị, vũ khí hạng nặng tại đây. Chỉ khi các biện pháp phối hợp nói trên thất bại và nhà chỉ huy của một trong hai bên hạ lệnh nổ súng, bên kia mới được phản kích.

Thỏa thuận lần này được đánh giá là có giá trị thực chất hơn so với thỏa thuận ngừng bắn Minsk ký kết tháng 9/2014 và tháng 2/2015. Sau khi ký kết thỏa thuận Minsk, nhiều cuộc xung đột quy mô nhỏ vẫn xảy ra. Thỏa thuận mới diễn ra trong bối cảnh tân Tổng thống Ukraine, ông Zelensky tuyên bố sẽ tập trung khôi phục lại trật tự và hòa bình ở miền Đông Ukraine, tiến hành đàm phán với Tổng thống Nga Putin để đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn ở khu vực Donbass vào cuối năm 2020.

Sau đó, dưới sự trung gian của phía Nga, các quốc gia tự xưng ở khu vực Donbass sẽ không còn thực hiện các hoạt động tấn công, trinh sát và phá hoại. Về phần mình, lực lượng chính phủ Ukraine đã rút một số đơn vị thiết giáp và pháo binh ra khỏi Donbass.

Các nhà lãnh đạo của Nga, Pháp, Đức và Ukraine. Nguồn: people.com.cn.

Kết quả của sự thỏa thuận giữa các bên

Truyền thông quốc tế cho rằng, thỏa thuận này là kết quả cho sự thỏa thuận của các bên và nó phù hợp với lợi ích của các bên. Trước đó, tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với Tổng thống Zelensky tiếp tục giảm và suy giảm niềm tin là vấn đề rất cấp bách đối với chính quyền của Tổng thống Zelensky.

Sau khi ký kết thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, ông Zelensky gọi đây là sự kiện quan trọng để thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình và tiến tới “giải quyết hoàn toàn vấn đề hòa bình cho Donbass.

Hơn nữa, cuộc chiến kéo dài trong nhiều năm đã tán phá nghiêm trọng kinh tế trong nước của Ukraine. Do đó, chính quyền Kiev hy vọng, sau thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn, Kiev sẽ dành tất cả ưu tiên của mình cho sinh kế của người dân và thoát khỏi tình trạng kinh tế “đóng băng”.

Về phía Nga, lệnh ngừng bắn hoàn toàn ở Donbass được coi như điểm đột phá để Moscow thoát khỏi lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng thời thể hiện tầm ảnh hưởng của mình trong “bàn cờ” ở đông Ukraine. Cùng với đó, Nga sẽ giảm thiểu được chi phí cho các hoạt động quân sự, hiện, mỗi ngày Nga đang tiêu tốn gần 3 triệu USD cho Syria và miền đông Ukraine.

Ngoài ra, thỏa thuận ngừng bắn toàn diện lần này được ký kết với với sự tham gia tích cực của Pháp và Đức, điều này phản ánh tính độc lập của ngoại giao châu Âu, và cũng giành được sự ủng hộ của dư luận trong nước, đồng thời làm giảm bớt những áp lực do dịch Covid-19 mang lại.

“Tương lai mù mịt” cho hòa bình

Giới phân tích cho rằng, lệnh ngừng bắn lần này có ý nghĩa tích cực nhưng chỉ là động thái mang tính “kỹ thuật”, bước ngoặt về một giải pháp hoàn chỉnh cho vấn đề hòa bình ở miền đông Ukraine vẫn là câu hỏi phía trước. Là “lá bùa” để kiềm chế Nga, phần phía đông của Ukraine đã trở thành một chiến trường để cho Mỹ thúc đẩy mở rộng ảnh hưởng về phía đông của NATO và siết chặt không gian chiến lược của Nga.

Do đó, sự bất ổn do cạnh tranh giữa các nước lớn tại đông Ukraine là vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều. Thêm vào đó, những mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine sau sự kiện Nga sát nhập Crimea cũng là một yếu tố khiến cho cơ sở của thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông Ukraine dễ đổ vỡ.

Ngoài ra, mức độ thực thi thỏa thuận giữa các bên tham gia ngừng bắn đang cần trải qua thời gian kiểm chứng. Trong bối cảnh thiếu niềm tin lẫn nhau thì việc xảy ra các xung đột quy mô nhỏ, dần dẫn đến xung đột toàn diện là điều khó tránh cho cục diện tại miền Đông Ukraine.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/nhung-bien-so-trong-lenh-ngung-ban-hoan-toan-tai-mien-dong-ukraine-260152.html